Chỉ 10% doanh nghiệp niêm yết vượt qua khủng hoảng

Theo VnExpress.net

(Tài chính) Theo lãnh đạo SGI Capital, 70% doanh nghiệp (DN) niêm yết vẫn chưa thoát khó khăn, 10-20% đang lỗ hoặc lỗ triền miên.

Chỉ 10% doanh nghiệp niêm yết vượt qua khủng hoảng
70% DN niêm yết vẫn chưa thoát khó khăn. Nguồn: internet
Phát biểu tại một hội thảo mới đây do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức, ông Lê Chí Phúc - Tổng giám đốc SGI Capital dẫn số liệu thống kê của tổ chức này cho biết, trong khoảng 800 DN đang niêm yết, mới chỉ có 10% thực sự vượt qua  khủng hoảng, thể hiện qua doanh số, lợi nhuận đã đi qua đáy. 70% còn lại đang gặp khó khăn và 10 - 20% thực sự rất khó khăn (đang lỗ, lỗ triền miên).

"Đây là những DN đầu tư vào ngành nghề bong bóng, không phải thế mạnh, đi vay nợ nhiều và chưa minh bạch", ông Phúc nhận định.

Dù kinh tế đã có khởi sắc hơn, nhưng ông Phúc cho rằng, niềm tin của DN chưa thực sự vững chắc. Đại diện SGI Capital cho hay, năm 2011 - 2012, nhiều chủ DN rất kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như xử lý nợ xấu, giải cứu thị trường bất động sản, tuy nhiên, đến năm 2013 nhiều người trong số họ tỏ ra chán nản vì những chính sách của Chính phủ đến chậm.

Một ví dụ được đưa ra là gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản đến nay mới giải ngân được 470 tỷ đồng (gần 2%). "Nhiều DN bất động sản niêm yết trên sàn cho biết gói hỗ trợ tác động rất ít, số DN tiếp cận được chưa đến một bàn tay", ông nói. Đây là lý do khiến đa số DN bất động sản hiện vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) bày tỏ, trong 400 DN đang niêm yết trên HNX, vẫn còn khoảng 100 đơn vị rơi vào lỗ hoặc lỗ kéo dài. "45% số này liên quan đến bất động sản và các ngành liên quan", ông phát biểu.

Do đó, các chuyên gia cho rằng năm 2014 cần những chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn. "Số DN đăng ký thành lập mới năm 2013 chưa chắc năm tới sẽ hoạt động, còn những đơn vị đang khó khăn có thể sẽ chết. Do vậy, cần những giải pháp để hỗ trợ DN. Chỉ cần một nửa số DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại thì nền kinh tế có thể tăng trưởng thêm 0,5-1%", TS. Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định.

Ông Lê Chí Phúc cũng hy vọng các chính sách sẽ phát huy mạnh hơn trong năm 2014. Theo ông, kinh tế vĩ mô giờ đã ổn định, cho phép các DN "tạm yên tâm" lên kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến các DN, trong đó có SGI chưa thể đưa ra một chiến lược dài hạn.

"Chúng tôi chưa thể đưa ra một chiến lược dài hạn vì không biết lạm phát có ổn định hay không, Chính phủ cho phép nới đầu tư ra sao. Nếu chính sách không hiệu quả, xuất hiện bong bóng mới thì đầu tư lại tiếp tục thận trọng", vị này chia sẻ.

Còn về mong ước, đại diện SGI cho rằng tái cơ cấu kinh tế cần diễn ra nhanh và hiệu quả hơn "Môi trường vĩ mô ổn định thì DN sẽ yên tâm đầu tư, nhưng nếu tái cơ cấu được đẩy mạnh nữa thì chúng tôi sẽ tiến đến mở rộng kinh doanh". Nếu mong ước này thành sự thật, ông Phúc tin tưởng tăng trưởng kinh tế sẽ vượt qua ngưỡng 6%.

Trước vấn đề trên, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục phát triển DN khẳng định, năm 2014 sẽ tập trung các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, đẩy mạnh cổ phần hóa, IPO các tổng công ty lớn. Theo vị này, dự kiến từ nay tới cuối năm sau sẽ có hơn chục tổng công ty trong lĩnh vực xây dựng, giao thông phát hành cổ phần ra công chúng.