Chần chừ thoái vốn vì sợ lỗ

Theo Báo Đầu tư

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang bế tắc trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành, do yêu cầu thoái vốn phải bảo đảm giá trị sổ sách.

Chần chừ thoái vốn vì sợ lỗ
Tổng công ty Lương thực miền Bắc đang gặp khó khi thoái vốn khỏi bất động sản
Doanh nghiệp than khó

Theo yêu cầu của Chính phủ, từ nay đến năm 2015, các tập đoàn, DNNN phải hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Thời gian chỉ còn hơn 2 năm, nhưng với nhiều “ông lớn”, thực hiện mục tiêu này không hề dễ, nhất là với yêu cầu thoái vốn, nhưng phải bảo toàn vốn nhà nước mà Chính phủ đặt ra.

Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), Tổng công ty đang tham gia góp vốn vào 3 ngân hàng. Tuy nhiên, Vinafood1 chỉ bảo đảm được thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng không bị âm nếu tính chung cả 3 ngân hàng. Còn nếu thoái vốn ở lần lượt từng ngân hàng, Vinafood1 khó bảo toàn được vốn nhà nước.

Không chỉ lĩnh vực ngân hàng, Vinafood1 cũng đang gặp khó khăn trong quá trình thoái vốn khỏi bất động sản. Trước đây, dựa trên lợi thế đất đai, Vinafood1 đã xây dựng một số trung tâm thương mại, siêu thị, dự án kết hợp chung cư. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng hiện nay, nếu thực hiện thoái vốn, Vinafood1 chắc chắn lỗ.

Tương tự Vinafood1, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cũng đang chật vật vì thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Vinacafe cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo lộ trình. Những đơn vị có lãi, sẽ thoái được vốn, như nhà máy đường, Siêu thị Intimex. Còn ở những đơn vị đang lỗ nặng, thì rất khó thoái vốn, bởi nếu thoái vốn, thì vốn nhà nước sẽ bị âm”. 

Cân nhắc thời điểm thoái vốn

Theo ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty không vội thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

“Chúng tôi đang đầu tư vào một số lĩnh vực ngoài ngành, như ngân hàng và một số dự án khác. Tuy nhiên, chủ trương của Tổng công ty là không vội thoái vốn, nhằm bảo toàn phần vốn nhà nước và đảm bảo có lãi. Hiện nhiều dự án do Tổng công ty đầu tư đã trả hết tiền vay ngân hàng, thiết bị khấu hao cũng gần hết, nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, nếu bán ngay bây giờ, thì không được giá”, ông Phong nói và cho biết, việc quan trọng nhất hiện nay là không đầu tư thêm vào lĩnh vực ngoài ngành, còn thoái vốn thì phải cân nhắc kỹ thời điểm.

Lãnh đạo nhiều DNNN cũng khẳng định, nguyên tắc thoái vốn đầu tư ngoài ngành là không được bán thấp hơn giá trị sổ sách. Thoái vốn giá cao thì không bán được, còn nếu bán giá thấp theo tình hình thị trường, thì lãnh đạo DN lại ngại, vì sợ bị quy trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước. Đây là lý do chính khiến lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang chững lại và nhiều khả năng khó đạt mục tiêu hoàn thành vào năm 2015.

Trên thực tế, dù có muốn thoái vốn với giá rẻ, DN cũng rất khó thực hiện trong bối cảnh thị trường hiện nay. Đơn cử, năm ngoái, Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản triển khai kế hoạch bán toàn bộ cổ phần tại Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không với “giá bèo” (10.000 đồng/cổ phần), nhưng vẫn thất bại, vì không có người mua.

Ông Hoàng Xuân Vượng, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng, việc rút vốn khỏi lĩnh vực bất động sản với DN ở thời điểm hiện tại cực kỳ khó. Nếu không thoái, thì vốn chết, DN khốn khổ vì trả lãi ngân hàng. Còn nếu thoái vốn, thì lỗ nặng, thậm chí lỗ một nửa, nên DN không dám thực hiện, vì sợ trách nhiệm.

Trước tình trạng này, bà Bùi Thị Thanh Tâm kiến nghị: “Tôi cho rằng, cần có cơ chế hợp lý để DN có thể thoái được vốn, đồng thời đảm bảo công khai minh bạch. Nếu cứ yêu cầu tổng công ty phải thoái vốn và giữ nguyên giá trị sổ sách, thì không biết bao giờ mới thoái được vốn”.

Lãnh đạo một DNNN khác cũng cho rằng, Chính phủ nên xem xét cho DN được thoái vốn lỗ, song phần lỗ đó có thể trừ vào lợi nhuận sau này của DN. Có như vậy, DN mới an tâm thoái vốn. “Điều quan trọng nhất trong tái cơ cấu DNNN hiện nay là phát triển sau khi cơ cấu lại, không nên khăng khăng bảo toàn vốn nhà nước, mà làm chậm lộ trình tái cơ cấu, thoái vốn ngoài ngành của DN”, vị lãnh đạo trên kiến nghị.