Cần chính sách khuyến khích doanh nghiệp xã hội

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Mục tiêu chính của doanh nghiệp xã hội (DNXH) là chung tay giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường… của cộng đồng. Hiện Việt Nam có gần 200 DNXH nhưng vẫn chưa có nhiều chính sách để khuyến khích loại hình doanh nghiệp này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Diễn đàn “Việt Nam, thị trường mới nổi cho đầu tư xã hội” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 22/8 đã thu hút sự tham dự của gần 100 đơn vị bao gồm các quỹ đầu tư, các tổ chức phát triển quốc tế, các DNXH, các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu…

Theo báo cáo thống kê tại Diễn đàn, hiện nay Việt Nam có khoảng 28% dân số thuộc diện đối tượng cần hỗ trợ, như: Hộ nghèo và cận nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người mãn hạn tù, người bị nhiễm HIV/AIDS, người già neo đơn. Bên cạnh đó, hàng loạt các vấn đề khác như bạo lực xã hội, giáo dục và y tế đều ở  tình trạng quá tải, bất hợp lý, thực phẩm an toàn, xử lý rác thải, ô nhiễm không khí, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn văn hóa…  DNXH là những đối tác hiệu quả của Nhà nước, giúp Nhà nước thực hiện được các mục tiêu xã hội.

Trao đổi tại Diễn đàn, bà Đinh Thị Song Nga, Giám đốc Công ty TNHH Nam Thăng Long, Hà Nam, chia sẻ: Công ty là DNXH chuyên kinh doanh đầu tư cho xã hội, làm dịch vụ, sản phẩm may công nghiệp liên quan đến cặp phao cứu sinh, áo phao chống rét cho học sinh nói riêng và cho các đơn vị, dự án hoạt động phi lợi nhuận… phục vụ cộng đồng. Công việc kinh doanh của Công ty bắt nguồn sau thông tin về một vụ đắm đò. Con trai bà đã có ý tưởng tích hợp tính năng của áo phao vào chiếc cặp thành cặp phao. Sau đó, bà Nga đã nhận được ủng hộ từ khách hàng đầu tiên là Viettel ký hợp đồng với Công ty trị giá 600 triệu đồng để đưa cặp phao tới đồng bào vùng lũ.

Trao đổi tại Diễn đàn, một số doanh nghiệp cũng e ngại xung quanh việc tìm kiếm khách hàng từ thực tiễn kinh tế khó khăn hiện nay.

Cũng về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ: “Việt Nam hiện chưa có khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh, cũng như chưa có hệ thống chính sách khyến khích thích hợp để mở rộng hoạt động đầu tư của loại hình DNXH. Tôi cho rằng cần phải có nguồn lực xã hội; hình thành quỹ xã hội dành cho loại hình doanh nghiệp này”.

Còn theo bà Kim Alter, Giám đốc điều hành tổ chức Virtue Ventures, đầu tư cho DNXH không phải là sự đóng góp của quỹ tình thương, mà là đầu tư về lâu về dài; tạo sự thay đổi trên toàn xã hội, lành mạnh hơn, hiệu quả hơn, và là mô hình cần được nhân rộng.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200 DNXH được nhận diện và còn khoảng 165.000 tổ chức có tiềm năng trở thành DNXH. Để đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, VCCI cũng như các doanh nghiệp xã hội đều mong muốn các nhà đầu tư khác, bên cạnh các mục tiêu lợi nhuận, nên dành một phần vốn đầu tư vào các doanh nghiệp xã hội bằng cách cho vay, hỗ trợ hoặc mua cổ phần, cổ phiếu...

Bên cạnh đó, “Có thể tuyên truyền kết nối để tạo kênh đầu tư của các DNXH. Đồng thời một phần Quỹ đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được chuyển sang dành cho các doanh nghiệp xã hội”, ông Vũ Tiến Lộc nói.