Chìa khóa phát triển kinh tế đất nước

Theo thoibaonganhang.vn

Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của khối kinh tế tư nhân, phải đẩy mạnh đổi mới thể chế kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

“Chìa khoá” thực hiện khát vọng

Sáng ngày 15/6/2016, tại TP. Đà Nẵng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035 phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hoá thể chế”.

Báo cáo “Việt Nam 2035, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”(Việt Nam 2035) do Chính phủ Việt Nam và WB công bố, đã đưa ra những mục tiêu xây dựng đất nước công nghiệp, hiện đại với chất lượng cuộc sống cao hơn vào năm 2035.

Cụ thể, báo cáo đặt ra giả thiết, với lộ trình tăng trưởng trên 7%/năm (chỉ tiêu tăng trưởng theo khát vọng của Việt Nam), GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013…

Nhằm hiện thực những mục tiêu này, bên cạnh việc cải cách toàn diện khu vực DN nhà nước; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thị trường; Tận dụng các cơ hội ngoại thương… báo cáo Việt Nam 2035 cũng xác định rõ, phải hiện đại hoá nền kinh tế đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

Đổi mới sáng tạo lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm, tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh… Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế đã đồng nhất quan điểm này, khi cho rằng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, là chìa khóa quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.

Trong thực tế, vai trò của DN tư nhân thời gian gần đây đang được khẳng định. Theo thống kê của VCCI, cả nước hiện có khoảng 600 nghìn DN, trong đó gần 500 nghìn DN tư nhân. Trong số này có tới hơn 96% là DNNVV, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn. DN khối tư nhân giải quyết khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm.

Phát biểu tại hội thảo, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế là xây dựng nền tảng tư nhân mạnh mẽ. Khu vực tư nhân là chìa khoá để Việt Nam đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tăng đến năm 2035.

Ở góc độ địa phương, ông Võ Duy Khương, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cũng đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân, xem đây là động lực phát triển kinh tế.

Yêu cầu “nâng cấp”thể chế

Dù kinh tế tư nhân đang được xác định là lực lượng quan trọng, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế, Chính phủ cũng đã có những chính sách nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển… song, trong thực tế việc phát triển của khối kinh tế này vẫn còn nhiều khó khăn, chưa được đặt vào một vị trí xứng tầm.

Nổi lên là những phân biệt giữa DN tư nhân, DN nhà nước hay DN FDI. Nhiều địa phương khi mời gọi đầu tư, thường vẫn chú trọng đầu tư nước ngoài trong khi thiếu sự hỗ trợ, ưu tiên thiết thực cho ngay chính DN tại địa phương.

Ngoài ra, còn những khó khăn về thể chế kinh tế, bộ máy hành chính chưa hiệu quả, bất cập trong thủ tục hành chính, thiếu minh bạch và cơ chế trách nhiệm giải trình. Nhiều DN phải trả các chi phí “không chính thức”, để giải quyết công việc… Những bất cập này càng khiến cho DN tư nhân đã nhỏ lại ngày càng teo tóp.

Về thực trạng các DN tư nhân, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia cao cấp nhận định, DN tư nhân trong nước thường rất nhỏ. Do vậy, khó có thể tăng năng suất bằng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, chuyên môn hóa và đổi mới sáng tạo. Trong khi, đây là những nhân tố đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Trước nhiều khó khăn đang tồn tại, ảnh hưởng đến khối kinh tế tư nhân, yêu cầu hiện đại hoá thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân đang đặt ra cấp bách. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho rằng, muốn DN tư nhân mạnh, có năng lực cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động thì phải đẩy mạnh đổi mới thể chế kinh tế.

Thể chế bảo đảm sự cạnh tranh tự do và công bằng giữa DN tư nhân với DN nhà nước; Đấu tranh chống các hành vi hạn chế cạnh tranh, hoạt động trong khuôn khổ minh bạch, công bằng và không phân biệt đối xử.