Chuyên gia ngoại nói gì về tiềm năng dịch vụ cho thuê và bán lẻ tại Việt Nam?

PV.

(Tài chính) Nhân chuyến công tác tại châu Á, ông Mark Burlton – Giám Đốc Toàn Cầu Dịch vụ Cho thuê & Tư vấn Bán lẻ của Cushman & Wakefield đã có những chia sẻ với báo giới về tiềm năng dịch vụ cho thuê và bán lẻ, đặc biệt sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phóng viên: Thưa ông, khủng hoảng thế giới có ảnh hưởng nào tới ngành bán lẻ trên toàn thế giới nói chung và châu Á, Đông Nam Á nói riêng?

Chuyên gia ngoại nói gì về tiềm năng dịch vụ cho thuê và bán lẻ tại Việt Nam? - Ảnh 1
Ông Mark Burlton
Giám Đốc Toàn Cầu Dịch vụ Cho thuê & Tư vấn Bán lẻ của Cushman & Wakefield
Ông Mark Burlton: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu ít nhiều đã tạo ra biến động trên thị trường bán lẻ trong vòng 5 năm qua. Tại nhiều quốc gia, các khu vực bán lẻ vị trí trung tâm tăng dần giá thuê và lợi nhuận trong khi tại các khu vực bán lẻ vị trí ít đắc địa hơn, giá thuê và lợi nhuận giảm đi trông thấy. Các nhà bán lẻ không còn nhu cầu duy trì số lượng cửa hàng lớn như trước đây tại quốc gia của mình, thay vào đó, họ tìm kiếm cơ hội mở cửa hàng trên thị trường quốc tế, trong đó chắc chắn có châu Á. Hiện nay, một số lượng ổn định các nhãn hàng quốc tế từ phương Tây tiếp cận thị trường châu Á. Thường thì Trung Quốc, thị trường bán lẻ tiềm năng nhất, sẽ được họ tiếp cận đầu tiên. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, chúng tôi cũng tư vấn cho khách hàng các quốc gia tiềm năng khác như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kong.

Khủng hoảng tài chính chắc chắn có những tác động ảnh hưởng nhất định, nhưng phía chúng tôi vẫn thấy có những tác động tích cực giúp điều chỉnh thị trường. Các nhà bán lẻ, đặc biệt là các công ty cổ phần đứng trước thách thức mở rộng kinh doanh và gia tăng giá trị cho cổ đông. Không thể làm được điều này trong thị trường nội địa cạnh tranh cao như Mỹ, họ tìm đến những môi trường tiềm năng hơn như châu Á. Khó khăn trong quá trình tiếp cận thị trường châu Á là rất nhiều: khoảng cách địa lý, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, thói quen mua sắm… Nhưng chỉ cần họ vượt qua những rào cản này và bước đầu mở chi nhánh tại các thành phố chính như Hồng Kong, họ sẽ có cơ hội mở rộng thị trường ra toàn vùng.

Theo ông, các nhà bán lẻ nước ngoài gặp phải khó khăn gì khi tiếp cận thị trường Việt Nam?

Mở rộng kinh doanh tại một thị trường mới chưa bao giờ là một điều đơn giản, quá trình này đòi hỏi tiêu tốn nhiều đầu tư về tài chính, thời gian và công sức. Nếu bạn là một nhà bán lẻ có thương hiệu tại Anh, Pháp, Ý, Mỹ, bạn hoàn toàn có thể tự tin truyền tải phong cách và ấn tượng đó cho mọi người dùng trên thế giới mà không phải để ý đến nhiều chi tiết nhỏ lẻ như kích cỡ, màu sắc…Tuy nhiên, bạn cần phải xác định độ cạnh tranh của Thương hiệu mình có so với thị trường, chọn chuỗi cung ứng hợp lý và lên khung giá cả phù hợp. Nhiều thương hiệu ra thị trường quốc tế luôn đề cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, họ cần phải hợp lý hóa giá bán với thực tế mức tiêu dùng của từng quốc gia.

