APEC Việt Nam 2017:

Cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy thương mại, đầu tư


Với 20 hoạt động lớn, 159 cuộc họp APEC sẽ diễn ra trên 8 tỉnh, thành trong năm 2017, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nắm bắt xu thế đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế, cọ xát học tập kinh nghiệm, tiếp cận, liên kết với những đối tác thương mại đầu tư đầy tiềm năng của các nền kinh tế APEC.

Toàn cảnh buổi họp báo giới thiệu các hoạt động của doanh nghiệp trong năm APEC 2017.
Toàn cảnh buổi họp báo giới thiệu các hoạt động của doanh nghiệp trong năm APEC 2017.

Tại buổi họp báo giới thiệu các hoạt động của doanh nghiệp trong Năm APEC Việt Nam 2017 (12/1), ông Nguyễn Minh Vũ, Phó trưởng Ban thư ký APEC Việt Nam cho biết: Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, năm APEC Việt Nam 2017 sẽ tập trung vào 4 định hướng bao gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Tăng cường liên kết kinh tế khu vực; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giới thiệu về Chủ đề và định hướng ưu tiên của Việt Nam trong Năm APEC 2017, cũng như chủ trương của Chính phủ trong việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt động APEC, ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: Năm APEC Việt Nam 2017 là dấu mốc đối ngoại quan trọng của Việt Nam và hợp tác doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong APEC. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động đối thoại với các cơ quan Chính phủ, cũng như tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư với các đối tác APEC và coi đây là một trong những điểm nhấn của Năm APEC Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Vũ cho biết, với 20 hoạt động lớn, 159 cuộc họp APEC sẽ diễn ra trên 8 tỉnh, thành trong năm 2017, doanh nghiệp có cơ hội nắm bắt xu thế đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế, cọ xát học tập kinh nghiệm, tiếp cận, liên kết với những đối tác thương mại đầu tư đầy tiềm năng của các nền kinh tế APEC, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, đẩy mạnh kinh doanh, kết nối, quảng bá hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm với các đối tác then chốt, các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Từ góc nhìn của cộng đồng kinh doanh, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định: Năm APEC Việt Nam 2017 là dấu mốc đối ngoại quan trọng của Việt Nam. Đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đây cũng là những dịp tốt để nắm bắt xu thế đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế, đóng góp vào việc cải thiện môi trường hợp tác khu vực, cọ xát học tập kinh nghiệm và đặc biệt là tiếp cận với những đối tác thương mại, đầu tư đầy tiềm năng của các nền kinh tế APEC.

“Quan trọng nhất với cộng đồng doanh nghiệp là gặt hái được gì qua sự kiện này. Chúng tôi coi đây là cơ hội trực tiếp, không chỉ thể hiện sự hiếu khách, APEC là cơ hội lớn để cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy thương mại, đầu tư”, ông Lộc nói.

Thông tin tại buổi họp báo, ông Vũ Tiến Lộc cho biết: VCCI đã được Chính phủ giao chủ trì tổ chức các sự kiện và hoạt động liên quan đến doanh nghiệp, bao gồm:

Diễn đàn khởi nghiệp APEC được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC (tháng 9/2017 tại TP Hồ Chí Minh). “Diễn đàn khởi nghiệp được tổ chức nhằm đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và tăng cường đạo đức kinh doanh; là nơi gặp gỡ của các nhà khởi nghiệp hàng đầu trong khu vực và góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam. Diễn đàn dự kiến sẽ thu hút sự tham dự của 300 đại biểu Việt Nam và APEC”, Chủ tịch VCCI cho hay.

Hội nghị Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC 4 (ABAC 4) cũng sẽ diễn ra từ 4 – 7 /11/2017 tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham gia của 250 – 300 đại biểu là các thành viên của ABAC - những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực. Theo ông Lộc, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam sẽ như một sự kiện tổng lực và chuyên nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp và địa phương Việt Nam trong xúc tiến đầu tư. Tại đó, 63 tỉnh, thành trong cả nước sẽ có cơ hội gặp gỡ và giới thiệu cơ hội đầu tư và kinh doanh với các nhà đầu tư quốc tế.

Hội nghị ABAC sẽ thông qua báo cáo thường niên và các khuyến nghị của ABAC để trình lên Lãnh đạo các nền kinh tế APEC và chuẩn bị nội dung cho cuộc Đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với ABAC. Nội dung chủ yếu của hội nghị xoay quanh các vấn đề hội nhập kinh tế khu vực, tự do hóa thương mại và đầu tư, trong đó tập trung vào những vấn đề ưu tiên của Việt Nam trong năm 2017. 

Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư với Việt Nam sẽ được VCCI tổ chức trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Với chủ đề “Việt Nam – Một môi trường kinh doanh rộng mở với các FTA thế hệ mới”, Diễn đàn dự kiến được tổ chức vào ngày 8/11/2017 tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham gia của khoảng 800 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm: Lãnh đạo Việt Nam, bộ ngành, chính quyền địa phương Việt Nam, các học giả, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước; doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài. 

Một sự kiện khác là Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit 2017) sẽ được tổ chức từ 8-10/11/2017 tại thành phố Đà Nẵng. Dự kiến sẽ có sự tham gia của 1.000 đại biểu là Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn đa quốc gia, công ty hàng đầu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC và quốc tế. 

Ngoài ra, Đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với thành viên ABAC cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao tại Đà Nẵng. Hội nghị sẽ có sự tham dự của 21 Lãnh đạo các nền kinh tế APEC và 63 thành viên ABAC. Đây là dịp để ABAC đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp trình lên Lãnh đạo các nền kinh tế APEC bản Báo cáo thường niên và các khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của khu vực, và là cơ hội để Lãnh đạo các nền kinh tế APEC cùng trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, tự do hóa thương mại và đầu tư.

Tháng 11/1989, APEC ra đời với 12 nền kinh tế thành viên. Qua bốn lần mở rộng vào các năm 1991,1993, 1994 và 1998, APEC hiện gồm 21 nền kinh tế thành viên, đại diện 39% dân số thế giới, 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu (2014).