Chuyển biến tích cực từ kinh doanh

Sơn Long

(Tài chính) Sau nhiều năm làm ăn, kinh doanh thua lỗ, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đua nhau báo lãi. Các DN niêm yết trên sàn vẫn đang tích cực báo cáo doanh thu và lợi nhuận với nhiều điểm sáng tích cực. Qua những số liệu từ hoạt động kinh doanh đến năng lực cạnh tranh, bán hàng và thị trường, đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, nổi bật là doanh thu tăng mạnh dẫn đến các khoản lợi nhuận đột biến.

Chuyển biến tích cực từ kinh doanh
Nhiều DN đã đua nhau báo lãi. Nguồn: internet

Công ty Đại lý liên hiệp vận chuyển (GMD) vừa công bố báo cáo tài chính quý II ghi nhận lãi trước thuế đạt 550 tỷ đồng, tăng gấp 46 lần và hoàn thành đến 90% kế hoạch năm.

Cụ thể, doanh thu thuần DN tăng 15%, mạnh hơn mức tăng của giá vốn (10%) đã giúp cho lãi gộp đạt 153 tỷ đồng, tăng 35%. Doanh thu tài chính đột ngột nhảy vọt lên 591 tỷ đồng, tăng gấp 58 lần so với cùng kỳ năm trước. Chính nguồn thu khổng lồ này đã đem về lãi ròng 543 tỷ đồng, tăng gấp 46 lần. Đây là mức lợi nhuận lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Đột biến doanh thu và lợi nhuận

Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, GMD đã hoàn thành cơ bản kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2014 với 600,5 tỷ đồng, riêng quý II đã chiếm 90%. Lãi ròng cổ đông công ty mẹ đạt 582,8 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước.

GMD cũng có khoản tiền tương đương là 1.364 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Công ty đã chuyển nhượng khoản đầu tư BĐS đầu tư trị giá 215 tỷ đồng và góp vốn vào đơn vị khác lên đến 807 tỷ đồng.

Lãnh đạo của Công ty CP Ôtô TMT (TMT) đã từng nhận định thị trường sẽ khởi sắc trong năm nay và kết quả kinh doanh của công ty cũng khẳng định sự đúng đắn của nhận định đó. Trong kỳ, công ty đã đạt lãi ròng 9,8 tỷ đồng, đưa lũy kế 6 tháng đạt 19,2 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch năm đến 262%.

Với doanh thu bán hàng ôtô cải thiện, dòng tiền đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước, khi đạt 261,6 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán có mức tăng tương đương với doanh thu, lợi nhuận gộp đạt 30,4 tỷ đồng, tăng 96%. Chi phí tài chính cũng thay đổi đáng kể khi tăng 49%, lên 3,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí lãi vay giảm đến 85%, còn lại 321 triệu đồng, cùng với chi phí bán hàng cũng giảm được 21%. Qua đó, TMT có được mức gia tăng doanh thu cao trong khi một số chi phí trong kỳ có mức tăng thấp hoặc giảm đáng kể.

TMT đã đề ra kế hoạch lợi nhuận năm chỉ ở mức 5,3 tỷ đồng, chỉ sau 2 quý lợi nhuận tiếp tục gia tăng góp phần đưa lãi lũy kế 6 tháng lên 19,2 tỷ đồng, vượt 262% kế hoạch năm, tức là gấp 3,6 lần.

Một số lo ngại là hàng tồn kho tăng lên 480 tỷ đồng, tương đương 56% tổng tài sản. Nợ ngắn hạn tăng lên đáng kể từ 186,4 tỷ đồng lên 505,4 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào khoản phải trả người bán tăng vọt lên 377,9 tỷ đồng, chiếm 75% nợ ngắn hạn. Với nợ dài hạn và vốn chủ sở hữu không thay đổi nhiều, việc gia tăng nợ ngắn hạn làm tổng nguồn vốn tăng hơn 60%, lên 852,3 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2014 với kết quả đạt được khá ấn tượng so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm 2014, MPC đạt doanh thu hơn 6.244 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh từ quý II/2014 đóng góp gần 3,452 tỷ đồng.

Chính nhờ vậy, lãi gộp của MPC trong giai đoạn này tăng hơn gấp 2 so với cùng kỳ, đạt 933 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt tăng 56% và 37% so cùng kỳ, doanh thu tài chính tăng nhẹ 11%, đạt 49 tỷ đồng trong khi chi phí lãi vay giảm 36%, chỉ còn 81 tỷ đồng.

Kết quả, MPC ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng đầu năm hơn 506 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần cùng kỳ và vượt 4% kế hoạch cả năm 2014. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ MPC đạt gần 368 tỷ đồng, gấp 15 lần so với 6 tháng đầu năm 2013.

Kỳ vọng bứt phá?

Sau kết quả kinh doanh khá ấn tượng, MPC cũng cho thấy sự biến động mạnh về tình hình tài chính công ty vào cuối quý II. Cụ thể, các khoản tiền và tương đương tiền của MPC "hụt" 1.814 tỷ đồng so với đầu năm khi chỉ còn gần 186 tỷ đồng.

Trong đó, khoản tương đương tiền 1.941 tỷ đồng hồi đầu năm đã hoàn toàn biến mất. Ngược lại, đầu tư ngắn hạn cuối kỳ lại tăng gần cả ngàn tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là do 1.126 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 3 tháng đến 1 năm.

Đáng chú ý hơn, giá trị hàng tồn kho của MPC tính đến 30/06 tăng vượt bậc so với thời điểm đầu năm khi ở mức 4.728 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho thành phẩm hàng hóa tăng hơn 2.400 tỷ đồng, ở mức 4.404 tỷ đồng. Thêm vào đó, vay và nợ vay ngắn hạn của MPC cuối quý II/2014 cũng tăng thêm cả gần ngàn tỷ đồng so với đầu năm, ở mức 5.653 tỷ đồng.

Cổ phiếu RAL của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng có những điểm sáng trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, doanh thu thuần đạt mức tăng 37% cho kỳ quý II và 25% cho kỳ 6 tháng lên lần lượt là 556 tỷ đồng và 1.257 tỷ đồng.

Hay như Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) cũng đạt doanh thu thuần 824,67 tỷ đồng tăng 17,22% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ trọng giá vốn trong doanh thu thuần lại tăng cao khiến lợi nhuận gộp quay đầu giảm 19,3% xuống còn 209,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần đạt 1.257,84 tỷ đồng tăng 11,26%.

Một DN ngành BĐS khác là Licogi 16 (LCG), sau nhiều quý lỗ "liểng xiểng", đến quý II/2014, tình hình kinh doanh khả quan hơn hẳn với lợi nhuận sau thuế đạt 12 tỷ, 6 tháng đầu năm đạt 12,2 tỷ.
Có được kết quả này trước hết là do sự tăng vọt của doanh thu quý II là 230 tỷ, tăng 292% so với cùng kỳ. Tập đoàn Tân Tạo (ITA) cũng bất ngờ đạt doanh thu thuần 111 tỷ đồng quý II, tăng 143% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu 161 tỷ đồng doanh thu 6 tháng đầu năm (hơn gấp 4 lần cùng kỳ), mảng doanh thu bán lô đất và cơ sở hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 92 tỷ đồng; doanh thu cho thuê tài chính nhà xưởng, kho bãi và văn phòng đạt hơn 60 tỷ đồng.

Như vậy, có rất nhiều DN đã công bố kết quả kinh doanh với những điểm sáng tích cực. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh là cơ hội để DN bứt phá trong thời gian tới.