Các Bộ sẽ chia tay các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về “Siêu ủy ban“

Thanh Sơn

Theo dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan này sẽ đại diện chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty.

Các bộ sẽ chia tay 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về “siêu ủy ban". Ảnh internet
Các bộ sẽ chia tay 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về “siêu ủy ban". Ảnh internet

Theo dự thảo Tờ trình, Ủy ban này sẽ là cơ quan đại diện chủ sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và 20 công ty mẹ, các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài.

Ước tính, giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại 21 tập đoàn, tổng công ty này tương đương 50% tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Dự kiến lượng vốn nhà nước mà Uỷ ban sẽ "quản" khoảng 5,4 triệu tỷ đồng.

Theo đó, Bộ Tài chính có SCIC và dù chuyển cơ quan quản lý nhưng SCIC vẫn là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (trừ một số doanh nghiệp đặc thù).

Bộ Công Thương bao gồm những doanh nghiệp sau: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm: Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải sẽ không còn nắm quyền quản lý tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty đướng sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không và Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.

Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông VTC và Tổng công ty viễn thông MobiFone.

Theo dự thảo Nghị định này, Bộ Tài chính vẫn còn quản lý vốn nhà nước tại Tập đoàn Bảo Việt, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và Công ty cổ phần định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam.