Cạnh tranh bán lẻ đến hồi gay cấn

Theo nld.com.vn

(Tài chính) Năm 2014 được xem là năm bản lề, nếu các doanh nghiệp (DN) trong nước không “bật” lên được thì sẽ phải chấp nhận lùi bước trong cuộc chiến giành thị phần ở thị trường bán lẻ.

 Cạnh tranh bán lẻ đến hồi gay cấn
Nếu các DN trong nước không “bật” lên được thì sẽ phải chấp nhận lùi bước trong cuộc chiến giành thị phần ở thị trường bán lẻ. Nguồn: internet

Theo Bộ Công Thương, các kênh bán lẻ hiện đại hiện chiếm 20% thị trường bán lẻ trong nước. Doanh thu khối DN ngoại đang chiếm gần 70% toàn ngành bán lẻ. Còn theo Công ty Tư vấn AT Kearney (Mỹ), doanh số bán lẻ tại Việt Nam năm 2014 dự báo tăng 23%, qua đó cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi nên kênh bán hàng này có nhiều cơ hội phát triển.

“Ngoại” bành trướng

Được chú ý nhất gần đây là sự kiện đại gia bán lẻ Aeon (Nhật Bản) mở trung tâm mua sắm đầu tiên tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Với vốn đầu tư 100 triệu USD, Aeon Tân Phú thu hút khách hàng bằng dịch vụ của người Nhật: 1/3 hàng hóa bán tại đây có xuất xứ từ Nhật - vốn được nhiều người Việt Nam ưa chuộng. Sau trung tâm này, tháng 10/2014, Aeon mở thêm 1 trung tâm ở Bình Dương và sang 2015 sẽ mở ở Hà Nội; kế hoạch đến 2020 sẽ xây dựng chuỗi khoảng 20 trung tâm Aeon tại Việt Nam.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, Lotte Mart (Hàn Quốc) vừa khai trương trung tâm thương mại đầu tiên ở Hà Nội cũng là siêu thị thứ 7 của hệ thống. Dự kiến trong năm nay, Lotte sẽ mở thêm 5 trung tâm (vốn đầu tư từ 30-40 triệu USD/siêu thị) và mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở 60 trung tâm trên toàn quốc, trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Wal-Mart (Mỹ) đã chính thức khẳng định sẽ đầu tư vào Việt Nam, không chỉ để đón đầu thị trường bán lẻ mở cửa 100% vào năm 2015 mà còn để khai thác lợi thế của nhà nhập khẩu khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group chuẩn bị khai trương Robinsons Department Store đầu tiên ở Hà Nội, cuối năm sẽ khai trương cửa hàng thứ hai ở TP. Hồ Chí Minh.

“Ông lớn” đã có mặt tại Việt Nam từ những năm đầu là Metro Cash & Carry cũng không ngừng mở rộng hệ thống. Đã sở hữu 24 siêu thị, không tiết lộ kế hoạch mở siêu thị mới hằng năm nhưng BigC cho biết sẽ không hạn chế số lượng nếu tìm được mặt bằng tốt. Với 20 siêu thị trên toàn quốc, Metro Cash & Carry đang đẩy nhanh tốc độ thâm nhập thị trường và nỗ lực làm mới, định vị lại khách hàng: tập trung vào khách hàng trọng tâm, đặc biệt là nhóm khách hàng DN kinh doanh độc lập vừa và nhỏ, nâng cấp dịch vụ chuyên nghiệp hơn.

Theo cam kết gia nhập WTO, từ ngày 11/1/2015, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập DN 100% vốn tại Việt Nam thay vì mức tối đa 50% như hiện nay. Điều này đồng nghĩa với viễn cảnh sẽ có thêm nhiều siêu thị, trung tâm thương mại của DN ngoại mọc lên. Với tiềm lực tài chính dồi dào, hệ thống phân phối rộng khắp thế giới, kinh nghiệm hàng trăm năm trong lĩnh vực bán lẻ, các “ông lớn” nước ngoài có rất nhiều lợi thế trong cuộc đua giành thị phần.

Trong nước đã yếu lại còn chơi xấu nhau

Trong khi DN ngoại bước vào giai đoạn tăng tốc thì DN bán lẻ trong nước yếu kém về nhiều mặt lại phải trải qua thời gian dài khó khăn do sức mua suy yếu đã dần đuối sức. Một số thương hiệu dè dặt chọn giải pháp co cụm, khai thác và giữ ổn định thị phần sẵn có. Một số thương hiệu đang nỗ lực bứt phá.

Không thể hoàn thành kế hoạch đến 2015 mở 100 siêu thị, năm nay, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) sẽ mở thêm 8 siêu thị Co.opmart, đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi Co.opFood. Song song đó, tiếp tục thay đổi không gian mua sắm và triển khai giai đoạn 2 “Dự án Điện toán tập trung” để chuẩn hóa việc quản lý tồn kho và quản lý tài chính. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op - cho biết do tác động của thị trường, sức mua chung không tăng trong khi áp lực cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán lẻ, bản thân Saigon Co.op cũng chưa có sự đột phá vươn lên mạnh mẽ. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh nghiệm và nguồn nhân lực chưa tốt. Đây cũng là điểm yếu chung của các nhà bán lẻ Việt Nam.

Các chuyên gia bán lẻ cho rằng thách thức cũng chính là cơ hội. Tuy nhiên, DN trong nước không có nhiều lợi thế. Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển Quang Minh, trên thị trường bán lẻ Việt Nam đang diễn ra một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: 62,5% DN bán một hoặc một số hàng hóa dưới giá thành để thu hút sự chú ý của khách hàng, 37,5% lôi kéo và tuyển dụng nhân lực chủ chốt của đối thủ, 25% bắt tay với nhà sản xuất/phân phối để chèn ép đối thủ, 25% khuyến mãi cạnh tranh không lành mạnh...

Trước thực trạng này, các DN bán lẻ nội địa không thể tiếp tục duy trì kiểu “mạnh ai nấy làm” mà cần tăng cường liên kết hợp tác - nhất là trong lĩnh vực logistics (kho vận), cung ứng dịch vụ. Mỗi DN cũng phải có chiến lược kinh doanh riêng, nâng cấp chất lượng hàng hóa, dịch vụ để mang lại thêm nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng, hướng đến phát triển bền vững.

Trông chờ hỗ trợ ở tầm vĩ mô

“Hội nhập, cạnh tranh, các DN, nhà phân phối rất trông mong sự hỗ trợ ở tầm vĩ mô. Cụ thể là chính sách quy hoạch phát triển hệ thống phân phối, chính sách về đất (nên cho DN được lựa chọn hình thức thuê hoặc mua đất). Cuối cùng, cân nhắc đánh giá những mô hình nào, quy mô nào nên kêu gọi nước ngoài đầu tư, mô hình nào cho DN trong nước đầu tư. Thay vì mở cửa thị trường cho 1-2 nhà đầu tư mở chuỗi thì có thể cho nhiều nhà đầu tư vào nhưng không cho mở chuỗi cũng giảm bớt áp lực cạnh tranh cho DN trong nước” - ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị.