Cạnh tranh bán lẻ đang gia tăng

Theo thoibaonganhang.vn

Không chỉ các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước gia tăng điểm bán mà cả các DN bán lẻ nước ngoài cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, càng làm cho thị trường này trở nên sôi động hơn...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Thương mại, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, những dự báo đầy triển vọng lạc quan đó đang đứng trước rất nhiều thách thức.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2016, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 7,6% trong khi cùng kỳ năm 2015 tăng 8,3%.

Sự sụt giảm tăng trưởng sản lượng hàng hóa và doanh thu dịch vụ bán ra nêu trên lại được đặt trong bối cảnh các DN bán lẻ phát triển mạnh hệ thống điểm bán, nên cạnh tranh càng thêm quyết liệt. Đơn cử trường hợp của Tập đoàn Vingroup, bắt đầu gia nhập thị trường từ năm 2014, nhưng cho đến nay DN này đã kịp hoàn tất việc mua lại 3 hệ thống siêu thị Oceanmart, Vinatexmart và Maximark, bên cạnh việc phát triển mạnh hệ thống chuỗi siêu thị mini. Đến nay, tập đoàn này đã mở hơn 600 cửa hàng VinMart và VinMart+ trên cả nước.

Mở rộng mạng lưới nhanh để tạo dấu ấn, tăng khả năng nhận diện thương hiệu dường như đang là xu thế mà các DN bán lẻ theo đuổi. Nên không chỉ Vingroup mà hàng loạt các DN khác cũng “bành trướng” rất nhanh mạng lưới bán lẻ, trong đó có thể kể đến các thương hiệu như Happro, Saigon Co.op, FPT, Trần Anh, Thế giới di động... Chỉ riêng trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang mọc lên ngày càng nhiều và hiện diện ở khắp các con phố với mật độ khá dầy.

Chị Hoàng Thị Thơm (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các cửa hàng tiện lợi mang đến sự thuận tiện rất lớn cho người dân, nhất là các bà nội trợ. Trước đây nếu phải mua hàng thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống hay đông lạnh chị phải đi rất xa như tới các chợ đầu mối, siêu thị BigC...  mới có thể mua được thịt nay ngay dưới các phố gần nhà đều có cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị mini với đầy đủ các mặt hàng phục vụ người dân.

Phương thức dịch vụ của các cửa hàng tiện lợi cũng rất chuyên nghiệp. Chị đã được siêu thị VinMart cấp thẻ khách hàng thân thiết và sẽ được hưởng khuyến mãi cũng như tích lũy điểm mỗi khi mua hàng tại đây.

Không chỉ các DN bán lẻ trong nước gia tăng điểm bán mà cả các DN bán lẻ nước ngoài cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, càng làm cho thị trường này trở nên sôi động hơn. Trong đó phải kể đến sự có mặt của các nhà bán lẻ hàng đầu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Hàng loạt các siêu thị, trung tâm mua sắm đã được các DN nước ngoài triển khai với hệ thống bài bản như chuỗi siêu thị Aeon của Nhật Bản, Berli Jucker (BJC) và Central Group của Thái Lan...

Nhưng, viễn cảnh sắp tới có thể cuộc cạnh tranh còn được đẩy lên cao hơn nữa. Bởi theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO cũng như khi ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì hầu hết các mặt hàng nhập khẩu sẽ được xóa bỏ thuế quan vào năm 2018. Đây là yếu tố thúc đẩy các DN bán lẻ nước ngoài khai phá thị trường nhằm mục đích đưa hàng từ nước họ vào Việt Nam.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 250-300 siêu thị mới, tăng 40% so với hiện tại, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, số cửa hàng tiện lợi sẽ tăng lên khoảng 1.500 cửa hàng, tăng gấp 3 lần so với hiện tại. Còn theo quy hoạch, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm...

Trong bối cảnh các DN bán lẻ trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh từ các nhà bán lẻ nước ngoài, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho DN trong nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mở rộng thị trường.

Tháng 5/2016, Chính phủ đã chấp thuận cho phép DN mở mới các cửa hàng có diện tích dưới 500m2 mà không cần phải xin cấp phép. Quy định này sẽ chính thức có hiệu lực từ cuối năm nay. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho các DN có thể mở nhiều điểm bán lẻ và hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã tăng cường sự liên kết giữa DN bán lẻ với các nhà sản xuất để tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng, có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng.

Đồng thời, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được đẩy mạnh giúp các DN trong nước có nhiều cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng hơn, từ đó tạo cho hàng Việt Nam ngày càng được ưa chuộng.