Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt chen chân vào thị trường Trung Quốc?

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều thời cơ nhưng cũng gặp không ít thách thức khi muốn thâm nhập vào thị trường đông dân nhất thế giới và có không ít thế mạnh tương đồng với Việt Nam.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt chen chân vào thị trường Trung Quốc?
Vượt qua ranh giới quốc gia để thâm nhập thị trường Trung Quốc vẫn là điều không hề dễ với nhiều doanh nghiệp Việt. Nguồn: internet

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Những hoạt động như tham gia hội chợ, triển lãm, các chương trình giao thương, kêu gọi đầu tư… ở các tỉnh, địa phương ở cả hai nước Việt Nam - Trung Quốc là cơ sở quan trọng, tạo cơ hội cho việc tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư song phương, đặc biệt là thu hút đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp khi các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường thực hiện chiến lược “hướng ra ngoài.”

Buổi giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Thiên Tân (Trung Quốc) sáng 16/4 tại Hà Nội đã có gần 40 doanh nghiệp đến từ Thiên Tân đăng ký tham gia để tìm kiếm đối tác thương mại với hàng chục doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, khai thác tài nguyên, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…

Ông Hui You Feng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hoisting Equipment Thiên Tân cho biết, qua nhiều năm nghiên cứu về thị trường Việt Nam, ông thấy Việt Nam còn thiếu khá nhiều máy móc thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp và nông nghiệp. Vì vậy, với thế mạnh về sản xuất các thiết bị máy móc công nghiệp như máy phát điện, xe cẩu, thiết bị bảo hộ… công ty ông đang tìm kiếm các đối tác Việt Nam sẵn sàng làm đại lý phân phối hoặc làm công ty sản xuất cần trục.

“Hiện chúng tôi đã tìm được một số đối tác Việt Nam bày tỏ sự quan tâm và mong muốn tìm hiểu thêm về các sản phẩm nhằm tiến tới một sự hợp tác lâu dài trong tương lai”, ông Hui You Feng cho biết.

Trong khi đó, ông Feng Gui Qi, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Thiên Tân cho biết, công ty ông hiện đang tìm kiếm các đối tác nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam nhưng do là lần đầu tham gia hoạt động giao thương doanh nghiệp giữa hai nước nên còn nhiều vấn đề chưa thông thạo lắm. 

Tuy nhiên, ông nhận thấy rằng nhiều doanh nghiệp tầm vừa và nhỏ của Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến chiến lược “hướng ra ngoài” như nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Đây chính là tiền đề để tiến tới các hoạt động hợp tác sau này.

Ở một góc độ chi tiết hơn, bà Wang Lan, Giám đốc quản trị Công ty TNHH đầu tư Thiên Tân nhận định rằng: Doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư vào Thiên Tân nói riêng và Trung Quốc nói chung. Để có thể đầu tư hiệu quả hơn, các doanh nghiệp Việt có thể lên mạng tìm hiểu về các hạng mục có thể đầu tư tại Trung Quốc trong khuôn khổ pháp luật nước này cho phép.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư Thắng Lợi cũng thừa nhận rằng cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc để cùng khai thác các tiềm năng như tài nguyên phong phú, lao động dồi dào… của Việt Nam đang ngày càng mở rộng.

 Song, những hội thảo giao thương như thế này chỉ phần nào đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin và cơ hội đầu tư, còn về hợp tác lâu dài vẫn cần những tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về đối tác cũng như những thủ tục để tiến hành hợp tác.

Tương tự với quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Gomasu bổ sung rằng: “Từ kinh nghiệm tham gia nhiều hội thảo giao thương, tôi thấy rằng các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài để giao thương cũng nên chú ý đến các doanh nghiệp trong nước cùng tham gia sự kiện vì rất có thể giữa các doanh nghiệp Việt với nhau vẫn có thể hợp tác hoặc là cầu nối hợp tác 3 bên”.

Doanh nghiệp Việt cần vượt qua nhiều thách thức

Thực tế hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. 

Và nếu có thâm nhập được thì phần lớn hàng hóa xuất khẩu đều ở dạng nguyên liệu thô, tươi sống, nhất là hàng nông sản, hàm lượng chế biến trong sản phẩm vẫn còn chưa cao; đồng thời, cũng vấp phải sự cạnh tranh không nhỏ tại chính thị trường này do trùng thế mạnh.

Thêm vào đó, rào cản về ngôn ngữ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tìm hiểu về thị trường, về nhu cầu, thị hiếu khách hàng một cách trực tiếp nhất.

Do vậy, để thâm nhập tốt thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt được những khó khăn, rào cản của thị trường, hiểu được năng lực của bản thân doanh nghiệp để đổi mới, tăng cường đầu tư sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh, phù hợp với thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, chủ động và có chiến lược thâm nhập sâu vào thị trường một cách bài bản.