Bốn bất cập ảnh hưởng đến mua, bán nợ và tài sản của DATC

Thanh Huyền

Tiếp tục triển khai thực hiện phương thức mua bán nợ và tài sản theo thỏa thuận, trong thời gian qua, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt về mua bán xử lý nợ, kể cả thay đổi phương thức xử lý thu hồi nợ so với phương án ban đầu để phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế thanh toán nợ của khách nợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kết quả năm 2018, DATC đã nghiên cứu xây dựng gần 50 phương án mua bán nợ; trực tiếp mua và xử lý gần 5.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp; Doanh thu từ hoạt động mua bán nợ và tài sản 1.461 tỷ đồng...

Trong quá trình hoạt động thực hiện cơ chế chính sách đã phát sinh bất cập, chưa phù hợp và chưa được điều chỉnh kịp thời so với những thay đổi của thị trường và những quy định mới được sửa đổi, bổ sung thời gian qua, dẫn đến hạn chế trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ được giao của DATC. Cụ thể như:

Thứ nhất, Nghị định số 69/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành tạo cơ chế mở cho các tổ chức tư nhân kinh doanh hoạt động mua bán nợ và Nghị quyết số: 42/2017/QH14 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 15/8/2017 đã tạo lập thị trường mua bán nợ và Công ty chịu sự cạnh tranh quyết liệt hơn khi nhiều tổ chức tư nhân (hơn 30 Công ty mua bán nợ được thành lập), cá nhân tham gia hoạt động mua bán nợ.

Các nhà đầu tư, các đối tượng mua nợ hiện nay một mặt được mua nợ trực tiếp từ ngân hàng, mặt khác lại không bị ràng buộc về điều kiện và giới hạn số nợ được xóa cho khách nợ như DATC, vì vậy các Công ty này có quyền xóa nợ trực tiếp cho khách nợ khi đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng đã làm giảm khả năng cạnh tranh của DATC trên thị trường mua bán nợ;

Thứ hai, quy định về phương thức bán nợ: Khi bán nợ, DATC phải tuân thủ tuần tự qua nhiều công đoạn “thẩm định giá, bán đấu giá, bán chào bán cạnh tranh, rồi mới bán thỏa thuận”.

Quy định về phương thức bán nợ không linh hoạt này làm tăng chi phí và thời gian xử lý nợ, dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như quy mô xử lý nợ của DATC. Trong khi đó các chủ thể kinh doanh mua bán nợ khác là tổ chức tư nhân hay cá nhân không phải thực hiện quy định này, nên việc xử lý nợ rất linh hoạt và hiệu quả hơn DATC.

Thứ ba, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 15/8/2017. Theo đó, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm, quyền nhận thế chấp bổ sung tài sản bảo đảm, đặc biệt là bất động sản... Hiện nay, VAMC và tổ chức tín dụng đang áp dụng giải pháp bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, nếu không thành mới chuyển sang bán nợ.

Tuy là nợ xấu nhưng đều chào giá với mức giá khởi điểm 100% cả gốc và lãi, mức giá DATC không thể xử lý được, do vậy làm kéo dài quá trình đàm phán mua bán nợ của DATC, giảm hiệu quả của phương án xử lý nợ của DATC;

Thứ tư, do cách hiểu không thống nhất giữa các cơ quan và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn dẫn tới việc hình sự hóa quá trình xử lý nợ xấu làm phát sinh tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm nên né tránh, kéo dài thời gian xử lý nợ xấu.