Cải cách doanh nghiệp nhà nước và những “lỗ thủng”

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nếu gọi đó là bài toán, thì tính chất nan giải phức tạp của nó đã thể hiện rõ ở chỗ suốt gần 30 năm qua, loay hoay đi tìm lời giải và đến nay vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước và những “lỗ thủng”
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Vấn đề rất rõ, triển khai lại khó, vì sao?

Nhiều vấn đề tưởng chừng như đã rõ, đã thông nhưng khi đi vào triển khai vẫn bộc lộ không ít bất cập làm cản trở tiến trình thực hiện mục tiêu. Lộ trình cải cách DNNN vẫn tiếp tục chậm. Những đề án đã được duyệt, nhưng xem ra từ nay đến 2015, mọi sự “khởi”… mới có thể bắt đầu “động”. Nguyên nhân có lẽ cũng đã khá tốn nhiều giấy bút của giới nghiên cứu, cũng như công luận.

Một trong những nguyên nhân đầu tiên có thể đề cập đến đó là vấn đề minh bạch lợi ích. Vụ việc mấy vị giám đốc các doanh nghiệp (DN) công ích ở TP. Hồ Chí Minh bị lột tẩy nhận “lương khủng” mới chỉ đề cập đến phần thu nhập có chữ ký nhận từ lương, có hay không khoản thu nhập khác được hưởng mà không cần ký – chưa cơ quan nào khẳng định với câu hỏi dư luận xã hội này. Hay chuyện nhiều ông giám đốc chơi sang, đi nước ngoài tốn kém, trong lúc DN thì liên tục thua lỗ, người lao động thiếu việc làm, thu nhập thấp, vốn nhà nước không được bảo toàn…

Rồi chuyện cũng đã trên dưới 20 năm nay, đó là chủ trương xoá bỏ cơ chế bộ chủ quản, ngành chủ quản đối với DNNN, để tách bạch giữa quản lý nhà nước với quản trị sản xuất, kinh doanh. Và nhiều, nhiều những ý tưởng đúng và tốt đẹp, nhưng rút cuộc… đến nay, trên nhiều diễn đàn, lực cản cải cách DNNN vẫn được xác định là khâu đổi mới chưa đồng bộ, chậm tiến độ, nếu không muốn nói là bị trì hoãn.

Về cơ chế lợi ích, có các mô hình vận hành động cơ mà một nhà kinh tế đã từng khái quát: Thứ nhất, “làm cho người khác và tiêu tiền của người khác”; Thứ hai, “làm cho mình và tiêu tiền của mình”; Thứ ba, “làm cho người khác và tiêu tiền mình”; Thứ tư, “làm cho mình và tiêu tiền người khác”.

Trong bốn mô hình tượng trưng đó, mô hình thứ hai là hiệu quả nhất. Nói cách khác, lợi ích thiết thân cá nhân là động lực của sáng tạo, tiết kiệm và hiệu quả. Chừng nào chưa làm được điều đó thì khi đó, quyền và nghĩa vụ của người đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước đầu tư vào DN, xem ra vẫn còn là... nút thắt chưa giải quyết được.

Nguyên nhân thứ hai, đó là chống độc quyền. Nước ta đã có luật cạnh tranh, chống hành vi độc quyền, nhưng trong cuộc sống độc quyền đang diễn ra khá ngang nhiên, vẫn chưa có cách nào chống được. Ví như, đối với những ngành, những DN có được vị thế, vị trí độc quyền thì Nhà nước phải làm gì? Quản lý như thế nào? Đây cũng đang là một “trận đồ bát quái”.

Những DN có được một hoặc những vị trí đất vàng nơi các thành phố lớn, được giao những nguồn lực “béo bở”... nhưng dần dần tình trạng lãng phí, sử dụng kém hiệu quả, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn… cũng “bục ra” và làm nhức nhối dư luận. Tình trạng thao túng giá, cả đầu vào lẫn đầu ra, đang làm méo mó thị trường và mất cân đối kinh tế vĩ mô vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Lợi ích cục bộ cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cản trở hiệu quả cải cách DNNN. Lúc nào, xã hội nào cũng có nhóm lợi ích, nhưng điều đáng sợ và rất nguy hiểm chính là thứ lợi ích cục bộ “vây quanh” lợi ích quốc gia. Chủ trương phân bổ các nguồn lực sao cho sử dụng có hiệu quả, nhất là phân bổ theo quy luật của thị trường là hoàn toàn đúng.

Nhưng thực tế, các nguồn lực chính yếu của đất nước, từ tài chính, ngân sách, dự án đầu tư, đến tài nguyên thiên nhiên, đất đai… đang bị chi phối mạnh bởi nhóm lợi ích, cùng với hội chứng tư duy nhiệm kỳ, chủ nghĩa thành tích… Trong đó DNNN cũng là một tác nhân kết hợp với một số vị thế độc quyền làm méo mó thị trường, thao túng, lũng đoạn giá cả, làm mất cân đối nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô. Chưa nói, hiệu quả đầu tư thấp cũng là tác nhân quan trọng gây lạm phát và mất cân đối vĩ mô.

Giải pháp, giải pháp và…giải pháp

Như vậy, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng những sức ì của DNNN còn nặng hơn những lực đẩy vừa qua. Chỉ đơn cử vấn đề, Nhà nước yêu cầu thoái vốn để khắc phục đầu tư ngoài ngành và sở hữu chéo. Nhưng Nhà nước lại cũng giao không được làm thất thoát vốn trong lúc thị trường chứng khoán, bất động sản đóng băng và xì hơi. Trong khi đó xử lý trách nhiệm cá nhân lại cũng mắc bởi rất nhiều các ràng buộc về tổ chức, cán bộ... Bởi vậy, bài toán tìm mô hình quản lý DNNN chỉ có thể giải được, khi xử lý tốt các vấn đề của lỗi hệ thống.

Để giải quyết những bất cập đó, đã có khá nhiều giải pháp được đưa ra. Mới đây, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư ban hành Quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào DN. Dự thảo Quy chế cũng nêu rõ 13 tiêu chuẩn cho người đại diện. Chẳng hạn, người đại diện phải không tham gia góp vốn thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành DN hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh với DN mà người đó được ủy quyền làm người đại diện, trừ trường hợp các DN đó có vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp của chủ sở hữu phần vốn nhà nước...

Nhưng cũng rất đáng lưu ý kinh nghiệm quản lý các công ty con, chi nhánh của các tập đoàn xuyên quốc gia trên khắp thế giới. Họ thuê giám đốc điều hành là phổ biến, nhưng cơ chế, quy chế nội bộ rất minh bạch, nhất là quản lý thu nhập cá nhân, chống đưa và nhận hối lộ. Vì thế lợi ích cá nhân luôn gắn kết với lợi ích tập đoàn, ít xảy ra tiêu cực.

Bởi vậy, nếu nói chọn mô hình quản trị hiện đại để đưa vào áp dụng cho DNNN cũng rất cần, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ, nếu chưa có cách nào quản lý được thu nhập cá nhân. Trong những giải pháp được nêu ra gần đây, việc thành lập một ban quản lý DNNN trực thuộc Chính phủ được nhiều ý kiến ủng hộ. Họ - tức những người ủng hộ không tán đồng với ý kiến lo ngại về tính chất phức tạp của đa ngành, đa lĩnh vực và khó quản lý. DN thuộc thành phần kinh tế nào cũng phải quản lý, cái chính là phải phân định rõ quản lý nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh.