Cần tăng cường kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải

Theo daibieunhandan.vn

Những thông tin về việc quản lý hoạt động vận tải lỏng lẻo mới đây, nhất là việc 96% hoạt động vận tải container tại TP. Hải Phòng không phép đã đặt ra yêu cầu bức thiết, cần chấn chỉnh lại công tác quản lý vận tải.

Cần tăng cường kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận tải hiện nay được các cơ quan chức năng cho là do sự buông lỏng quản lý của các doanh nghiệp, sự thiếu ý thức của lái xe; bên cạnh đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm người thực thi công vụ. Vì vậy, một trong những giải pháp được Vụ Vận tải, Bộ Giao thông – Vận tải đưa ra là cần có cơ chế để tạo điều kiện cho lực lượng chức năng tại địa phương có thể xử lý nghiêm, có tính răn đe cao với các vi phạm về hoạt động vận tải trên địa bàn.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hoạt động vận tải hiện nay có thể thấy, để được kinh doanh trên tuyến vận tải khách cố định, chủ xe phải đưa xe vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, phải trả tiền mua thương hiệu, tiền quản lý phí, chịu mức doanh thu khoán và tự phải xoay sở kiếm khách, đối phó với mọi tình huống trên đường. Doanh thu giảm trong khi chi phí không giảm nên nhiều chủ xe buộc phải cắt giảm chi phí lao động, chi phí bảo dưỡng sửa chữa, đưa xe vào quay vòng thật nhanh. Lái xe trên đường thì phải đua tranh, giành giật khách. Vì thế, bên cạnh yếu tố ý thức đạo đức của một số lái xe chưa tốt, thì hạn chế trong quản lý xe của doanh nghiệp nói riêng, cũng như quản lý Nhà nước nói chung là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình hình mất an toàn giao thông vừa qua.

Thực tế, dù Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 91 đã quy định phải có quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách liên tỉnh, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện được. Khi không có quy hoạch thì đơn vị kinh doanh vận tải phải tự mày mò mở tuyến rồi phải đi xin: xin chấp thuận mở tuyến, xin công bố tuyến và đó chính là kẽ hở nảy sinh tiêu cực. Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nêu rõ: cấp phép kinh doanh vận tải đang theo một quy trình ngược là phải có xe mới được duyệt phương án đầu tư cho doanh nghiệp. Trong khi, điều cần làm trước tiên là phải xác định phương án đầu tư có phù hợp không, số lượng xe doanh nghiệp sử dụng có vừa với sức chứa của các bến xe hiện hành hay không... Và cũng có tình trạng phê duyệt số lượng bến xe trên địa bàn địa phương trong khi chưa tính toán khả năng đầu tư xây dựng các công trình này. Điều này khiến quy hoạch không được thực hiện đúng, cộng với việc gia tăng nhu cầu vận tải nên các bến xe trên địa bàn thành phố đều trong tình trạng quá tải. Xe nhiều nhưng không vào bến được nên đã nảy sinh tiêu cực.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ Giao thông – Vận tải khẳng định sẽ ban hành thông tư mới quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, sẽ bổ sung, siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải; quy định lại tổ chức và quản lý hoạt động vận tải ô tô. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ ban hành thông tư quy định về quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ vận tải bằng ô tô; thông tư về quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm về chất lượng và an toàn giao thông trong vận tải đường bộ.

Có thể thấy, trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, vướng mắc và tồn tại lớn nhất chính là quản lý phương tiện. Hiện không có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động đúng theo quy định của Nghị định 91. Đa phần doanh nghiệp chỉ mang danh, không thực hiện công tác quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động vận tải. Bằng chứng là kiểm tra 47 doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên cả nước thì đã phát hiện 27 doanh nghiệp sử dụng danh sách lái xe, phụ xe khác với thực tế tại hiện trường. Vì vậy, muốn chấn chỉnh và đẩy mạnh hoạt động quản lý hoạt động vận tải thì trước hết phải tăng cường kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, cùng với việc hoàn thiện và thực thi đầy đủ các quy định liên quan.