Có hay không làn sóng đầu tư vào các công ty tài chính?

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Với tình hình lĩnh vực tài chính ngân hàng như hiện nay, chuyên gia không thấy những ngân hàng mạnh hoặc có nguồn vốn tốt sẽ phát huy thêm giá trị đáng kể nào khi sáp nhập với công ty tài chính.

Làn sóng đầu tư vào các công ty tài chính ngày càng dâng cao… Nguồn: internet
Làn sóng đầu tư vào các công ty tài chính ngày càng dâng cao… Nguồn: internet

Có thực hay không làn sóng đầu tư vào các công ty tài chính, thị trường sẽ có những biến động gì? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông có nhiều ý kiến cho rằng, mô hình các công ty tài chính hiện nay không còn phù hợp với nhu cầu thực tế. Nếu để hút dòng vốn đầu tư, theo ông hệ thống các tổ chức công ty tài chính hay hệ thống ngân hàng sẽ chiếm ưu thế hơn?

Ông Võ Trí Thành: Những hạn chế của mô hình công ty Tài chính trực thuộc khu vực Nhà nước đang khiến các công ty này đứng trước nguy cơ buộc phải thay đổi để tồn tại. Ngay Nghị quyết của Chính phủ đã nêu rõ "Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán. Đối với các tập đoàn, tổng công ty trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh".

Hiện có tới 1/3 công ty tài chính trực thuộc các tổng công ty, tập đoàn hiện có vốn chi phối của Nhà nước. Lợi thế lớn nhất, vốn là xuất phát điểm để hình thành các công ty tài chính trực thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước là việc tận dụng vị thế "người nhà" làm đầu mối giúp thu xếp vốn và tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi giá rẻ ngay trong hệ thống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những năm gần đây, lợi thế vốn có của mô hình này đang bị thu hẹp. Bởi cơ chế thị trường phát triển mạnh cùng với sự hỗ trợ của thị trường chứng khoán đã giúp các ngân hàng chiếm ưu thế hơn.

Nếu trước năm 2007 chỉ có một vài ngân hàng có quy mô vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng, thì nay đa số ngân hàng đã có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên. 

Bản thân các doanh nghiệp (DN) cũng giảm dần mức độ phụ thuộc vào công ty tài chính trong tập đoàn, thay vào đó là mở rộng hợp tác với nhiều ngân hàng thương mại. Ví dụ, các công ty trực thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) không chỉ huy động vốn thông qua công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) - nay là ngân hàng PVCombank, mà còn bằng rất nhiều kênh khác như: phát hành trực tiếp trái phiếu, thông qua ngân hàng thương mại, huy động vốn cổ phần… Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam  (EVN), dù có công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) nhưng trên thực tế, các DN trong ngành vẫn phải tìm đến sự hỗ trợ vốn của các ngân hàng cho các dự án điện.

Vậy khả năng cạnh tranh của các công ty tài chính so với hệ thống ngân hàng thì sao? Nếu các công ty tài chính hoạt động độc lập, liệu có khả năng bứt phá không thưa ông?

Như tôi đã phân tích ở trên khả năng cạnh tranh của công ty tài chính rất thấp so với mô hình ngân hàng. Dù điều kiện thành lập "nới hơn" so với ngân hàng. Theo quy định các công ty tài chính chỉ được thực hiện một số nghiệp vụ thay vì toàn bộ các nghiệp vụ như các ngân thương mại. Điều này đã hạn chế đáng kể khả năng huy động vốn của các công ty tài chính. Các công ty tài chính đã nghĩ ra hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư… nhằm huy động tiền nhàn rỗi từ nền kinh tế. Tuy nhiên, hình thức này chỉ khắc phục được một phần sự bất lợi của mô hình công ty tài chính.

Bên cạnh đó, kênh sinh lợi thứ hai của hệ thống tài chính gặp nhiều trắc trở, đó là việc bị giới hạn tỷ lệ đầu tư. Với những công ty tài chính có quy mô nhỏ (tài sản dưới 10.000 tỷ đồng) thì sức ép để duy trì hoạt động không quá lớn, nhưng với những đơn vị có quy mô từ 10.000 -20.000 tỷ đồng trở lên, đây là giai đoạn khó khăn để có thể hoạt động hiệu quả.

Ngoài việc phải chống chọi với các khó khăn tự thân, nếu Nghị quyết của Chính phủ dường như quyết liệt, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải thoái vốn đầu tư vào các DN ngoài ngành. Có lẽ áp lực thoái vốn từ chính công ty mẹ sẽ làm mất đi lợi thế lớn nhất và gần như duy nhất của công ty tài chính trực thuộc.

Chính vì vậy, để tìm đất sống, tìm hướng đi mới một số công ty tài chính đang tìm kiếm "chỗ dựa" mới, đó hoặc là một đối tác nước ngoài, hoặc là một tập đoàn tư nhân đủ mạnh. Một hướng đi khác là công ty tài chính sẽ chuyển đổi sang mô hình ngân hàng để tăng khả năng cạnh tranh. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến làn sóng đầu tư vào các công ty tài chính ngày càng dâng cao…

Xin cảm ơn ông !