Cần tách hoạt động quản lý Nhà nước với hoạt động kinh doanh khi tái cơ cấu EVN

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Cơ cấu lại nền kinh tế với 3 trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng là giải pháp quan trọng được nêu trong Kết luận Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, với mục tiêu nâng cao nội lực, sức cạnh tranh, hướng tới sự phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Là một trong số các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tiến hành tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ.

EVN cần tính đến việc đồng bộ với tái cơ cấu ngành năng lượng nói chung và tổng thể nền kinh tế. Nguồn: internet
EVN cần tính đến việc đồng bộ với tái cơ cấu ngành năng lượng nói chung và tổng thể nền kinh tế. Nguồn: internet

Sau 9 tháng triển khai quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2012-2015, định hướng tới năm 2020 gắn liền với tái cơ cấu nhằm tập trung các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Trong việc xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên, EVN đã tổ chức lại khâu sản xuất điện với kết quả thành lập 3 Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3 (các GENCO 1-2-3). Tập đoàn đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 6 đơn vị gồm: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.

Trong năm 2013, EVN cũng tập trung chuyển đổi thống nhất về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, cơ chế quản lý đối với các công ty điện lực, điện lực cấp quận/huyện, tăng cường phân cấp trách nhiệm quyền hạn cho các đơn vị này để từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ khách hàng.

Đề án đã xác định EVN sẽ tập trung vào nhiệm vụ chính, không kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Và đương nhiên là phải thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành. Để hoàn thành mục tiêu này, EVN đã xác định, từ nay tới 2015, các tổng công ty phải sắp xếp, ổn định mô hình tổ chức của các đơn vị trực thuộc, thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính để tập trung nguồn lực vào lĩnh vực truyền tải và phân phối điện. EVN cũng đã xây dựng, đề ra lộ trình để tới năm 2015, hoàn thành thoái vốn đã đầu tư vào các doanh nghiệp, lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính.

Hiện nay, EVN đang tích cực thực hiện việc thoái vốn theo đúng các quy định của Nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn vốn. Trong năm 2013, mặc dù thị trường tài chính vẫn khá ảm đạm nhưng EVN đã tích cực tìm kiếm các đối tác để đàm phán thực hiện chuyển nhượng vốn góp tại các công ty cổ phần thuộc diện thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.

Một yêu cầu quan trọng trong đề án tái cơ cấu là EVN phải nâng cao sức cạnh tranh. Điều này cũng đồng nghĩa là sẽ có sự cạnh tranh trên thị trường điện. EVN sẽ giữ vai trò nòng cốt trong quá trình hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Việc thành lập 3 tổng công ty phát điện chính là cơ sở để giảm độc quyền, tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động điện lực.

Tuy nhiên, theo đại diện EVN, quá trình tái cơ cấu đang có trở ngại do giá điện hiện chưa thật sự chuyển theo cơ chế thị trường, còn bao cấp cho nhiều đối tượng, chưa tạo được động lực thu hút đầu tư, cũng như thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. Một trở ngại nữa là EVN cần nhu cầu vốn rất lớn để đáp ứng nhiệm vụ đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện được Chính phủ giao cho trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, bình quân mỗi năm khoảng 4 tỷ USD. Cùng với đó, việc thoái vốn ngoài ngành trong điều kiện thị trường bất động sản gần như đóng băng, thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn đã khiến EVN khó có thể bảo đảm cùng lúc hai yêu cầu bảo toàn vốn cùng với thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành đúng thời hạn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Trần Viết Ngãi, trong quá trình tái cơ cấu EVN có một tính toán được cho là khá bài bản, kỹ lưỡng nhưng lại đang lộ rõ nhiều bất cập cần phải xử lý ngay. Đó là việc thành lập và đi vào hoạt động chính thức của các GENCO từ tháng 1./với mục tiêu chính là dần tách chức năng mua điện ra khỏi EVN, góp phần vào thực hiện thị trường điện cạnh tranh. Nhưng các GENCO lại được sắp xếp, tổ chức để không có sự chênh lệch về quy mô công suất, cơ cấu nguồn điện, thành phần. Vì cách làm này, GENCO 3 có trụ sở đóng tại Phú Mỹ, TP. Hồ Chí Minh (ở miền Nam) nhưng lại quản lý thủy điện Bản Chát, Huội Quảng ở Lai Châu (miền núi phía Bắc). Điều này khiến không chỉ khó khăn trong công tác quản lý, điều hành còn gây lãng phí trong việc tổ chức đi lại họp hành. Do đó, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, nên tổ chức sắp xếp lại các GENCO theo khu vực/miền sẽ hợp lý hơn, cụ thể: miền Bắc (GENCO1), miền Trung (GENCO2), miền Nam (GENCO3).

Ở góc nhìn rộng hơn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, tái cơ cấu EVN cần tính đến việc đồng bộ với tái cơ cấu ngành năng lượng nói chung và tổng thể nền kinh tế. Trong đó, ngành điện, với tư cách là một ngành đặc biệt, là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội cần phải đi đầu trong quá trình tái cấu trúc và nên có những chính sách đặc thù.

Trước hết, Nhà nước nên có sự cân nhắc để có thể tạo ra được mặt bằng giá sao cho đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư ngoài nhà nước đầu tư cho phát triển lĩnh vực này, trên cơ sở bán với giá phù hợp với mức độ chi tiêu và lợi nhuận cần có của doanh nghiệp. Đồng thời, sớm bóc tách những hoạt động quản lý Nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm tránh những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh cho các nhà đầu tư ở bên ngoài khi tham gia vào quá trình tái cấu trúc EVN.

Bên cạnh một số giải pháp ban đầu trong việc hỗ trợ vốn, giãn nợ hoặc các hoạt động cung ứng cần thiết đầu vào, thì cũng có thể có những chính sách hỗ trợ ban đầu cho các quá trình tái cấu trúc. Khi mà các doanh nghiệp sau khi tiến hành tái cấu trúc có thể gặp khó khăn nào đó thì cũng nên có lộ trình và chính sách tương đối rõ ràng để khuyến khích các tập đoàn cũng như các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.

Và cuối cùng là công tác thông tin và giám sát, đặc biệt là xử lý nhanh, sớm, kịp thời, phù hợp với những yêu cầu đặt ra trong quá trình tái cấu trúc thời gian tới cũng nên được quan tâm để có sự đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc này.