Chính thức sáp nhập Công ty chứng khoán HPC và AAS

Theo dddn.vn

Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức công bố Công ty CP Chứng khoán Hải Phòng (Haseco –HPC) hợp nhất với Công ty CP chứng khoán Á Âu (AAS). Có thể nói, đây là công ty chứng khoán đầu tiên mở màn cho lộ trình tái cơ cấu các công ty chứng khoán trong giai đoạn tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo ông Vũ Dương Hiền – Tổng Giám đốc Cty CK Hải Phòng, công ty hợp nhất sẽ mang tên của là Công ty CP Chứng khoán Hải Phòng –Haseco (HAC). Vốn điều lệ công ty mới là 291,8 tỷ đồng. Tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu của cổ đông HPC và AAS sang cổ phiếu mới lần lượt là 1000 : 731 và 1000 : 39.Tức là mỗi cổ đông nắm giữ 1000 cổ phiếu HPC hoặc AAS sẽ được đổi lấy 731 hoặc 39 cổ phần cty sau hợp nhất.

Theo dự kiến ngày đăng ký cuối cùng thực hiện hợp nhất là 23/11/2015, trước đó 2 ngày, HPC sẽ chính thức hủy niêm yết.Sau đó, cổ phiếu công ty sau hợp nhất sẽ được đăng ký niêm yết theo quy định. Trong trường hợp phải chờ thời gian thực hiện niêm yết, cổ phiếu côngty sau hợp nhất sẽ đăng ký giao dịch trên UpCOM từ tháng 1/2016.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc sau sáp nhập, để xử lý hết lỗ lũy kế, cả AAS và HPC cần phải làm gì? Ông Vũ Vương Hiền cho biết, HAC phải mất một thời gian dài khoảng 10 năm để xóa lỗ lũy kế. “Tuy nhiên, “đũa thần” hợp nhất sẽ giúp công ty hoàn thành sớm hơn dự kiến”, ông Hiền khẳng định.

Theo lãnh đạo 2 công ty chứng khoán sau hợp nhất, việc hợp nhất 2 công ty chứng khoán nói trên với mục đích cao nhất là xóa lỗ lũy kế cho cả hai. Công ty hợp nhất dự kiến sẽ lấy thương hiệu hoạt động của Haseco và đăng ký mã chứng khoán HAC để chuẩn bị cho việc lên sàn trong thời gian sớm nhất.

AAS và HPC hợp nhất bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của 2 công ty sang công ty hợp nhất. Vốn điều lệ của công ty mới sẽ được xác định bằng tổng giá trị tài sản của HPC và AAS đã được kiểm toán tại ngày 30/6/2015.

Theo ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước, trong thời gian tới sẽ triển khai nhiều cơ chế trong để đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán để thị trường thực sự trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế đất nước. Ông Sơn nhấn mạnh, việc sáp nhập công ty chứng khoán là bước đi rất đáng khuyến khích. Cái khó hiện nay là tùy theo tài sản tài chính của từng công ty chứng khoán và thiện chí giữa các bên sáp nhập. Những công ty chứng khoán còn tài sản, gần như không nợ nhiều, danh mục tự doanh có tính thanh khoản cao… thì khả năng sáp nhập còn khả thi. Ngược lại, những công ty chứng khoánnợ nần cao, tự doanh lớn thì rất khó thực hiện. Ngoài ra, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý về khung luật pháp là rất quan trọng.

Tính đến cuối năm 2014, toàn thị trường có 672 công ty niêm yết trên hai Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP.HCM (chưa tính 2 quỹ ETF nội), với tổng giá trị niêm yết tăng 59% so với năm 2011. Hoạt động phát hành trái phiếu được đẩy mạnh với khối lượng phát hành tăng mạnh, cụ thể giá trị phát hành trái phiếu năm 2014 gấp gần 3 lần so với năm 2011; Giá trị thanh khoản trên thị trường thứ cấp được cải thiện mạnh mẽ, với giá trị giao dịch bình quân năm 2014 gấp 5,6 lần so với năm 2011. Số lượng công ty chứng khoán từ 105 cty đã thu hẹp còn 81 cty (giảm 24 công ty).Tuy nhiên, yêu cầu tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã được Bộ Tài chính xác định phải mạnh mẽ hơn nhằm minh bạch thị trường, thu hút sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước.