Chứng khoán hóa các khoản nợ: Cần gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp

DATC

(Tài chính) Hiện chứng khoán hóa các khoản nợ được xem là phương cách hiệu quả trong xử lý các khoản nợ khó đòi của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này, khiến nhiệm vụ xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) gặp nhiều khó khăn.

Chứng khoán hóa các khoản nợ là cách xử lý các khoản nợ khó đòi hiệu quả. Ảnh sưu tầm. Nguồn: Internet
Chứng khoán hóa các khoản nợ là cách xử lý các khoản nợ khó đòi hiệu quả. Ảnh sưu tầm. Nguồn: Internet
Theo chuyên gia cao cấp Ngân hàng Lê Trọng Nhi, chứng khoán hóa nợ xấu là một phương cách/kỹ thuật chuyển hóa các khoản nợ xấu thành các loại trái phiếu hoặc cổ phiếu khác nhau và các chứng khoán thành này có thể được bảo đảm bằng những tài sản thế chấp hoặc một định chế tài chính uy tín hoặc cơ quan nào đó của Chính phủ, được đóng gói và bán đấu giá trên thị trường.

Một trong những mấu chốt căn bản để các sản phẩm chứng khoán hóa có thể phát triển là thị trường chứng khoán phải phát triển. Trong khi đó, thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn còn bé, quy mô chưa đủ mạnh, chưa có các nền tảng để triển khai các công cụ và sản phẩm phái sinh như một thị trường phát triển. Do đó, việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu sẽ rất phức tạp, mất thời gian cũng như kém hiệu quả, thậm chí có thể làm rối rắm thêm thị trường.

Một số chuyên gia ngân hàng cho biết, việc ngân hàng “chứng khoán hóa” các khoản nợ ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Bởi việc “chứng khoán hóa” các khoản nợ xấu phụ thuộc vào các điều kiện tương tự như: khi thị trường mua bán nợ của Việt Nam vẫn chưa thực sự hình thành, còn thiếu vắng những công ty, tổ chức mua bán nợ tư nhân và quốc tế cùng tham gia thị trường. Hơn nữa, hành lang pháp lý cho một thị trường thứ cấp, nơi các tài sản thế chấp được đóng gói thành các sản phẩm chứng khoán hóa có thể được trao đổi mua đi bán lại ở Việt Nam, cũng rất thiếu khuyết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) cho rằng, cần gắn chứng khoán hóa các khoản nợ khó đòi với nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp. Theo đó, nên hiểu chứng khoán hóa các khoản nợ khó đòi ở đây là chuyển hóa các khoản nợ, biến nó thành cổ phần. Tình trạng này có thể xét cho những doanh nghiệp có nguy cơ giải thể, phá sản do không thanh toán được nợ. Khi món nợ ngân hàng đã được chuyển thành cổ phần, thì có thể tìm nhà đầu tư, đối tác mua lại nợ với một tỉ lệ sở hữu, chi phối để các nhà đầu tư, đối tác mới có thể tiếp cận và tái cơ cấu doanh nghiệp, quản lý luôn doanh nghiệp.

Cụ thể như trường hợp của Khách sạn Bảo Sơn trước đây, hay như trường hợp của Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) mới đây. Trong trường hợp này, để “chứng khoán hóa” các khoản nợ của doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SHB) đã phối hợp với một tổ chức chuyên về xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp là DATC, chuyển hóa được một phần khoản nợ thành cổ phần thành công. Từ đó làm đòn bẩy để doanh nghiệp lấy lại sức lực thực thi tái cấu trúc. Chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần và chuyển vị thế các ngân hàng đang là chủ nợ thành cổ đông lớn, cổ đông nắm đa số cổ phần nếu nhận thấy sau tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phát triển.

Với cách làm này, sau khi chuyển đổi, các ngân hàng thương mại rất dễ dàng tìm được người mua là các nhà đầu tư chiến lược. Như vậy, với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ, DATC sẽ không trực tiếp bỏ tiền mua nợ thực hiện tái cơ cấu, mà đứng vai người dàn xếp để cổ đông và các chủ nợ tự thỏa thuận xử lý. Thực tế, sự kiện DATC vào cuộc giải cứu Bianfishco cho thấy, mặc dù, DATC chưa bỏ vốn vào Bianfishco, nhưng chính nhờ sự vào cuộc của DATC, quá trình đàm phán với các đối tác khác để mua, khoanh vùng nợ đã được thuận lợi hơn rất nhiều. Theo đó, việc tái cấu trúc do DATC hoạch định. SHB cùng DATC tham gia vào quản trị, điều hành mọi hoạt động tại Bianfishco, đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, kiểm soát chi phí thị trường đầu vào và đầu ra.

Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong điều kiện người cho vay và kẻ đi vay đều rơi vào thế “bí” như hiện nay, chứng khoán hóa các khoản nợ khó đòi bằng cách chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần là rất hợp lý và sự tham gia của một tổ chức trung gian như DATC là rất quan trọng. Vai trò của DATC không chỉ là tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp mà còn đảm bảo minh bạch và công khai thông tin để các cổ đông và xã hội giám sát. Cùng với đó, DATC sẽ tham gia cơ cấu, giám sát lại hoạt động của doanh nghiệp. Một khía cạnh khác, với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ DATC tiếp tục đàm phán với các ngân hàng khác để tiến hành mua nợ, hoặc mời chào họ góp vốn vào doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Phạm Thanh Quang, Tổng Giám đốc DATC cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp “chết” lâm sàng vì những khoản nợ đan chéo nhau, vai trò xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC là rất quan trọng, nhất là doanh nghiệp và người nông dân nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cứu Long. Nhưng với số vốn và cơ chế, chính sách như hiện nay, DATC khó có thể cứu được họ. Do vậy, DATC cần sự hợp tác tích cực hơn nữa từ phía ngân hàng. Họ phải vào cuộc như SHB đã làm với Bianfishco thời gian qua.

Ngoài ra, để tiến trình chứng khoán hóa thành công, trong vai trò đồng chủ nợ các khoản nợ xấu tại một doanh nghiệp nào đó, các ngân hàng thương mại cần tích cực nâng cao tính cộng đồng hơn nữa, phối hợp cùng tổ chức chuyên về xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp. Song song với đó, Nhà nước cần khuyến khích các ngân hàng thật sự mạnh mua lại những ngân hàng yếu kém, miễn các loại thuế GTGT, TNDN... cho các hoạt động mua bán nợ nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ.

Đồng thời, VAFI kiến nghị, thúc đẩy tiến trình chứng khoán hóa các khoản nợ giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, tăng tính ổn định trong việc huy động vốn cho hệ thống NHTM, nhanh chóng có nhiều giải pháp hữu hiệu để phá băng thị trường bất động sản và cơ cấu lại phân bổ ngân sách cho năm 2013 theo hướng tăng chi ngân sách cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.

Như vậy, thực tế Việt Nam hiện tại, rõ ràng chứng khoán hóa các khoản nợ là gợi mở giúp ngân hàng xử lý triệt để các khoản nợ khó đòi. Tuy nhiên, trong điều kiện nghiệp vụ tái cơ cấu của ngân hàng còn nhiều hạn chế, để chứng khoán hóa thành công các khoản nợ, ngân hàng cần phối hợp với một tổ chức chuyên về xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp như DATC. Đây là hướng đi mới giúp xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp nhanh nhất, hiệu quả nhất.