Biến động cơ cấu cổ đông ngân hàng

Theo Lê Phan/doanhnhansaigon.vn

Trong khi cổ đông tổ chức liên tiếp đăng ký thoái vốn tại các ngân hàng đã niêm yết, thì ngược lại, cổ đông nội bộ, người thân ban lãnh đạo những ngân hàng sắp hoặc mới niêm yết lại ồ ạt mua vào. Sự biến động về cơ cấu cổ đông và vốn sở hữu tại các ngân hàng là rất đáng chú ý trong thời gian qua.

Ngành ngân hàng được các thông tin tích cực hỗ trợ nên tranh thủ thoái vốn tại mặt bằng giá hiện nay. Nguồn: internet
Ngành ngân hàng được các thông tin tích cực hỗ trợ nên tranh thủ thoái vốn tại mặt bằng giá hiện nay. Nguồn: internet

Ngân hàng tìm cổ đông chiến lược mới

Sau khi Vietinbank thoái vốn thành công 16,9 triệu cổ phần tại Saigonbank hồi tháng 6 năm ngoái, thì gần đây đến lượt Vietcombank đã đăng ký chào bán 13,2 triệu cổ phiếu Saigonbank, tương đương 4,3% vốn với giá khởi điểm 12.550đ/CP. Vietcombank cho biết sắp tới sẽ tiếp tục thoái phần vốn 5,07% tại Ngân hàng Phương Đông và 8,19% tại Eximbank nhằm giảm dần tình trạng sở hữu chéo theo quy định.

Không chỉ cổ đông tổ chức trong nước, các cổ đông chiến lược nước ngoài thời gian qua cũng rút dần vốn khỏi các ngân hàng của Việt Nam. Tháng 8 vừa qua, HSBC đã thoái hết vốn đầu tư tại Techcombank sau 12 năm gắn bó, dù mức giá bán không được như kỳ vọng và chấp nhận khoản lỗ ước 440 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác là ACB cũng đang đối mặt với việc các cổ đông ngoại rút vốn dần, khi Standard Chartered APR Limited gần đây cho biết sẽ xem xét thoái vốn và trong tháng 7 đã đăng ký bán hơn 600.000 cổ phiếu, còn cổ đông Connaught Investors Limited ngày 17/10 đã sang tay hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương 7,26% cho 2 quỹ con là First Burns Investments Limited và Asia Reach Investment Limited. 

Trong đó, First Burns Investments Limited nhận chuyển nhượng hơn 41 triệu cổ phiếu ACB (4% vốn), còn Asia Reach Investment Limited nhận chuyển nhượng 33,5 triệu cổ phiếu (3.26% vốn). Với việc 2 quỹ con sở hữu tỷ lệ dưới 5% thì sẽ không cần phải đăng ký trước khi bán.

Để giảm áp lực lên giá cổ phiếu và hấp thụ lượng cổ phiếu bán ra của các cổ đông lớn, các ngân hàng đã chủ động đăng ký mua cổ phiếu quỹ, cụ thể, Techcombank đã mua lại đúng bằng lượng cổ phiếu bán ra của HSBC. Ngân hàng Quốc tế (VIB) ngày 23/10 cũng đã được phép mua lại 57 triệu cổ phiếu quỹ, tương tứng 10,1% vốn điều lệ. VIB gần đây đã hoàn tất nhận chuyển nhượng mảng bán lẻ của Ngân hàng Commonwealth, vốn là cổ đông chiến lược đang sở hữu 20% vốn của VIB.

Có thể thấy, ngành ngân hàng được các thông tin tích cực hỗ trợ nên tranh thủ thoái vốn tại mặt bằng giá hiện nay. Trong khi đó, bản thân các ngân hàng cũng muốn tìm kiểm những cổ đông chiến lược mới để hợp tác và gia tăng năng lực cạnh tranh.

Sau khi HSBC rút vốn thì Techcombank đã khóa room ngoại về 0% (ngày 22/10), mà theo ngân hàng này là nhằm đảm bảo tính chủ động, hiệu quả trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có năng lực mang lại giá trị tối ưu cho Ngân hàng và cổ đông.

