Bức tranh nợ xấu vẫn chưa rõ

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát đi thông điệp cơ quan này sắp ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 02 (Thông tư 02/2013/TT-NHNN) về phân loại nợ và tiêu chuẩn trích lập dự phòng. Theo đó, để không gây sốc cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản vay tốt.

Bức tranh nợ xấu vẫn chưa rõ
Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản vay tốt. Nguồn: internet
Ngân hàng mừng

Nếu như theo Thông tư 02 chưa sửa đổi, nếu khách hàng thuộc nhóm 5 của một ngân hàng thì tất cả các khoản vay tại các ngân hàng khác cũng bị chuyển lên nhóm 5. Còn  theo Thông tư sửa đổi, quy định này sẽ được hoãn lại, các khoản nợ dù vi phạm nhưng bản chất đang tốt thì các tổ chức tín dụng phải khắc phục, không chuyển lên nhóm có rủi ro cao.

Thông tư 02 có điểm quan trọng đáng chú ý là khoanh vùng và chuyển nhóm nợ xấu. Bởi nếu tuân thủ đúng nguyên tắc này thì nợ xấu tại nhiều ngân hàng sẽ tăng vọt. Phần lớn các ngân hàng đang rất lo lắng về quy định này.

Vì vậy khi Thông tư 02 được sửa đổi giới ngân hàng "trút được nỗi lo”, có nghĩa là nợ xấu sẽ không thể tăng vọt. Bức tranh nợ xấu vẫn không rõ. Các ngân hàng có thêm cơ hội để tăng trưởng tín dụng. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn cơ hội để vay vốn ngân hàng. 

Hiện nay, theo báo cáo mới nhất từ các ngân hàng, dù nợ xấu đã giảm được nhưng vẫn ở mức cao. Chẳng hạn Techcombank vẫn có tỷ lệ khá cao với 3,65%; ACB cũng có mốc nợ xấu trên 3%; Eximbank nợ xấu 1,98%; Sacombank giảm 1,45%; ngân hàng BIDV tỷ lệ nợ xấu là 1,86%.

Mới đây theo báo cáo triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2014 mà tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố, tổ chức này vẫn giữ triển vọng "tiêu cực” đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tổ chức này cho biết, tỷ lệ tài sản có vấn đề của Việt Nam ít nhất phải chiếm 15% tổng tài sản, thay vì chỉ 4,7% nợ xấu  như Ngân hàng Nhà nước công bố tháng 10/2013.

Còn con số nợ xấu mới nhất từ phía Thanh tra Ngân hàng nhà nước cho biết vào thời điểm 31/12/2013 là 5,66%.

Nhiều băn khoăn

Nhưng việc điều chỉnh một số điều trong Thông tư 02  cũng đặt ra nhiều băn khoăn. Việc chuẩn hóa nợ xấu theo chuẩn quốc tế đồng nghĩa tiếp tục bị trì hoãn. Việc quản lý nợ xấu  vẫn sẽ khó khăn. 

Các chuyên gia so sánh việc giấu nợ không khác gì hình ảnh con lạc đà chui đầu vào cát, cứ tưởng mình được giấu kín, nhưng thực ra thân hình vẫn lộ ra ngoài. Tất nhiên, khi thực hiện Thông tư 02, nợ xấu sẽ bộc lộ, có thể gây khó khăn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Song chỉ khi nhìn rõ bức tranh nợ xấu, mới có thể có phương án xử lý dứt điểm.

 Cho nên, cùng với áp dụng Thông tư 02, Ngân hàng Nhà nước cần chuẩn bị các phương án để đối phó với từng kịch bản một. Ví dụ, nợ xấu lên đến 20% (có thể đây là con số thực), thì sẽ giãn đến đâu, siết nợ đến đâu. Rồi nếu nợ xấu lên tới 40%, thì phải xử lý như thế nào. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói, Thông tư 02 đáng lẽ đã được áp dụng vào năm 2013, sau đó lại bị lùi 1 năm. Việc chỉnh sửa một số điều khoản trong Thông tư 02 có thể giúp ngân hàng, doanh nghiệp tránh được cú sốc nợ xấu, nhưng điều đi kèm là chúng ta chưa thể nắm được chính xác tình hình sức khỏe của các ngân hàng. 

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho biết, số liệu nợ xấu của các ngân hàng chưa được phản ánh chính xác. Sửa đổi và điều chỉnh liều thuốc để phù hợp với thể trạng sức khỏe con bệnh là cái lý của cơ quan quản lý, điều đáng bàn luận là "chính cơ quan quản lý cũng dường như chưa muốn nói thật, nhìn thẳng vào "con bệnh”.

Còn theo ông Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội chỉ còn mấy tháng nữa là Thông tư 02 có hiệu lực. Vì vậy, nếu quyết tâm triển khai, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn về lộ trình, bước đi để các ngân hàng thực hiện.