Buộc những “quả đấm thép” phải tiên phong

Theo Đầu tư Chứng khoán

Với một loạt cơ chế sắp được triển khai, những “quả đấm thép” được kỳ vọng sẽ vào khuôn phép và hoạt động hiệu quả hơn.

Buộc những “quả đấm thép” phải tiên phong
Tập đoàn Dầu khí đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2013 bằng 61% thực hiện năm 2012
Kết quả không mấy tích cực của năm 2012 đã khiến các tập đoàn, tổng công ty đặt kế hoạch đi lùi trong năm 2013. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có đặc lợi rất lớn vẫn đề nghị Nhà nước hỗ trợ.

Đóng góp gần 40% GDP cả nước và nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, song gần đây hoạt động của nhiều đơn vị kém hiệu quả, phát sinh tiêu cực… đã khiến cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sáng 16/1 được quan tâm đặc biệt. Tại đây, hoạt động của khối doanh nghiệp quan trọng nhất của nền kinh tế được công bố rộng rãi và “mổ xẻ” để có nhiều giải pháp chấn chỉnh. Với một loạt cơ chế sắp được triển khai, những “quả đấm thép” được kỳ vọng sẽ vào khuôn phép và hoạt động hiệu quả hơn.

Bức tranh về hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2012 không mấy ấn tượng. Tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty là 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2011. Tổng số tiền nộp vào ngân sách đạt 294.000 tỷ đồng, giảm 12% so với năm ngoái. Lỗ phát sinh trong năm 2012 của các doanh nghiệp là 2.253 tỷ đồng. 10 đơn vị có lỗ lũy kế đến cuối 2012 là 17.730 tỷ đồng.

Trong khi đó,tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là 1.334.903 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần). Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần. “Số liệu trên cho thấy, năm 2012, nhìn tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, xét riêng lẻ, tại một số tập đoàn, tổng công ty, tỉ lệ này vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao”, ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp Trung ương cho biết.

Với kết quả như vậy, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặt kế hoạch rất thận trọng trong năm 2013. Riêng khối 73 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước, năm 2013, các chỉ tiêu kế hoạch về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản đều dự kiến cao hơn số thực hiện năm 2012, tuy nhiên, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách đều giảm. Cụ thể, doanh thu đặt ra chỉ đạt 95,8% so với thực hiện năm 2012, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách chỉ đạt khoảng 79% so với thực hiện năm 2012.

8 tập đoàn kinh tế có sự giảm sút đáng kể về chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách. Đơn cử, Tập đoàn Dầu khí dự báo giảm mạnh về doanh thu, đạt 85%, lợi nhuận đạt 61%, nộp ngân sách đạt 77% thực hiện năm 2012. Các tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Công nghiệp Cao su đều ước kế hoạch nộp ngân sách 2013 giảm, tương ứng đạt 97% và 90% so với thực hiện năm 2012.

Đáng chú ý, tại hội nghị, lãnh đạo của nhiều tập đoàn, tổng công ty liên tục kêu khó để đề xuất những cơ chế có lợi cho doanh nghiệp. Chủ tịch PetroVietnam Phùng Đình Thực kiến nghị áp thuế 0% đối với xăng dầu xuất khẩu, có cơ chế về phần lợi nhuận được để lại. Tập đoàn Than Khoáng sản kêu thuế cao, 1 tấn than xuất khẩu thu được 10 đồng phải đóng thuế 3 đồng, nên không đủ sức cạnh tranh với thị trường…

Về kết quả hoạt động kém khả quan của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp cần nghiêm túc kiểm điểm những nhân tố chủ quan, dẫn đến kết quả trên. “Doanh nghiệp thiếu hiệu quả, vốn chủ sở hữu tăng thấp, một số nơi tài chính thiếu lành mạnh… có phải là do nguyên nhân vĩ mô, hay do điều hành, do lãnh đạo làm trái?”, Thủ tướng đặt câu hỏi. Với kế hoạch năm 2013, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương rà soát hoạt động, phấn đấu thực hiện cao nhất những nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh được giao, không chấp nhận việc các tập đoàn, tổng công ty đặt kế hoạch thấp hơn năm 2012.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề cập rất cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin để minh bạch hoạt động của các “quả đấm thép”. Cụ thể, hàng năm, các doanh nghiệp lớn đều phải kiểm toán và công bố thông tin rộng rãi về kết quả kinh doanh. Chủ tịch, tổng giám đốc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm công bố, cung cấp thông tin cho báo chí. Ngoài ra, các bộ chủ quản cũng có trách nhiệm công bố công khai hoạt động của khối doanh nghiệp mình quản lý. Thủ tướng kết luận: “Cung cấp thông tin trung thực, minh bạch, kịp thời cho công luận để hiểu đúng về DNNN và vai trò của DNNN”.