Chọn lĩnh vực ưu tiên: Chưa thuyết phục

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Việc xác định lợi thế cạnh tranh của từng lĩnh vực cần phải cụ thể, có tính trọng điểm, gắn với nhu cầu phát triển cấp bách, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Chọn lĩnh vực ưu tiên: Chưa thuyết phục
Cần nâng cao giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu. Nguồn: internet
Rất nhiều đại diện của ngành, hiệp hội tỏ ra không đồng tình với cách chọn 28 ngành hàng, lĩnh vực được đưa vào dự thảo Đề án “Ưu tiên phát triển doanh nghiệp (DN) thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao, giai đoạn 2013 - 2020”, do Bộ Công Thương soạn thảo và đang lấy ý kiến.

Vấn đề được nêu là có quá nhiều ngành được lựa chọn dựa trên quy mô xuất khẩu mà chưa tính đến khả năng nâng cao giá trị nội địa của sản phẩm.

Với kim ngạch xuất khẩu lớn, công nghiệp dệt, sản xuất trang phục và công nghiệp sản xuất xe có động cơ là ba trong số những ngành nằm trong danh sách các lĩnh vực được ưu tiên phát triển DN. Tuy nhiên, đây lại là các ngành sản xuất của Việt Nam đang bị phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện từ nước ngoài.

Ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam bình luận, việc xác định lợi thế cạnh tranh chỉ dựa trên con số xuất khẩu là chưa toàn diện.

Theo lưu ý của đại diện  Hiệp hội Xe đạp, xe máy Việt Nam, cũng thuộc loại xe có động cơ, có tốc độ phát triển mạnh, nhưng xe đạp điện lại thiếu định hướng thị trường, nên phần lớn các DN chỉ phát triển theo hướng tự phát.

Trong khi đó, do ngành này chưa có cơ chế quản lý nên không kiểm tra được xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu, đăng ký, đăng kiểm... nên phần lớn sản phẩm trên thị trường hiện nay đều là hàng nhập lậu.

Ngay đối với ngành xe máy, cũng là ngành nhập khẩu linh kiện lớn, với số lượng các DN tham gia thị trường như hiện nay, đại diện của hiệp hội này đề xuất, cần có sự phân công lại nhằm tránh phát triển tràn lan, gây lãng phí lớn về đầu tư.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn ý kiến cho rằng, dự thảo mới chỉ ưu tiên cho việc phát triển vùng trồng nguyên liệu. Theo dự thảo, có đến 7 ngành trồng cây nguyên liệu, 3 ngành nuôi trồng, khai thác thủy sản được đưa vào diện ưu tiên, trong khi ngành chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp chỉ có thủy sản và cao su.

Theo bà Phạm Thị Hồng Vân (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp đã duy trì và có được năng suất khá cao, đứng nhất nhì thế giới. Do đó, những hỗ trợ cần thiết nhất chính là làm thế nào để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tức giảm lượng xuất thô và đầu tư vào chế biến sâu.

Đồng quan điểm trên, nhiều hiệp hội, ngành hàng cũng cho rằng, cần phải ưu tiên nhiều hơn cho khâu nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp, thay vì hỗ trợ vùng nguyên liệu. Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam phân tích, cây điều đã có lợi thế cạnh tranh cao, nhưng ngành chế biến điều vốn rất nhiều tiềm năng lại chưa được đưa vào danh mục ưu đãi.

Dẫn chứng về điều này, ông Giang cho biết, hiện ngành điều có đến trên 1.000 cơ sở, nhà máy chế biến, trong đó quy mô lớn chỉ có 46 cơ sở. Công nghệ chế biến điều còn hạn chế, sử dụng đến 800.000 lao động và khoảng 500.000 lao động phụ thuộc... Ông Giang tin rằng ngành công nghiệp chế biến điều sẽ phát triển rất mạnh nếu có thêm chính sách ưu đãi.

Chia sẻ sự đồng tình, ông Lê Văn Khoa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần đưa thêm các ngành chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp vào danh mục ưu tiên.

Đơn cử như hai ngành chế biến gỗ và chế biến lương thực, thực phẩm hiện đang có lợi thế cạnh tranh lớn với kim ngạch xuất khẩu cao, có vị trí trên thế giới. Do đó, nếu ưu tiên đầu tư cho chế biến sẽ giúp các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng tốt hơn so với việc chỉ xuất thô như hiện nay.

Từ phân tích trên, các chuyên gia cho rằng, việc xác định lợi thế cạnh tranh của từng lĩnh vực cần phải cụ thể, có tính trọng điểm, gắn với nhu cầu phát triển cấp bách, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó, việc đánh giá đúng và đầy đủ thực trạng của ngành là yêu cầu quan trọng để xác định lợi thế của những lĩnh vực cạnh tranh, từ đó có những chính sách ưu tiên cho các DN liên quan.