Cận cảnh các doanh nghiệp bị kiểm toán “nghi ngờ”

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Sau khi soát xét báo cáo tài chính bán niên 2013, nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết đã bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

 Cận cảnh các doanh nghiệp bị kiểm toán “nghi ngờ”
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục khi DN có nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn. Nguồn: internet
VOS - 1.161 tỷ đồng vay và phải trả ngắn hạn

Trong báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2013, Công ty cổ phần (CTCP) Vận tải biển Việt Nam (VOSCO, mã VOS) bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn. Tại thời điểm 30/6/2013, VOSCO có tổng tài sản 5.484 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định chiếm 4.620 tỷ đồng. Công ty chỉ có gần 616 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó một số khoản lớn là: số dư tiền 22,87 tỷ đồng, phải thu khách hàng gần 119 tỷ đồng, trả trước người bán 286,48 tỷ đồng, hàng tồn kho 176 tỷ đồng.

Trong khi đó, VOSCO có 198,4 tỷ đồng vay ngắn hạn, 461 tỷ đồng phải trả người bán, 440 tỷ đồng phải trả, phải nộp khác và nhiều khoản phải trả ngắn hạn. Tổng giá trị các khoản vay và phải trả ngắn hạn là 1.161.4 tỷ đồng, trên tổng số 4.264,48 tỷ đồng nợ phải trả.

Tin từ VOSCO, Công ty đang đàm phán với các đối tác để đảm bảo hoạt động được liên tục.

“Hiện nay, chúng tôi đang đàm phán với các ngân hàng để xin giãn thời gian trả nợ gốc, giảm lãi vay. Giai đoạn này khó khăn chung, trong khi tình hình vốn các ngân hàng cũng bớt căng thẳng, nên khả năng Công ty đạt được thỏa thuận với ngân hàng là lớn. Thêm vào đó, thời hạn thanh toán chi phí xăng dầu là T+30 hoặc 60 ngày, trong khi thu phí cước vận tải thường diễn ra ngay sau đó, cũng là điều kiện thuận lợi để chúng tôi giảm áp lực dòng tiền”, nguồn tin cho biết.

Thuyết minh BCTC của VOSCO cho thấy, Công ty đã thỏa thuận được với Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Hàng hải và Ngân hàng TMCP Đại Dương về việc tiếp tục bổ sung hạn mức tín dụng để Công ty duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nhiều DN vận tải biển khác thua lỗ

Trong bối cảnh suy thoái ngành, nhiều DN ngành vận tải biển rơi vào tình trạng: áp lực trả nợ ngày một lớn (nếu không đàm phán thành công với chủ nợ), khiến nợ dài hạn trở thành nợ ngắn hạn, trong khi nguồn thu sụt giảm mạnh. Đây là lý do khiến 2 DN niêm yết trong ngành vận tải biển rơi vào tình trạng tương tự như VOSCO nêu trên, đó là: CTCP Vận tải biển Hải Âu (SSG) và CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vinaship, mã VNA). Trước đó, một số DN trong ngành này đã bị hủy niêm yết như: CTCP Hàng hải Đông Đô (DDM), CTCP Hàng hải Sài Gòn (SHC), CTCP Container phía Nam (Viconship Sài Gòn, mã VSG)… vì âm vốn chủ sở hữu.

Tình trạng chung của các DN nói trên là thua lỗ, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn và bản thân tài sản, chủ yếu là các con tàu, bị mất giá nghiêm trọng so với thời điểm đầu tư.

Tuy nhiên, trao đổi với lãnh đạo một số DN nói trên, câu trả lời về nguy cơ ngừng hoạt động là… không bao giờ xảy ra. Kế toán trưởng của một DN xin giấu tên cho biết, có nhiều lý do để DN ngành vận tải biển tiếp tục được hoạt động, với sự nhân nhượng của các ngân hàng.

Trước hết, đây là khó khăn chung của toàn ngành vận tải biển trên thế giới, không riêng gì một vài DN hay tại Việt Nam, nên có sự “thông cảm” của các ngân hàng.

Thứ hai, trong tình huống ngân hàng không muốn thông cảm, DN cũng không dám mạnh dạn ghi nhận lỗ. Bởi lẽ, gần như 100% các khoản vay được đảm bảo bằng chính các tàu biển mà DN sở hữu. Giai đoạn cao điểm đầu tư tàu là 2006 - 2007, khi giá tàu đóng mới đắt khoảng gấp đôi so với tàu đóng mới ở thời điểm hiện nay. Nhận tàu về để thanh lý, ngân hàng có thể sẽ hạch toán khoản lỗ bằng 70% giá trị khoản vay. Nếu nhận về để cho thuê lại thì với tình hình khó khăn hiện nay, càng làm càng lỗ và ngân hàng cũng không đủ chuyên môn để vận hành hiệu quả bằng DN vận tải đã có nhiều năm kinh nghiệm.

Chính vì vậy, bài toán chung mà các ngân hàng thương mại đưa ra là: giãn thời gian trả nợ gốc, giảm lãi vay, vừa đảm bảo tăng thu, chờ đợi tình hình DN tốt lên để thu hồi, vừa tránh áp lực ghi nhận nợ xấu.

PVR - 6 tháng không có doanh thu từ bất động sản

Tại thời điểm 30/6/2013, CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) có 514,24 tỷ đồng nợ phải trả ngắn hạn, trong khi tài sản ngắn hạn 775 tỷ đồng chủ yếu nằm ở dạng hàng tồn kho. Với việc kinh doanh bất động sản - lĩnh vực cốt yếu của PVR đang gặp khó khăn, nửa đầu năm 2013 không có doanh thu, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm, nên Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam đã “nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục” của PVR.

Theo giải trình của PVR, Dự án CT10-11 Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội (Dự án hiện ghi nhận 585 tỷ đồng trong tổng số 646 tỷ đồng hàng tồn kho) đang được Công ty đẩy nhanh tiến độ thu tiền nộp theo tiến độ của khách hàng. Công ty cũng đồng thời thực hiện thu hồi công nợ (tổng khoản phải thu theo BCTC bán niên 2013 là 67 tỷ đồng) và thanh lý một số dự án không hiệu quả để tăng dòng tiền.

Thu hồi công nợ, thanh lý dự án là điều PVR có thể sẽ làm được, nhưng đẩy mạnh thu hồi tiền của khách hàng từ Dự án CT10-11 Văn Phú được nhận định là không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh PVR từng bị khách hàng phản ứng vì chậm tiến độ.

PSG, V15, VCR, VNI cũng gặp khó

CTCP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Sài Gòn (PSG), một DN ngành bất động sản thuộc “họ” dầu khí cũng bị kiểm toán nghi ngờ khả năng mất khả năng hoạt động liên tục do công nợ ngắn hạn vượt quá tài sản lưu động 328,5 tỷ đồng, đồng thời nợ gốc quá hạn tại các tổ chức tín dụng 247,95 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 43,88 tỷ đồng.

Trước cơ quan quản lý và cổ đông, Ban giám đốc PSG tin tưởng về khả năng hoạt động liên tục, với việc tăng vốn điều lệ, tái cấu trúc nguồn vốn. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu 700 đồng/CP và âm vốn chủ sở hữu được coi là rào cản lớn cho việc tăng vốn điều lệ của PSG.

Một DN bất động sản khác bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục trong BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2013 là CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (VCR) do nợ ngắn hạn vượt quá tài sản lưu động. Tuy nhiên, VCR đã có được khoản cam kết tín dụng 500 tỷ đồng từ Agribank và đang tìm hướng huy động tài chính cho một số khoản nợ bằng cách tìm đối tác đầu tư vào dự án hiện hữu và bán tài sản.

Trong khi đó, tại CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam (VNI), sức ép hàng tồn kho quá lớn đã khiến Công ty phải đối diện với nguy cơ mất thanh khoản. Hướng giải quyết tình trạng này của Công ty là trông chờ vào việc tiếp tục giải ngân vốn của chủ đầu tư.

Với CTCP Xây dựng số 15 (mã V15), tình trạng công nợ phải thu tăng cao, trong bối cảnh đã nợ ngắn hạn lớn, cũng đẩy Công ty rơi vào tình trạng khó khăn về dòng tiền. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Công ty đang kỳ vọng vào việc ký tiếp các hợp đồng xây lắp và thu hồi công nợ để đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, chứ không trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ tín dụng.

TNG - dòng tiền âm gần 147 tỷ đồng

Tại ngày 30/6/2013, nợ ngắn hạn của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền 135 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 146,875 tỷ đồng do TNG sử dụng vốn lưu động để đầu tư tài sản cố định, đồng thời dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 146,875 tỷ đồng. Với tình trạng này, đơn vị kiểm toán thực hiện soát xét BCTC bán niên 2013 của TNG đặt ra nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Theo giải trình của Ban lãnh đạo TNG, khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào việc tiếp tục nhận được các khoản vay của ngân hàng, kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp và lợi nhuận kinh doanh trong tương lai. Dù những yếu tố này khá bấp bênh, nhưng Ban giám đốc TNG vẫn đánh giá triển vọng khả quan trong việc đáp ứng khả năng thanh toán nợ ngắn hạn trong 12 tháng tới.