Cổ đông VCC đề nghị “rút” Chủ tịch HĐQT

Theo Pháp luật Việt Nam

Cổ đông Tô Dương Hải, nguyên Giám đốc Chi nhánh miền Nam công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC), hiện sở hữu 18.000 cổ phiếu doanh nghiệp, vừa có đơn “tố” ông Lê Quang Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của VCC “điều hành không hiệu quả trong khi lại chuyên quyền, khuất tất”.

Cổ đông VCC đề nghị “rút” Chủ tịch HĐQT
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tự đề cử chính mình

Theo cáo buộc của ông Hải, năm 2010, VCC tham gia thành lập công ty cổ phần Tư vấn xây dựng đầu tư Dầu khí (PCIC) với số tiền góp là 6 tỷ đồng, theo Nghị quyết số 567/NQ-DKVN, ngày 08/03/2010 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ngày 23/03/2010 VCC mới nhận được công văn số 24/TVXD-HĐQT (đề ngày 19/03/2010) của công ty mẹ là Tcông ty Tư vấn Việt Nam (VNCC) đồng ý về mặt chủ trương cho phép người đại diện phần  vốn Nhà nước tại VCC biểu quyết góp vốn để trở thành cổ đông sáng lập PCIC.

Thế nhưng, dường như không muốn bỏ lỡ cơ hội chỉ vì nhân viên văn thư, ngay trong ngày 19/3/2010, thay mặt HĐQT, ông Đạo đã ký nghị quyết và ngày 22/03/2010 ký quyết định số 03/QĐ-HĐQT cử chính mình trực tiếp đứng danh là cổ đông sáng lập PCIC(?!)

Sự “sốt sắng” một cách khó hiểu của sếp khiến không ít thuộc cấp thắc mắc. Do vậy, tại đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 28/4/2011, ông Tô Dương Hải đã có văn bản chất vấn về việc “tự đề cử” trên: Chủ tịch HĐQT là người giữ trọng trách quản lý phần vốn nhà nước tại VCC, liệu có được tham gia vào HĐQT công ty khác không?.

Tại sao lại ra quyết định đầu tư trước khi nhận được công văn của VNCC? Tại sao lại không lập và thẩm định đề án đầu tư?. Lương, thù lao PCIC trả cho ông Đạo là bao nhiêu?.... Trả lời tại đại hội, ông Lê Quang Đạo, ngoài việc khẳng định không nhận bất cứ một khoản tiền nào từ PCIC thì các nội dung khác đều mập mờ, cố tình lảng tránh.

Thế nên, rồi việc gì đến cũng phải đến. Tháng 8/2011, VCC đã có công văn xin thoái vốn khỏi PCIC, nhưng đến nay chưa thu hồi được. Ông Vũ Ngọc Thanh, Tổng giám đốc VCC sẽ nghỉ hưu vào đầu tháng 5 tới, ông Đạo sang năm cũng sẽ nghỉ hưu, “di sản” để lại rồi không biết bao giờ được xử lý.

Khuất tất “chọn” tổng giám đốc   

Đơn kiến nghị của ông Tô Dương Hải còn còn dẫn sự kiện ông Lê Quang Đạo tự ý “chọn” tổng giám đốc mới đây để cáo buộc “cách hành xử không minh bạch và thiếu dân chủ đã trở thành hệ thống” tại VCC. Theo các chứng cứ của nguyên Giám đốc Chi nhánh miền Nam, Chủ tịch HĐQT VCC đã làm sai quy trình bổ nhiệm Tổng giám đốc khi  đơn phương làm tờ trình xin công ty mẹ VNCC chuẩn y trước, sau khi “thăm dò” được ý kiến đồng thuận, mới tổ chức họp HĐQT (ngày 19/02/2013) để mang tính chất thông báo.

Vì tổ chức họp Đảng ủy và HĐQT không đúng với qui trình và điều lệ của VCC về bổ nhiệm Tổng giám đốc nên ông Cao Tuấn Hải, Phó Tổng giám đốc VCC đã có đơn kiến nghị Đảng ủy VCC. Tại hội nghị cán bộ lãnh đạo VCC diễn ra ngày 20/3/2013, chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Xây dựng) đã xác nhận sự việc này.  Quyết định bổ nhiệm ông Trần Huy Ánh – từ Phó tổng giám đốc lên làm Tổng giám đốc VCC vì vậy cần được làm rõ.

Không hoàn thành thì điều chỉnh kế hoạch

Chủ tịch HĐQT là người “cầm trịch” và chịu trách nhiệm chính về nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh, thế nhưng, cáo buộc của ông Tô Dương Hải và một số cổ đông VCC cho rằng, đối lập với sự sự “chuyên quyền” trong nội trị doanh nghiệp, ông Lê Quang Đạo đã thể hiện một vai trò khá mờ nhạt trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Điển hình như năm 2012, trước nguy cơ không hoàn thành kế hoạch sản xuất năm theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, để đối phó, ông Đạo đã vội vàng điều chỉnh kế hoạch từ 113 tỷ xuống còn 80 tỷ vào ngày 22/12/2012.

“Đã đến lúc Bộ Xây dựng và các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tư pháp, cơ quan chống tham nhũng, thực hiện nghiêm túc tinh thần Nghị quyết 4 của Đảng đối với trường hợp VCC, làm rõ những kiến nghị về sai phạm trước khi diễn ra đại hội đồng cổ đông năm 2013 để tránh gây thiệt hại cho quyền lợi của Nhà nước cũng như quyền lợi các cổ đông và người lao động” – đơn của Tô Dương Hải, nói rằng đại diện cho một số cổ đông, kiến nghị.

Việc cần làm trước mắt, theo các cổ đông này, là đề nghị  Tổng công ty VNCC “rút” người đại diện phần vốn nhà nước Lê Quang Đạo tại VCC vì không hoàn thành kế hoạch năm 2012. “Ông Đạo đã lĩnh lương và phụ cấp của cả hai công ty VCC và PCIC mà không hề quan tâm tới hiệu quả đầu tư”.