Cần thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Hồng Nhung

(Tài chính) Theo báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê công bố, số doanh nghiệp (DN) khó khăn, ngừng hoạt động, đã quay trở lại hoạt động trong quý I/2014 là 4.622 DN, tăng 48,9% so với quý IV/2013. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, niềm tin DN đối với thị trường đang quay trở lại. Tuy nhiên, để thực sự “sống khỏe”, các DN vẫn cần có những hỗ trợ về chính sách.

Cần có những giải pháp giúp DN tiếp cận nguồn vốn để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguồn: internet
Cần có những giải pháp giúp DN tiếp cận nguồn vốn để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguồn: internet

Niềm tin quay trở lại

Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý I/2014, cả nước có 18.358 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 97.983 tỷ đồng, tăng 16,9% về số DN và 23,4% về số  vốn đăng ký so với cùng kỳ/2013. So với quý I/2013, số DN thành lập mới và số vốn đăng ký lần lượt tăng 8,9% và tăng 3,6%. Số DN khó khăn, ngừng hoạt động, đã quay trở lại hoạt động trong quý I/2014 là 4.622 DN, tăng 48,9% so với quý IV/2013.

Bên cạnh đó, trong quý I/2014, số DN hoạt động trong những ngành ngân hàng, bảo hiểm… có xu hướng tăng mạnh, cụ thể như: Hoạt động phục vụ cá nhân (thành lập mới tăng 52,1%, dừng hoạt động giảm 3,3%); Tài chính - ngân hàng và bảo hiểm (thành lập mới tăng 18,9%, dừng hoạt động giảm 14,7%); Sản xuất phân phối điện, nước, gas (thành lập mới tăng 57,3%, dừng hoạt động giảm 5,4%).

Điều này cho thấy những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô và hỗ trợ DN của Chính phủ trong thời gian qua như miễn, giảm thuế, hạ lãi suất cho vay, gói hỗ trợ thị trường bất đông sản… đã phát huy hiệu quả tích cực.

Vẫn còn những nỗi lo

Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh sáng đó, thực tế vẫn còn nhiều DN đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quý I/2014, tổng số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm dừng hoạt động, hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 16.745 DN, tăng 9,6% so với cùng kỳ/trước. Trong đó, 3.846 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 7,8%, có 10.318 DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký, tăng 9,3%, 2.581 DN giải thể, tăng 13,6%.

So sánh số liệu tháng 3/2014 với tháng trước,  số DN giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 4.358 DN, tăng 1,6%; 2.928 DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký, tăng 16,4%; 690 DN giải thể, giảm 20%.

Cần thêm giải pháp hỗ trợ DN

Hiện nay, số DN vừa và nhỏ (DNNVV) chiếm số đông trong nền kinh tế Việt Nam, đang tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu người lao động và huy động các nguồn lực xã hội… Cụ thể, khu vực DN này hàng năm tạo thêm trên nửa triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP…

Ngoài ra, số tiền thuế và phí mà các DNNVV tư nhân đã nộp cho Nhà nước đã tăng 18,4 lần sau 10 năm. Những đóng góp này đã hỗ trợ lớn cho việc chi tiêu vào các công tác xã hội và các chương trình phát triển khác.

Như vậy, DNVVN đang đóng góp một phần rất lớn cho sự phát triển và tăng trưởng chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, đây chính là thành phần kinh tế dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại vi.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang tham gia đàm phán tham gia Hiệp định thương mại TPP, điều này sẽ mang đến cho DN trong nước nhiều cơ hội to lớn trong việc phát triển, đưa thương hiệu ra thị trường quốc tế nhưng cũng sẽ đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức khi sức khỏe DN Việt còn non trẻ.  Trước những khó khăn trên, DNNVV thực sự cần sự hỗ trợ chính sách.

Trong thời gian qua, do nền kinh tế gặp nhiều biến động, những DN này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó cục trưởng Cục phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những biện pháp nổi bật giúp DNNVV tiếp cận nguồn vốn trong năm 2014 là việc sẽ đưa Quỹ phát triển DNNVV vào hoạt động một cách mạnh mẽ. Quỹ sẽ tập trung vào các DNNVV có tiềm năng phát triển, có dự án, phương án kinh doanh khả thi và DN nằm trong diện đối tượng ưu tiên, ví dụ như DN phụ trợ, DN chế biến nông sản, DN xuất khẩu...

Bên cạnh đó, Chính phủ cần áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm tăng hiệu quả tái cấu trúc DNNN, nhằm thay đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu và sử dụng tối ưu các nguồn lực xã hội. Chỉ như vậy, những DN này mới thực sự đứng vững và phát huy vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng những chính sách và mục tiêu phát triển kinh tế  - xã hội được Nhà nước giao phó.

Cùng với đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa các chính sách về đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh. Đối với những DN sản xuất hàng tiêu dùng và dịch vụ, nên có các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đồng thời kích cầu tiêu dùng của người dân nhằm giải phóng hàng tồn kho, tạo động lực cho sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế.

Ngoài ra, đối với những ngành nghề, lĩnh vực xã hội, đặc biệt là ở những vùng, địa bàn kinh tế khó khăn, cũng cần áp dụng những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp để thu hút đầu tư nhằm phát huy có hiệu quả các nguồn lực xã hội cũng như tạo sự phát triển đồng đều ở các địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố hỗ trợ từ bên ngoài, sự nỗ lực của chính các DN trong việc nâng cao khả năng quản lý kinh doanh, công nghệ sản xuất, hiệu quả kết nối với các DN khác trong và ngoài nước… là yếu tố yếu định chính dẫn đến thành công của mỗi DN.