Cơ hội của doanh nghiệp đến từ đổi mới, sáng tạo!

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, số lượng doanh nghiệp (DN) ngày càng tăng nhanh, đồng nghĩa với việc cơ hội ngày càng bị thu hẹp. Ai cũng có những ý tưởng hay, nhưng bắt tay vào khởi nghiệp và đạt được thành công từ ý tưởng của mình thì rất ít. Do vậy, nếu không thay đổi, chính DN sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường.

Đổi mới có vai trò sống còn và phát triển với mỗi DN.
Đổi mới có vai trò sống còn và phát triển với mỗi DN.

Theo ông Phạm Duy Hiếu - đại diện quỹ VSF, ở Việt Nam ai cũng có ý tưởng, nhưng tỷ lệ khởi nghiệp, bắt tay vào làm thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Trong khi đó, ở các nước phát triển có văn hóa khởi nghiệp, chỉ cần có ý tưởng họ cũng đủ dũng cảm bước ra phía trước, bởi xung quanh đã có hệ sinh thái hỗ trợ.

10% thành công,90% thất bại

Theo thống kê hằng năm, Việt Nam có thêm nhiều DN đăng ký thành lập mới. Nhưng tỷ lệ DN khởi nghiệp thành công chỉ 10%, còn 90% là thất bại.

Lý giải nguyên nhân, ông Phạm Kim Hùng - Tổng Giám đốc Tech Elite Inc, cho rằng việc chọn được thị trường tốt quyết định thành công của DN. “90% DN khởi nghiệp thất bại bởi họ chỉ nhìn vào cơ hội và lợi nhuận, mà chưa có cảm nhận về sản phẩm mình làm và đam mê dành cho nó để tìm được ý tưởng thực sự đi theo”, ông Hùng khẳng định.

Chia sẻ về cách làm thế nào để startup thành công, CEO Phạm Duy Hiếu cho rằng vấn đề mà ít người đề cập của khởi nghiệp chính là khởi nghiệp không phải là câu chuyện của một cá nhân mà là cả đội ngũ. Từ lúc có ý tưởng đến đi vào thực tế đời sống của một startup, cần rất nhiều người.

Thêm vào đó, ông Hiếu cho biết người lãnh đạo DN có vai trò cực kỳ quan trọng: “Chúng ta cứ nghĩ khởi nghiệp xuất phát từ một cá nhân, tự họ nghĩ ra ý tưởng và tự làm, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Đằng sau thành công của khởi nghiệp luôn có một nhà lãnh đạo tài ba. Chẳng hạn như đằng sau Alibaba có Jack ma, đằng sau Apple có Steve Jobs...”.

Đồng quan điểm, theo ông Phạm Kim Hùng, người lãnh đạo cần xây dựng một đội, nhóm cùng chung ý tưởng khởi nghiệp thì mới thành công được. Tuy nhiên, phải chọn được ý tưởng khởi nghiệp đủ tốt và gọi được vốn cho dự án khởi nghiệp đó. Và, điều quan trọng là có sự đam mê đối với sản phẩm làm ra.

Ông Uday Thakkar - Giám đốc điều hành Red One, cho rằng mỗi DN, ngay từ khi khởi nghiệp cần phải xác định cho mình tư duy luôn thay đổi, đổi mới để phát triển, cạnh tranh và vươn xa hơn nữa trên con đường thành công. Không nên tập trung vào lợi nhuận, mà phát triển thương hiệu mới là yếu tố cốt lõi.

Thay đổiđể khác biệt

Theo ông Uday Thakkar, đổi mới có vai trò sống còn và phát triển với mỗi DN trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Ông cho rằng ba nền tảng của sự đổi mới là: mục đích, sứ mệnh của đổi mới (bao gồm các hoạt động củng cố, cải thiện DN, cải thiện thương hiệu và tạo động lực để thúc đẩy nhân viên); tìm kiếm sự đổi mới (sản phẩm, quy trình hay khả năng tài chính) và hàm lượng đổi mới (cường độ, ngân sách dành cho đổi mới).

Còn theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số nhiều DN ngừng hoạt động hiện nay, có một phần là DN ngừng hoạt động để đổi mới và sáng tạo. Nhưng, không thể phủ nhận số lượng DN ngừng hoạt động tương đối lớn, nhất là ngừng hoạt động không phải đổi mới và sáng tạo, đổi mới kinh doanh.

Nguyên nhân được bà Hằng chỉ ra là do DN chưa chủ động, chưa tìm được sự thay đổi phù hợp với thị trường. “Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình tạo ra sự khác biệt trong DN. Sản phẩm của DN cần phải được xây dựng trên đổi mới và sáng tạo, vì nhiều DN hiện nay cùng làm 1 sản phẩm, dịch vụ. Do vậy, sản phẩm của DN nếu không có sự khác biệt, đổi mới, giá trị gia tăng cao, sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường. Tuy nhiên, để làm được, DN phải đầu tư đổi mới, đổi mới công nghệ, thiết bị, quản lý và quy trình của mình”, bà Hằng cho biết.

Còn theo ông Hiếu, thay đổi là điều khó khăn. Bởi lẽ, người ta thường đánh giá cao những gì mình đang có và đánh giá quá thấp những gì mà họ có thể đạt được sau khi từ bỏ những gì đang có.

“Nền kinh tế nếu không có gì thay đổi, thì cơ hội cho DN sẽ ít đi, giống như nhiều con cá bơi trong một cái hồ ít đồ ăn. Thế nhưng, có con cá không tham gia vào quá trình ăn thịt nhau, mà nó tìm cách một mình một đường thông ra biển lớn. Nghĩa là có DN sẽ tìm đường đi mới, ra được biển lớn, mang lại sức sống cho mình”, ông Hiếu nói.

Về trách nhiệm của lãnh đạo DN, theo ông Hiếu, để có sự đổi mới trong DN, lãnh đạo cần dẫn dắt đội ngũ vượt qua thời kỳ khó khăn; cần để đội ngũ nhân viên nhận biết cần phải bỏ những gì và cái giá phải trả để thành công; lôi cuốn nhân viên vào trong quá trình đổi mới và sáng tạo và khơi gợi niềm đam mê.

Trong khi đó, ông Doãn Anh Tuấn, Giám đốc dự án SME - Ngân hàng VP Bank, cho rằng ý tưởng và đổi mới là câu chuyện đòi hỏi DN không ngừng nỗ lực tìm tòi.

Theo ông Tuấn, trong thế giới công nghệ liên tục thay đổi như ngày nay, những ý tưởng trước đây rất kỳ lạ, giờ đã trở thành cơ hội kinh doanh rất lớn. Vì vậy, các DN cần luôn có sự sáng tạo đổi mới hàng ngày để nắm bắt cơ hội kinh doanh cho thành công của DN.