Ngoài Techcombank, mới đây, VPBank đã hạ room sở hữu nước ngoài từ 25% xuống còn 22,378% và LienVietPostBank (LPB) cũng đã giới hạn room ngoại về mức 5%.

Cổ đông nội bộ ồ ạt mua vào

Ngược lại với xu hướng thoái vốn của các tổ chức, các cổ đông cá nhân nội bộ, người thân ban lãnh đạo của các ngân hàng lại ồ ạt mua vào, đặc biệt là những ngân hàng mới niêm yết trên sàn trong thời gian gần đây.

Như tại VPBank, sau khi lên sàn ngày 17/8, vợ tổng giám đốc ngân hàng này đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 19/10 - 17/11/2017, tương đương 0,67% vốn của VPBank. Trước đó, trong tháng 7, ông Đỗ Chí Dũng - Chủ tịch VPBank đã đăng ký mua 10,5 triệu cổ phần, trong khi mẹ và vợ ông lần lượt mua 66,6 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 4,73% và 65 triệu cổ phẩn, chiếm tỷ lệ 4,62% vốn điều lệ của VPBank thời điểm đó.

Người nhà của ông Lô Bằng Giang - Phó chủ tịch HĐQT VPBank là vợ, mẹ và chị hồi tháng 7, tháng 8 vừa rồi đã chi sở hữu hơn 110 triệu cổ phiếu VPBank, nếu xét theo giá thị trường thời điểm ấy thì lượng tiền khoảng 3.800 tỷ đồng.

Vợ ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT tại VIB đã mua hơn 27,9 triệu cổ phiếu từ ngày 18/9 - 2/10, để sở hữu 4,95% vốn của ngân hàng này. Trong khi đó, từ ngày 9/10 - 7/11, con trai ông Vỹ đăng ký mua 28,1 triệu cổ phiếu của VIB.

Bản thân ông Vỹ đang nắm giữ hơn 28,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 4,99%, do đó nếu con ông Vỹ mua thành công thì chỉ tính riêng 3 người này đã nắm giữ hơn 84,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,93% vốn tại VIB. Thị trường cũng chứng kiến hàng loạt lãnh đạo của VIB đã mua thêm cổ phiếu trong thời gian qua.

Một trường hợp khác là LPB cũng có hàng loạt giao dịch nội bộ trước và sau khi lên sàn. Cụ thể vợ ông Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch HĐQT đã mua 1 triệu cổ phiếu LPB ngay từ hôm đăng ký (ngày 5/10) - ngày đầu tiên LPB giao dịch trên UpCOM. Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn gần đây cũng đăng ký mua vào 500.000 cổ phần để nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên trên 12,2 triệu, tương đương 1,9%.

Thương vụ đáng chú ý gần đây nhất là Chủ tịch HĐQT Sacombank - ông Dương Công Minh đăng ký mua thêm 1,2 triệu cổ phiếu "ngân hàng nhà". Nếu giao dịch thành công, ông Minh sẽ nâng lượng cổ phiếu STB sở hữu lên gần 60,6 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 3,36%. Ông Minh cũng từng cho biết sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của cá nhân tại Sacombank lên 5% và tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông liên quan dự kiến đạt khoảng 20%.

Như vậy, có thể thấy cổ đông nội bộ của các ngân hàng đã tranh thủ mua với khối lượng rất lớn để tận dụng cơ hội giá tăng khi cổ phiếu niêm yết trên sàn.

Thực tế cũng cho thấy giá cổ phiếu của các ngân hàng mới niêm yết đã có diễn biến tích cực với sự tăng trưởng ổn định suốt giai đoạn vừa qua, cùng với kết quả kinh doanh ngày càng tăng trưởng, giúp cho những cổ đông nội bộ đã mua cổ phiếu trước đó đạt được lợi nhuận đáng kể chỉ trong thời gian ngắn.