Cải thiện khả năng tiếp cận thị trường

PV.

(Tài chính) Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) khởi động dự án “FAO/AFD về tăng cường xây dựng nông thôn thông qua phát triển chỉ dẫn địa lý cấp khu vực ở châu Á”.

Chè San Tuyết Mộc Châu - một trong 83 sản phẩm của Việt Nam đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Chè San Tuyết Mộc Châu - một trong 83 sản phẩm của Việt Nam đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Với thời gian 3 năm và ngân sách trên 2 triệu USD, Ban Quản lý dự án sẽ phối hợp với các chủ thể liên quan ở bốn quốc gia hưởng lợi (Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam) phát triển hơn nữa sự bảo hộ và quảng bá chỉ dẫn địa lý, sự năng động và nhận thức của khu vực về chỉ dẫn địa lý nhằm đạt được các mục tiêu tổng thể của Dự án là “nâng cao thu nhập của các hộ nông dân thông qua phát triển chuỗi giá trị chỉ dẫn địa lý, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và nâng cao sự công nhận chỉ dẫn địa lý của người tiêu dùng”.
 Đặc biệt, là thể hiện sự quan tâm của Việt Nam trong việc tham gia vào một xu hướng ở các nước ASEAN nhằm đạt được sự thừa nhận rộng rãi hơn các đặc tính của các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm và thủ công mỹ nghệ của mình. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn thông qua phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam cũng như tiếp cận với một thị trường rộng hơn ở khu vực châu Á để quảng bá các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Được biết, khi triển khai dự án sẽ tận dụng những kinh nghiệm về chỉ dẫn địa lý của khu vực bằng việc tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin, xây dựng mạng lưới liên kết ở cả khu vực nhà nước và tư nhân nhằm cho phép bảo hộ và quảng bá tốt hơn các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại thị trường khu vực quốc tế.

“Chỉ dẫn địa lý rất quan trọng, nhất là khi Việt Nam đang đàm phán một số hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn, trong đó có Liên minh châu Âu”, nhấn mạnh điều này ông Jong – Hà BAE, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam thông tin thêm: Chỉ dẫn địa lý còn là một công cụ quan trọng giúp các nhà sản xuất địa phương chuyển từ lượng sang chất, cũng như giúp gia tăng cơ hội tồn tại trên các thị trường hiện tại và tiếp cận các thị trường mới.

Hiện khu vực ASEAN đã có hơn 120 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ. Trong đó có 83 sản phẩm là của Việt Nam, gồm chè Shan Tuyết Mộc Châu, gạo Tám Xoan Hải Hậu và quế Văn Yên, đứng thứ hai trong ASEAN, sau Thái Lan với 59 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.