Cơ cấu lại nguồn thu từ dịch vụ ngoại hối để tăng lợi nhuận

Theo Khuê Nguyễn/thoibaonganhang.vn

Thay vì cạnh tranh trực tiếp hiện đã có ngân hàng chọn cách liên kết với những ngân hàng ngoại, đặc biệt là ngân hàng thuộc tập đoàn đa quốc gia - có lợi thế mạnh về ngoại hối. Từ đó có thể hỗ trợ cho các ngân hàng tại thị trường Việt Nam cung ứng nhiều dịch vụ tiện ích.

 Cạnh tranh quyết liệt buộc các NH Việt phải có sự chuyển dịch trong cơ cấu nguồn thu để tăng lợi nhuận, giảm rủi ro. Nguồn: internet
Cạnh tranh quyết liệt buộc các NH Việt phải có sự chuyển dịch trong cơ cấu nguồn thu để tăng lợi nhuận, giảm rủi ro. Nguồn: internet

Gần đây nhiều ngân hàng thương mại đã xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bổ sung hoạt động “kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế trong phạm vi do NHNN quy định”. Không chỉ các ngân hàng lớn mà cả các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ cũng nuôi tham vọng sẽ cải thiện, cơ cấu lại nguồn thu từ dịch vụ ngoại hối. 

Hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ vừa gia nhập lĩnh vực này sau khi được NHNN cấp phép cuối tháng 10/2017 như: NCB, Eximbank, SeABank, Viet Capital Bank. Trước đó, VietBank, BaoVietBank, HDBank, CitiBank, N.A - Chi nhánh TP. HCM cũng được NHNN bổ sung hoạt động kinh doanh ngoại hối tương tự.

So với các ngân hàng ngoại, nếu không kể Vietcombank - vốn đã trở thành "lão làng" trong lĩnh vực này, thì còn lại hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đều khá non trẻ trong kinh doanh ngoại hối. Vì đây vốn chỉ là mảng làm thêm, có thêm để tăng số lượng loại dịch vụ mà một ngân hàng có thể cung cấp. Việc này phần nào cũng từ lý do khách quan. Theo chia sẻ của một chuyên gia kinh tế, thời điểm năm 2007 - 2008, các ngân hàng cũng đã manh nha có những sự chuyển dịch sang thu từ dịch vụ song chưa phát triển mạnh.

Đơn cử như việc muốn tăng nguồn thu từ thẻ thanh toán cũng đã rất khó khăn, khi số lượng thẻ tại Việt Nam lúc đó quá thấp. Còn nếu tăng thu từ kinh doanh ngoại hối thì rủi ro cũng không phải ít. Vì khi đó tính găm giữ, đầu cơ trên thị trường thường xuyên diễn ra. 

Chưa kể sự lũng loạn của thị trường tự do, dù với giá trị giao dịch nhỏ cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người tham gia thị trường chính thức. Vì thế nếu không "tỉnh" các ngân hàng sẽ rơi vào bẫy tỷ giá. Thời điểm đó cũng có một số ngân hàng muốn tăng thu từ dịch vụ nói chung và dịch vụ ngoại hối nói riêng nhưng do thị trường chưa phát triển, nhu cầu của khách hàng chưa nhiều...

Tuy nhiên, với sự vận động, xu hướng phát triển của thị trường đã buộc các ngân hàng thương mại phải thay đổi. Bởi việc giao thương giữa các nước ngày càng mở rộng theo xu hướng toàn cầu hóa. Việc chỉ bó hẹp trong các sản phẩm, dịch vụ liên quan VND sẽ khiến các ngân hàng mất đi nhiều cơ hội tăng nguồn thu, xây dựng thương hiệu... 

Chưa kể, những năm gần đây các ngân hàng thương mại nhận thấy rõ hơn những rủi ro, thậm chí là tự đẩy mình vào thế khó nếu chỉ “thâm canh” tín dụng. Trong khi đó, nhu cầu của khách hàng về các dịch vụ thanh toán nói chung, dịch vụ ngoại hối nói riêng ngày càng tăng.

Những năm trước, mảng kinh doanh ngoại hối chỉ dành cho những ngân hàng lớn, nhưng hiện lĩnh vực này cũng được các ngân hàng hạng trung và nhỏ bắt đầu triển khai. Đây có thể nói là bước tiến với các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt trong thời gian 5 năm trở lại đây. 

Bên cạnh đó, sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực, thị trường đã dần đi vào nền nếp, tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ đã giảm thiểu đáng kể. Không những thế, cơ chế điều hành tỷ giá mới của NHNN cũng đã khiến việc "tạo sóng" để đầu cơ kiếm lợi trở nên bất khả thi. 

Việc doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ ngoại hối chính thống do các ngân hàng thương mại cung cấp dần trở nên phổ biến hơn. Do đó gần đây dịch vụ thẻ thanh toán, các sản phẩm phái sinh ngoại hối... dần dần được người dân ý thức sử dụng nhiều hơn.

Cầu tăng thì ắt có cung. Nếu thời gian trước một số ngân hàng chưa mạnh dạn trong lĩnh vực này, chỉ mua bán theo đơn đặt hàng của khách hàng thì hiện nay, các ngân hàng luôn ngấm ngầm "canh chừng" nhau. 

Khi thấy một ngân hàng A làm được, ngân hàng B làm được thì tự khắc sẽ thôi thúc các ngân hàng khác phải tìm hiểu, nhanh chóng đưa ra sản phẩm, dịch vụ tương tự. Ngoài các dịch vụ truyền thống như giao dịch hối đoái giao ngay, giao dịch hối đoái kỳ hạn, nhiều ngân hàng đã cung cấp các sản phẩm phái sinh như: hoán đổi ngoại tệ, quyền chọn ngoại tệ, giao dịch ngoại hối tương lai...

Việt Nam hội nhập sâu hơn với quốc tế khiến hoạt động thanh toán quốc tế được mở rộng, kinh doanh ngoại hối có điều kiện phát triển. “Nói như vậy để thấy không chỉ ngân hàng nội cạnh tranh với ngân hàng ngoại, giữa ngân hàng nội với nhau mà quan trọng là tăng trưởng lợi nhuận bền vững. 

Để tín dụng “gánh” quá nặng, chạy theo tăng trưởng cho vay thì cũng đồng nghĩa ngân hàng phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn so với thu từ dịch vụ...", lãnh đạo một ngân hàng thương mại bày tỏ.

Với năng lực tài chính, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư lớn, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào... các ngân hàng ngoại có nhiều lợi thế hơn ngân hàng Việt trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngoại hối. Đây cũng là thách thức đặt ra đối với hệ thống ngân hàng Việt trong khai thác mảng kinh doanh này.

Thay vì cạnh tranh trực tiếp hiện đã có ngân hàng chọn cách liên kết với những ngân hàng ngoại, đặc biệt là ngân hàng thuộc tập đoàn đa quốc gia - có lợi thế mạnh về ngoại hối. Từ đó có thể hỗ trợ cho các ngân hàng tại thị trường Việt Nam cung ứng nhiều dịch vụ tiện ích. Đó cũng là một cách để tồn tại, phát triển trong xu hướng toàn cầu hóa vẫn còn được nhiều nước duy trì như hiện nay.