Bức tranh đen tối của ngành ngân hàng: Báo lỗ, giảm lãi, nợ xấu tăng

Theo songmoi.vn

(Tài chính) Kết thúc đợt nghỉ lễ Tết Nguyên đán “dài hơi”, ngành ngân hàng bắt đầu khởi động năm mới 2014 với những báo cáo kết quả kinh doanh chứa rất nhiều điểm tối như báo lỗ, giảm lãi và tỷ lệ nợ xấu vẫn gia tăng đáng kể.

Bức tranh đen tối của ngành ngân hàng: Báo lỗ, giảm lãi, nợ xấu tăng
Ngành ngân hàng bắt đầu khởi động năm mới 2014 với những báo cáo kết quả kinh doanh chứa rất nhiều điểm tối. Nguồn: internet
Ngày 21/1, ông Lê Đức Thọ - Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước - cho biết tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là 3,79%, giảm gần 1% so với đầu năm 2013. Thực tế, tỷ lệ nợ xấu có thể giảm, nhưng số tuyệt đối có thể không giảm, bởi tổng dư nợ mỗi thời kỳ lại thay đổi. Nhìn chung, tổng dư nợ có xu hướng tăng, nên chỉ cần nợ xấu tuyệt đối không đổi là tỷ lệ nợ cũng đã giảm thành công.

Theo VnEconomy, đến 31/12/2012, tỷ lệ nợ xấu 4,08% tương ứng với 126.108 tỷ đồng nợ xấu. Đến 31/12/2013, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 3,79%, nhưng con số tuyệt đối tương ứng là 131.788 tỷ đồng, tức là tăng 4,5% so với đầu năm. Trái ngược với sự lạc quan tương đối từ con số 3,79%, trong tuần vừa qua, giới đầu tư đã phải dồn dập đón nhận các thông tin ngân hàng báo lỗ, giảm lãi trong quý IV/2013, trong đó có cả các đại gia tài chính.
 
Nếu Navibank từng khiến các nhà đầu tư giật mình vì là ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý II/2013 thì sang quý IV/2013, cái giật nảy đó đã không còn khi ngân hàng này tiếp tục báo lỗ thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1,9 tỷ đồng so với mức lỗ 121 triệu đồng quý IV/2012. Ngoài ra, tổng nợ xấu tăng 12,5% lên 817,6 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 4,6% với tổng dư nợ cho vay đạt 13.475,4 tỷ đồng đã không thể cải thiện được tỷ lệ nợ xấu của Navibank, khi nhảy từ 5,64% đầu năm lên 6,07% vào cuối năm 2013.
 
Tuy nhiên, khoản lỗ của Navibank vẫn chưa thấm vào đâu khi so sánh với ACB. Điều đáng chú ý là nếu trong quý III trước đó, ACB đã báo lãi tới hơn 400 tỷ đồng thì trong quý IV/2013, ngân hàng này lại đảo chiều báo lỗ gần 293 tỷ đồng do thu nhập từ lãi vay giảm 45%, kinh doanh ngoại hối và vàng lỗ 34 tỷ đồng. Trong khi đó, những khoản nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này vẫn đang tăng mạnh. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của ACB trong quý IV đã lên trên mốc 3%, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã cán mốc hơn 2.100 tỷ đồng.
 
Xếp hàng báo lỗ tiếp theo là ngân hàng Eximbank. Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên sàn năm 2009, Eximbank báo lỗ 222 tỷ đồng trong quý IV/2013, cũng do kinh doanh ngoại hối và một phần do thu nhập lãi suất sụt giảm. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng của ngân hàng này lại tăng gấp ba cùng kỳ năm trước, ở mức 120 tỷ đồng. Điều đó cho thấy tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đang tăng ngược chiều với đà giảm của lợi nhuận. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank tại thời điểm 31/12/2013 tăng lên 2% từ mức 1,3% đầu năm. Đặc biệt các khoản nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến 35% so với đầu năm. Một ông lớn khác là Agribank cũng dính đến thua lỗ sau khi thực hiện nhiều hoạt động đầu tư trái quy định, trong đó có cả kinh doanh vàng. Theo kết quả thanh tra, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này lên tới 12,71%, và có thể còn cao hơn.
 
Bên cạnh những bản báo cáo lỗ, giới tài chính ngân hàng đầu năm nay cũng nhận được hàng loạt bản báo lãi sụt giảm. Trong đó, VietinBank báo giảm lãi quý IV/2013 hơn 60%; Techcombank giảm 13,7% lợi nhuận hợp nhất trước thuế so với 2012; Ngân hàng Quân đội (MB) báo nợ xấu tăng gấp rưỡi và lợi nhuận của hầu hết các hoạt động kinh doanh đều giảm; Lợi nhuận trước thuế quý IV của BIDV giảm 2,7% và sau thuế giảm gần 1%; SHB công bố lợi nhuận quý IV giảm hơn 70% còn Sacombank báo lãi thuần trong quý IV giảm 212,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước...
 
Điều đáng nói là tình trạng teo tóp lợi nhuận của ngành ngân hàng diễn ra ngay trong bối cảnh hàng loạt các chi phí đã được cắt giảm, trong đó bao gồm cả việc mạnh tay cắt giảm lượng lớn nhân sự. Báo cáo cho thấy, trong năm 2013, ACB đã cho sa thải hơn 1.000 nhân viên, trong khi Eximbank cũng cắt giảm hơn 400 người.
 
Đánh giá về bức tranh ảm đạm của ngành ngân hàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng đang phải gánh hậu quả sau đợt phát triển “quá nóng” những năm trước đây. Vào thời kỳ “hoàng kim”, tăng trưởng tài sản của ngành ngân hàng có khi cao hơn gấp 3-4 lần so với mức tăng trưởng GDP, trong khi mức hợp lý chỉ khoảng hai lần.
 
Còn theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán SJC, bức tranh ngành ngân hàng chỉ thực sự lộ rõ sau khi Thông tư 02 về việc phân loại nợ xấu được áp dụng từ ngày  1/6 tới. Khi đó, giới đầu tư có thể sẽ còn tiếp tục phải đón nhận thêm nhiều báo cáo kết quả kinh doanh kém tươi sáng hơn của ngành ngân hàng.

Theo Moody’s, nợ xấu thực tế của Việt Nam cao hơn nhiều con số Ngân hàng Nhà nước công bố, ít nhất phải chiếm 15% tổng dư nợ tín dụng. Dù nhận được nhiều lời hoan nghênh, song Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) vẫn là một mối hoài nghi lớn khi số vốn của nó không đủ đảm bảo để lọc khối nợ khổng lồ trong hệ thống ngân hàng, và đến nay, người ta vẫn chưa biết các khoản nợ công ty này đã mua có được xử trí thành công hay không.
 
VAMC dù có hoạt động tốt đến thế nào, thì cũng chỉ là công cụ để giải quyết khi nợ xấu đã phát sinh. Moody’s cho rằng VAMC không thể giải quyết được tận gốc những vấn đề của các ngân hàng hiện nay. Trong khi đó, câu chuyện phòng ngừa nợ xấu lại ít được nhắc đến. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng của bất động sản năm 2013 tăng vọt 36,8% trong khi có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Còn báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thừa nhận 11 tháng năm 2013, tốc độ tăng trưởng của tín dụng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ rất thấp, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ còn bị âm. Điều đó cho thấy: tiền vẫn chưa chảy vào đúng nơi cần nhất, khi khối doanh nghiệp tư nhân áp đảo doanh nghiệp nhà nước về tốc tăng trưởng song lại chỉ chiếm phần không lớn trong miếng bánh tín dụng.