Chính phủ “bác” đề xuất xin cơ chế đặc thù của Formosa

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6/2014 của Văn phòng Chính phủ, ngày 01/7/2014, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ không đồng ý với những đề xuất của Formosa (Đài Loan).

Chính phủ “bác” đề xuất xin cơ chế đặc thù của Formosa
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến kiểm tra tình hình tại Dự án Formosa ngày 21/5 vừa qua. Nguồn: internet

Những đề xuất "vô tiền, khoáng hậu"

Vừa qua, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã gửi Công văn số 1406022/CV-FHS tới Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đưa ra đề xuất thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng với những điều kiện ưu đãi đặc biệt xây dựng riêng cho doanh nghiệp này.

Ngoài các ưu đãi công ty được hưởng cao nhất đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế và các ưu đãi khác đã được Thủ tướng cho phép, Formosa còn kiến nghị đặc khu được áp dụng các quy định ưu đãi đặc thù như miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu trong suốt thời gian kinh doanh của dự án, được Chính phủ bảo hộ ngành thép, miễn thuế đối với khoản vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, kinh doanh tàu lai dắt và đề xuất thành lập Ban quản lý đặc khu trực thuộc Văn phòng Chính phủ và do các Bộ trưởng các bộ liên quan tham gia để quản lý đặc khu...

Theo FHS, dự án Formosa giai đoạn I dự kiến sẽ tuyển dụng khoảng 5.000 nhân viên, đồng thời quy hoạch phát triển tầm cỡ lâu dài trở thành nhà máy gang thép tầm cỡ quốc tế. Dự kiến số lượng nhân viên cao nhất đạt 15.000 người. Nếu tính cả nhân viên và gia quyến sẽ lên đến 60.000 người. Căn cứ vào quy mô này sẽ hình thành nên một thị trấn gần khu vực xưởng.

Thế nên FHS cho rằng: Tập đoàn Formosa đầu tư tại Hà Tĩnh nếu nói về lâu dài sẽ nâng cao cơ hội việc làm, mức tiền lương. Hơn thế nữa sẽ đưa nền kinh tế địa phương phát triển. Để giữ được nhân tài khuyến khích nhân viên sinh sống tại địa phương, giúp đỡ nhân viên có thể phụng dưỡng bố mẹ và thành gia lập nghiệp, tập đoàn Formosa đề nghị được xây dựng nhà ở cho gia quyến bán cho nhân viên công ty là người Việt Nam.

Nhưng theo quy định hiện hành của pháp luật, Formosa chuyển đầu tư thành lập công ty phát triển đất đai thuộc công ty có vốn đầu tư nước ngoài, mua đất xây dựng chỉ có quyền sử dụng được 50 năm. Sau khi xây dựng xong nhà ở bán đi, nhân viên mua nhà ở cũng chỉ được quyền sử dụng đất 50 năm. Vì vậy tập đoàn Formosa đề nghị người mua nhà được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài.

Ngoài ra, Formosa còn đề xuất một loạt biện pháp ưu đãi như được Chính phủ thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép, được Chính phủ ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, được miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn..., miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu...

Điều đáng lưu ý là việc đề xuất thành lập đặc khu kinh tế Vũng Áng, Formosa không kiến nghị với tỉnh mà gửi thẳng lên Chính phủ.

“Đây là một điều hết sức không bình thường, sau khi Chính phủ đã tỏ thiện chí hợp tác và bồi thường. Formosa đã đưa ra một yêu sách cao khác thường theo thông lệ quốc tế, vượt xa so với khung pháp luật của Việt Nam, và cao bất thường so với tất cả những gì các nhà đầu tư nước ngoài khác đề nghị. Có thể nói yêu cầu của họ là vô tiền khoáng hậu, trong lịch sử đầu tư nước ngoài chưa thấy có câu chuyện nào như vậy”.

TS. Lê Đăng Doanh bình luận trên báo Thanh niên

Dù đã được hưởng rất nhiều ưu đãi

Trước đó, sau biến cố tháng Năm, Chính phủ đã xử lý và tạo nhiều điều kiện để quá trình triển khai xây dựng cơ bản tại siêu dự án gần 10 tỷ USD của Formosa đảm bảo tiến độ đặt ra trước đó.

Theo đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt Chính phủ đã đồng ý miễn thuế nhập khẩu với các loại mặt hàng xe Torpedo, máy gõ xỉ, máy tháo gạch chịu lửa, gạch chịu lửa nhập khẩu đáp ứng yêu cầu sử dụng của siêu dự án thép tại Hà Tĩnh, dây cáp điện được nhập khẩu đi kèm hoặc nhập khẩu rời để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc để tạo tài sản cố định của Dự án, các thiết bị đầu máy 100 tấn, các loại tàu lai dắt, dẫn luồng thuộc phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền của Dự án và nhà đầu tư được hưởng mức phí bảo vệ môi trường 60% với hoạt động hút cát, san nền trong phạm vi khu vực 1.293 ha mặt nước được thuê.

Chính phủ còn đồng ý không thu thuế nhà thầu với hàng hóa, trang thiết bị nhập khẩu kèm theo được bảo hành theo các quy định với các trường hợp chỉ cung cấp hàng hóa, trang thiết bị cho FHS.

Các ưu đãi về thuế nhập khẩu liên quan khi Dự án được điều chỉnh lên mức 9,99 tỷ USD để bổ sung thiết bị phục vụ xây dựng nhà máy thép cuộn, công trình hút cát san lấp mặt bằng cũng được Chính phủ cho phép Dự án tiếp tục được hưởng.

Quan điểm của cơ quan quản lý

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6/2014 của Văn phòng Chính phủ, ngày 01/7/2014, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, sau sự cố tháng 5, Formosa có xin cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, phát triển khu này theo dự án của họ đề ra với một thiện chí tốt.

“Nhưng pháp luật chúng ta không có quy định điều đó, nên chúng ta không đồng ý”, Bộ trưởng cho biết.
Trước đó, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm không đồng tình với những đề xuất của chủ đầu tư, vì cho rằng, hiện dự án Formosa đang được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, các loại thuế, đất đai... Việc đưa Khu Kinh tế Vũng Áng thành đặc khu kinh tế với ban quản lý đặc thù trực thuộc Văn phòng Chính phủ (như Formosa đề xuất), là chưa có tiền lệ và không cần thiết vì hiện tại đã có Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vấn đề có liên quan đến triển khai dự án Formosa theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”.

Để kịp hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của Formosa, theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ Công tác liên ngành trung ương hỗ trợ dự án Formosa.