Về phía Việt Nam, tôi nghĩ quốc gia các bạn nên nghiên cứu lịch sử phát triển bán lẻ tại các quốc gia khác, kể cả quốc gia phát triển và đang phát triển khi họ ứng phó với các tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các nhà bán lẻ hiện nay không cần nhiều số lượng cửa hàng như trước kia. Tại các nước phát triển, hàng loạt nhãn hàng đóng cửa, thu hẹp phạm vi hoạt động. Việt Nam hoàn toàn có thể tránh được quá trình cắt giảm này bằng cách phát triển các cửa hàng đại diện tại một số thành phố chính của đất nước, đồng thời xây dựng hệ thống hỗ trợ bán hàng online với chính sách bảo mật chặt chẽ. Các thị trường phát triển đã tiêu tốn nhiều chi phí khi khai trương cửa hàng rồi phải cắt giảm sau đó. Việt Nam hoàn toàn có thể tránh được trường hợp này bằng cách hoạch định phương án phù hợp với quy mô và tiềm năng của thị trường.

Tuy nhiên, một vấn đề tại Việt Nam là có khá nhiều dự án được xây dựng liền kề nhau và vô hình chung, dự án này làm gia tăng cạnh tranh cho các dự án xung quanh khác. Khi mật độ dự án quá dày đặc, thì rõ ràng, điều này không có lợi cho ai cả. Việt Nam từ đó cũng phải xem xét lại vấn đề về quản lý quy hoạch dự án.

Một khó khăn nữa mà các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam có thể gặp phải là những khác biệt về vùng, miền, thời tiết. Hà Nội có bốn mùa trong khi TP. Hồ Chí Minh có hai mùa. Những sản phẩm phục vụ cho mùa đông tại TP. Hồ Chí Minh hầu như rất ít được tiêu thụ. Khi một nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam, họ thường mở theo chuỗi thay vì mở một hay hai cửa hàng nhỏ lẻ. Quá trình tìm kiếm và sở hữu một chuỗi các mặt bằng vị trí tốt là việc khó khăn. Chất lượng dự án tại Việt Nam nói chung không được đồng đều. Việt Nam không có nhiều dự án tốt để các nhà bán lẻ có thể lựa chọn. Đây là những vấn đề mà các nhà bán lẻ khi đến Việt Nam phải đối mặt. 

Năm 2015, khi Việt Nam chính thức mở cửa 100% thì liệu các nhà bán lẻ nước ngoài có tràn vào thị trường Việt Nam và tạo ra hiệu ứng gì không, thưa ông?

Năm 2015, việc Việt Nam mở cửa 100% sẽ tạo ra động thái tích cực cho thị trường bán lẻ và khuyến khích các nhà bán lẻ giao dịch trực tiếp tại thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng hiện nay vô cùng thông minh. Họ hoàn toàn có thể kiểm tra thông tin sản phẩm trên website. Rõ ràng họ sẽ không cảm thấy hài lòng nếu như mua cùng một sản phẩm mà giá cả lại đắt hơn từ 20% đến 30%. Khi các nhà bán lẻ nước ngoài có cơ hội kinh doanh trực tiếp tại Việt Nam, họ sẽ có chính sách giá cả nhất quán hơn là khi họ thông qua các nhà phân phối trong nước. Đặc biệt, chúng ta có thể thấy sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội tốt cho các nhà bán lẻ quốc tế tham gia vào thị trường. Chúng tôi hi vọng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam họ sẽ đón nhận những thương hiệu mới này.

Trong thời gian qua, Cushman & Wakefield có nhận được đơn đặt hàng nào từ các đối tác bán lẻ quốc tế mong muốn mở cửa tại Việt Nam hay không?

Thực tế là không có quá nhiều yêu cầu từ phía khách hàng mong muốn mở cửa cụ thể tại thị trường Việt Nam. Nhiều thương hiệu quốc tế khác đang tập trung vào thị trường Trung Quốc, một thị trường lớn hơn. Mục đích chuyến đi của tôi lần này là tìm hiểu Việt Nam và sau đó, khi trở lại Anh, làm việc với văn phòng của Cushman & Wakefield tại khắp mọi nơi trên Thế giới, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm về thị trường Việt Nam bởi với việc thay đổi chính sách năm sau sẽ là một cú hích quan trọng cho tiềm năng của Việt Nam và Cushman & Wakefield phải bảo đảm chia sẻ thông tin này cho các nhãn hàng quốc tế.

