Bức tranh doanh nghiệp ngày càng sáng hơn

Theo tapchithue.com.vn

(Taichinh) - Đúng như dự báo của các cơ quan chức năng và các chuyên gia, sự hồi phục của nền kinh tế đang ngày càng rõ nét khi trên thực tế, tốc độ tăng trưởng đã cao hơn hẳn cùng kỳ năm trước. Theo đó, một trong những nguyên nhân quan trọng, có tính chất quyết định làm nên kết quả này là sự nỗ lực, vươn lên khá mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Nhiều DN đang thể hiện rõ sự lớn mạnh về nhiều mặt. Nguồn: internet
Nhiều DN đang thể hiện rõ sự lớn mạnh về nhiều mặt. Nguồn: internet

DN chuyển biến tích cực

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong tháng 4/2015, số DN thành lập mới của cả nước là 9.186 đơn vị, với số vốn đăng ký 51.282 tỷ đồng. Kết quả này tăng 73,9% về số DN và tăng 52,2% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Riêng số DN trước đây ngừng hoạt động nay quay trở lại trong tháng 4 là 1.222 đơn vị, tăng 70,2% so với tháng 3. thể hiện sự hồi sinh rõ rệt của cộng đồng DN.

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 28.235 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 162.500 tỷ đồng, tăng 9,7% về số DN và tăng 13,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; cùng lúc, có 6.834 lượt đơn vị tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 222.963 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng qua là 385.463 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân đạt 5,7 tỷ đồng/DN, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2014. Điều đó cho thấy một nguồn lực lớn đã được bổ sung cho mục tiêu đầu tư, phát triển SXKD. Số lao động được tạo việc làm được tạo ra từ các DN thành lập mới trong 4 tháng năm 2015 là 427.889, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động trong 4 tháng qua là 3.249 đơn vị, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm các DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc chờ đóng mã số DN. Điều này cho thấy, cộng đồng DN vẫn còn trong giai đoạn khó khăn, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa từ những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành. Mặc dù vậy các chuyên gia nhận định, nhìn chung, bức tranh về DN ngày càng cải thiện với gam màu sáng là chủ đạo và rất đáng ghi nhận.

Đề cao vai trò chủ độngcủa DN

Để động viên, khích lệ tinh thần phấn đấu của cộng đồng DN, Chính phủ đang theo sát tình hình, quyết tâm đẩy nhanh tốc độ cải cách gắn liền với mục tiêu hỗ trợ DN và chỉ đạo các cơ quan, địa phương quán triệt tinh thần vì DN. Theo đó, Bộ Tài chính vừa yêu cầu các địa phương, tăng cường hoạt động quản lý kịp thời phát hiện các biểu hiện “té nước theo mưa” để tăng giá hàng hóa hoặc dịch vụ một cách bất hợp lý sau đợt điều chỉnh giá xăng vừa qua. Đồng thời, ngành thuế và hải quan cũng vào cuộc, hiện đại hóa quy trình triển khai nghiệp vụ để giảm thời gian và thủ tục thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tăng cường chỉ đạo các nhà máy điện, nhất là thủy điện có phương án chủ động dự trữ kết hợp điều tiết mực nước hợp lý để có thể vận hành liên tục, bảo đảm cung ứng điện đầy đủ và liên tục nhằm đáp ứng như cầu điện năng của sản xuất. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng tăng cường hỗ trợ DN trong xúc tiến thương mại, tập trung tìm kiếm thị trường mới cũng như kết nối với đối tác trong và ngoài nước để tăng tốc độ tiêu thụ sản phẩm.

Về phía DN, nhiều đơn vị đang thể hiện rõ sự lớn mạnh về nhiều mặt, đặc biệt là chú trọng nâng cao sức “đề kháng” cũng như tỏ ra có bản lĩnh hơn thông qua việc chủ động tiếp xúc, đưa ra ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường hợp tác và bảo đảm quyền lợi cho mình. Đây là một diễn biến mới cho thấy sự tiến bộ và trưởng thành của một bộ phận DN trong thời hội nhập. Đơn cử, tại hội thảo lấy ý kiến DN cho dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật DN (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây), đại diện một số DN đã thẳng thắn đề nghị thành lập “đội đặc nhiệm” chuyên trách rà soát điều kiện kinh doanh, với sự tham gia của đại diện phía DN (bên cạnh cơ quan chức năng) để vừa phản ánh sát đúng tình hình thực tế vừa kịp thời bàn bạc và đưa ra tiếng nói phản biện, góp ý kiến đối với cơ quan quản lý.

Cộng đồng DN cũng mong muốn các bộ, cơ quan quản lý nâng cao hiệu quả công tác điều hành, phòng tránh tối đa những biểu hiện tiêu cực của một bộ phận công chức; đặc biệt là biểu hiện “cài cắm” lợi ích nhóm vào quá trình soạn thảo, ban hành những văn bản hướng dẫn thi hành các luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động của DN. Tất cả nhằm tạo ra điều kiện thuận lợi, thông thoáng, dễ hiểu và dễ thực hiện đối với DN; từ đó giúp DN tiết giảm chi phí và thời gian, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để DN tăng tốc phát triển.