Cơ hội cơ cấu lại kinh doanh

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Khả năng cạnh tranh của DN phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí sản xuất, giá thành, vật tư nguyên liệu… Khi giá xăng dầu giảm sẽ giúp giảm các chi phí liên quan đến vận chuyển, sản xuất kinh doanh, qua đó giúp DN giảm giá thành, tăng lợi nhuận.

Cơ hội cơ cấu lại kinh doanh
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thép Việt hồ hởi cho biết, tổng kết tình hình hoạt động kinh doanh trong năm 2014, sức mua mặt hàng thép đã tăng trung bình khoảng 10%. Theo ông Thái, sở dĩ có được “sức bật” này trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn là nhờ tác động không nhỏ từ giảm giá chi phí nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá xăng dầu, điện nước, vận chuyển… khiến giá thành sản xuất giảm, kích thích sức mua tăng lên.

Chỉ chưa đầy 1 tháng tính từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng đã giảm lần thứ 2 liên tiếp, với giá xăng A92 hiện chưa tới 16.000 đồng/lít. Nếu so với thời điểm giá xăng dầu “lập kỷ lục” trong năm 2014 thì mức giá hiện tại đang tạo ra nhiều cơ hội và động lực cho các DN tiết giảm chi phí giá thành sản xuất.

Theo ông Phạm Hải Long, Giám đốc CTCP Agrex Sài Gòn, không riêng gì những DN sản xuất kinh doanh phải sử dụng, tiêu tốn trực tiếp một lượng lớn nguyên liệu là xăng dầu mới thấy được tác động rõ rệt. Đối với Agrex, DN chuyên sản xuất, xuất khẩu hàng thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chỉ chiếm vài phần trăm, nhưng mức giảm giá sâu 1/3 với mỗi lít xăng dầu thực sự tạo cơ hội giảm giá thành sản xuất đối với sản phẩm, hàng hóa của công ty.

Hàng năm, cứ vào mùa cao điểm cuối năm, DN sản xuất thủy hải sản lo nhất là việc báo tăng giá nguyên liệu đầu vào từ các nhà cung cấp thủy hải sản, do chi phí nhiên liệu tăng cao. Tuy nhiên, năm nay các DN đã hoàn toàn yên tâm vì không phải lo lắng về vấn đề này. Chính vì vậy, công ty đẩy mạnh sản xuất, giữ vững giá bán đến tay người tiêu dùng, ông Long chia sẻ.

Tìm hiểu thực tế ở nhiều hãng xe khách, vận tải, vận chuyển tại TP. Hồ Chí Minh, giá cước hiện nay đã có mức giảm trung bình 3 - 10% so với thời điểm giá xăng dầu tăng. Thậm chí, có DN còn cho biết đã phải giảm sâu gần 20% giá cước, do trước đó đã “lỡ” tăng cao. Nếu không nhanh chóng kéo tụt xuống sẽ khó cạnh tranh với những nhà vận chuyển khác.

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cũng nêu ra, nhìn chung DN kinh doanh vận tải đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước sao cho phù hợp với mức điều chỉnh giảm giá của xăng dầu. Một số DN xuất khẩu hàng hóa cũng cho biết, trong đầu năm nay DN đã nhận được những thông báo mới của các hãng tàu biển nước ngoài thông báo hạ giá cước vận chuyển. Đây là một tin vui giúp họ có thêm một khoản chi phí dôi dư bù đắp vào những khoản mục phải chi phí khác.

Thậm chí, một số nhà sản xuất còn mạnh dạn cho biết, nếu tính toán, cơ cấu được, DN có thể sẽ giảm giá thành sản phẩm bán ra nhằm tăng sức cạnh tranh, thu hút khách hàng. Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, khả năng cạnh tranh của DN phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí sản xuất, giá thành, vật tư nguyên liệu… Khi giá xăng dầu giảm sẽ giúp giảm các chi phí liên quan đến vận chuyển, sản xuất kinh doanh, qua đó giúp DN giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Nhờ đó, nguồn thu thuế thu nhập DN sẽ tăng lên bù đắp cho hụt thu ngân sách từ dầu thô.

Nhưng quan trọng hơn là người tiêu dùng sẽ là người được lợi cuối cùng không chỉ bởi giá hàng hóa sản phẩm giảm mà người dân có thể tiết kiệm được nhiều chi phí khác liên quan đến xăng dầu như đi lại, sử dụng dịch vụ...