Theo ông, xu hướng sắp tới của các nhà bán lẻ thế giới khi gia nhập thị trường Việt Nam là gì?

Quá trình để Việt Nam có thể đi tới mở cửa hoàn toàn là một quá trình lâu dài. 90% các thương hiệu hiện có mặt tại Việt Nam đều được thông qua các nhà phân phối trong nước. Các nhà bán lẻ thế giới từ đó cần phải có một lộ trình nhất định. Thực tế thì về mặt lợi nhuận thì đầu tư trực tiếp vẫn mang về lợi nhuận nhiều hơn là thông qua đối tác nội địa. Theo tôi thì họ sẽ đi theo lộ trình, đầu tiên họ có thể cần đối tác nội địa, nhưng càng về sau, khi môi trường đã thông thoáng hơn, họ có xu hướng đầu tư trực tiếp nhiều hơn.

Với các thị trường chưa phát triển như Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng các nhà bán lẻ địa phương đứng trước nhiều khó khăn nếu nhiều nhà bán lẻ quốc tế gia nhập. Ông có đồng ý với ý kiến này không?

Một điều khá quan trọng nên lưu ý là khi Việt Nam chính thức tham gia TPP, các nhà bán lẻ nước ngoài cũng không thể ngay lập tức tiếp cận và làm thay đổi toàn bộ cục diện. Các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ tăng dần mối quan tâm. Người dân Việt Nam sẽ dần trải nghiệm những thay đổi và xem xét những thay đổi này là tích cực hay là tiêu cực. Theo tôi, những nhà bán lẻ thông minh là những người biết ước lượng tiềm năng của thị trường Việt Nam và tận dụng lợi thế người đi tiên phong, dẫn đầu thị trường. Việt Nam cũng có thể nhìn vào trường hợp tương đồng là Ấn Độ. Ấn Độ đang trong quá trình thay đổi dần môi trường đầu tư trực tiếp. Tương tự như vậy, Việt Nam cũng cần phải có một quá trình thay đổi dần dần. Khi hội nhập hoàn toàn, người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận với hàng loạt nhãn hàng quốc tế, lựa chọn chất lượng và giá cả hàng hóa cho họ cũng đa dạng hơn. Những nhà bán lẻ trong nước, từ đó cũng phải nâng cao tính cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Quá trình thay đổi này sẽ bắt đầu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh rồi lan rộng ra toàn đất nước.

Tại Việt Nam có khá nhiều các nhà bán lẻ châu Á lớn gia nhập như Aeon, Lotte mà ít các nhà bán lẻ từ châu Âu, châu Mỹ…Nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Có phải do các nhà bán lẻ châu Á am hiểu thị trường Việt Nam hơn không?

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do tương đồng về văn hóa, am hiểu thói quen mua sắm và hoạt động logistic thuận lợi hơn so với các khu vực khác. Đây là một điều vô cùng dễ hiểu.

Trong tương lai, ông và Cushman & Wakefield có kế hoạch nào cụ thể để hỗ trợ thị trường bán lẻ Việt Nam không?

Tại Cushman & Wakefield, chúng tôi có hơn 900 chuyên gia bán lẻ làm việc tại hầu hết các thành phố chính trên thế giới. Trên cương vị là Giám đốc Tư vấn Cho thuê Mặt bằng Bán lẻ toàn cầu, tôi có nhiệm vụ đảm bảo đội ngũ bán lẻ chúng tôi luôn hợp tác và chia sẻ nhằm hỗ trợ khách thuê bán lẻ có mong muốn kinh doanh tại Việt Nam. Sau chuyến công tác này, chúng tôi hi vọng sẽ cung cấp thông tin về Việt Nam đầy đủ hơn, góp phần tăng thiện cảm nhà đầu tư với thị trường bán lẻ Việt Nam hơn. Chúng tôi có một đội ngũ tư vấn bán lẻ khá vững chắc tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Với sự hỗ trợ của Bộ phận Bán lẻ toàn cầu, đội ngũ bán lẻ năng động và chuyên nghiệp này sẽ mang về Việt Nam nhiều thương hiệu hơn.

Xin cảm ơn ông!