Cơ hội phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam

Theo Chinhphu.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các ngân hàng tham dự Diễn đàn Ngân hàng Đông Nam Á 2013 được tổ chức ngày 19/11 tại TP. Hồ Chí Minh, cơ hội phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là rất lớn.

 Cơ hội phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam
Ánh minh họa. Nguồn: internet
Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, trong đó có một bộ phận đáng kể dân cư đang có mức thu nhập tăng nhanh hơn tại Việt Nam cũng như các nước khác ở Đông Nam Á, đang tạo ra tiềm năng cho hoạt động của các ngân hàng bán lẻ, việc tập trung phát triển lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, đang là trọng tâm chiến lược của nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính hiện nay.

Cơ hội rất lớn

Ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản, ngân hàng HSBC (Việt Nam) cho rằng phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là một cơ hội lớn cho các ngân hàng khi Việt Nam là nước có dân số đông và thu nhập của người dân ngày càng tăng.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Công, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), cho rằng các ngân hàng trong một thời gian dài chú trọng tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực đem lại lợi nhuận dễ dàng và nhanh chóng như bất động sản, chứng khoán... mà lơ là phát triển lĩnh vực bán lẻ - nơi đem lại sự phát triển ổn định nhưng lại có nhiều thách thức.

Theo đánh giá của ông Công, không chỉ riêng ngân hàng MB mà phát triển xu thế bán lẻ là xu hướng mới hiện nay của các ngân hàng. Tiềm năng và cơ hội rất lớn bởi Việt Nam có dân số đông và tri thức được đào tạo cơ bản, tiếp nhận nhanh công nghệ thông tin.

Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink, đánh giá dịch vụ ngân hàng bán lẻ ngày càng quan trọng, ngân hàng bán lẻ đang ngày càng chứng minh được vai trò của mình. Trong thị trường thanh toán hiện nay, thẻ và tài khoản ngân hàng phát triển rất lớn, tính đến tháng 6/2013 đạt gần 55 triệu thẻ, mạng lưới thanh toán rộng khắp với hơn 16.000 ATM và hàng trăm nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến.  Bên cạnh đó, các ngân hàng rất quan tâm phát triển mobile banking và Internet banking.

Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỉ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ngày càng giảm, đến nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 12%.

Hiện nay, đã có 33 triệu người Việt Nam sử dụng thương mại điện tử. Theo thống kê mới nhất của tổ chức thẻ quốc tế Visa, hơn 70% trong số đó thực hiện giao dịch thương mại điện tử. Cùng với đó, khách hàng ngày càng sử dụng nhiều thiết bị di động thực hiện các giao dịch thanh toán với ngân hàng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các lãnh đạo ngân hàng, mặc dù cơ hội phát triển ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam là rất lớn nhưng chúng ta cũng còn một số hạn chế. Hệ thống ngân hàng để phát triển dịch vụ bán lẻ phải đầu tư công nghệ lớn, trong khi các ngân hàng của Việt Nam còn bị hạn chế tiềm lực tài chính.

Các dịch vụ của ngân hàng chưa thu hút được khách hàng, chưa coi khách hàng là chủ thể và thiếu sự gắn kết bền chặt với khách hàng. Các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng của Việt Nam gần như giống nhau, quá truyền thống và không tạo được sự khác biệt để thu hút khách hàng.

Khác biệt là mấu chốt

Theo ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, vấn đề thương hiệu và sự khác biệt sẽ giúp các ngân hàng phát triển thành công thị trường bán lẻ.

Vấn đề thương hiệu và sự khác biệt của các ngân hàng có quan hệ chặt chẽ và mật thiết với nhau. Để có thương hiệu phải có sự khác biệt, và ngược lại thương hiệu là kết quả của sự phát triển khác biệt. Thương hiệu cần có thời gian, tuy nhiên các ngân hàng ngay lập tức có thể tạo ra sự khác biệt. Nếu biết kết hợp giữa 2 yếu tố ngắn hạn và dài hạn này, ngân hàng sẽ thành công.

Ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản, ngân hàng HSBC (Việt Nam), cho rằng khác biệt phải thể hiện sự sáng tạo trong cách phục vụ khách hàng, sáng tạo trong sản phẩm mang đến cho khách hàng. Đây là điều rất quan trọng, tạo tiềm năng rất lớn cho các ngân hàng Việt Nam. Sự khác biệt trong quản trị, công nghệ thông tin là yếu tố nổi trội để các ngân hàng bán lẻ cạnh tranh với nhau.

Theo quan điểm của ông Tareq Muhmood, Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ (Việt Nam), ngân hàng ANZ phát triển thị trường bán lẻ mang tính lâu dài. Ngân hàng cần quản lý được dữ liệu, thông tin khách hàng, thường xuyên tiếp nhận những phản ánh từ khách hàng. Hiện nay ANZ tại Việt Nam đã chia sẻ thông tin với khách hàng qua mạng xã hội Facebook và mạng điện thoại di động.

Ông Lê Công, Tổng Giám đốc MB cho biết, thời gian qua, ngân hàng MB đã kết nối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel để phát triển mạng lưới công nghệ với 60 sản phẩm dịch vụ chứa hàm lượng công nghệ cao. Và kết quả, trong vòng 3 năm, khối lượng giao dịch thanh toán tăng 10 lần, dịch vụ kết nối bankplus đã tạo được sự lan tỏa lớn và hiện nay MB đã chuyển giao công nghệ này cho 10 ngân hàng khác.