Cơ hội từ cổ phần hóa: Nhìn từ vụ M&A "thế kỷ"

Theo Tuyết Ân/doanhnhansaigon.vn

"Bộ sưu tập" hàng tiêu dùng tại Việt Nam của Tập đoàn TTC Holdings do tỷ phú người Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu có thêm rổ hàng bia sau thương vụ kỷ lục: gần 5 tỷ USD nắm 53,59% cổ phần Sabeco - công ty đang chi phối 41% thị trường bia Việt Nam.

Thương vụ mua SAB cũng là phiên bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này. Nguồn: internet
Thương vụ mua SAB cũng là phiên bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này. Nguồn: internet

Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) đang ở top 5 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, tương đương 9 tỷ USD theo thị giá kết thúc phiên giao dịch ngày 18/12 (309.200 đồng/cổ phiếu).

Thương vụ mua SAB cũng là phiên bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này.

Chi phối thị trường

Kết quả phiên đấu giá chiều 18/12, duy nhất Công ty TNHH Vietnam Beverage đặt mua gần như toàn bộ số cổ phần SAB chào bán dưới danh nghĩa một tổ chức (bên cạnh một cá nhân mua 20.000 cổ phần). Vietnam Beverage thành lập cách nay chưa đầy 2 tháng với tư cách pháp nhân trong nước nhắm đến mục tiêu giành được quyền chi phối trên 49% SAB khi SAB tổ chức bán đấu giá cổ phần.

Vietnam Beverage do Công ty Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100%, trong đó nhà đầu tư nước ngoài là Beerco Limited thuộc hãng bia ThaiBev của tỷ phú Thái sở hữu 49%. Theo quy định của Luật Chứng khoán, Vietnam Beverage có pháp nhân là doanh nghiệp nội địa nên không thuộc trường hợp bị hạn chế sở hữu quá 49% vốn tại SAB.

Trước đó, ngày 11/12, Bộ Công Thương công bố Vietnam Beverage đăng ký mua 25% cổ phần SAB, một tuần sau tăng lên 51% (khoảng 327 triệu cổ phiếu). Nhưng đến phút chót chốt hạn đăng ký chiều 17/12, họ đã thay đổi tỷ lệ lên mức tối đa chào bán xấp xỉ 54% SAB. Với giá đặt mua thành công bằng với giá khởi điểm chào bán 320.000 đồng/cổ phần, Vietnam Beverage sẽ chi gần 110.000 tỷ đồng (khoảng 4,85 tỷ USD) cho hơn 343 triệu cổ phần SAB.

Việc nắm quyền chi phối ở SAB cho phép công ty của tỷ phú Thái có vị thế đáng kể ở thị trường bia Việt, khi SAB chi phối 41% thị phần với sản lượng tiêu thụ xấp xỉ 1,65 tỷ lít bia trong tổng thị trường bia Việt Nam đạt 3,8 tỷ lít (năm 2016). Ước tính dung lượng thị trường bia khoảng 7,63 tỷ USD (2016), đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hóa tiêu dùng Việt Nam với hơn 40%, bỏ xa 2 mảng kế tiếp là thực phẩm và sữa có cùng tỷ lệ 15%. Bia cũng chiếm hơn 30% tổng thị trường đồ uống và hơn 90% mảng thức uống có cồn.

SAB có mạng lưới 26 nhà máy ở nhiều tỉnh - thành với tổng công suất 2 tỷ lít bia/năm, hơn 800 nhà phân phối cấp 1 và 32.000 điểm bán trên cả nước. Năm 2017, SAB đặt mục tiêu 4.703 tỷ đồng lợi nhuận ròng, trong 9 tháng đầu năm đã đạt 3.719 tỷ đồng trong tổng doanh thu 23.857 tỷ, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2016. Hãng cũng đưa ra tham vọng tăng thêm 1 - 2% thị phần mỗi năm đến 2021.

Phiên đấu giá thành công đã đưa ThaiBev nhanh chóng giữ thị phần quan trọng tại thị trường bia Việt với hàng loạt tên tuổi nước ngoài từ nhiều năm nay.

Trong đó có thể kể Heineken với các thương hiệu Heineken, Tiger, Larue... hiện đang nắm 60% tại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam trong liên doanh với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA).

Carlsberg nắm hơn 17% tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) mà theo thỏa thuận, Carlsberg được quyền ưu tiên tăng vốn sở hữu nếu Nhà nước thoái vốn khỏi Habeco.

Hãng bia Nhật Sapporo cũng đã trở thành công ty 100% vốn Nhật sau khi mua lại 29% vốn của đối tác trong nước là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Hãng bia lớn nhất thế giới AB InBev năm 2015 đã khai trương nhà máy công suất 25 triệu lít bia/năm, đưa thương hiệu Budweiser vào Việt Nam cùng với hàng loạt nhãn hiệu khác như Corona, Stella Artoise, Becks...

Hay hãng bia Thái Singha sở hữu 33% Masan Brewery sản xuất bia Sư Tử Trắng...

Lập hệ sinh thái "bao vây"

Thông qua hàng loạt thương vụ từ các công ty con và liên kết, dòng vốn của tỷ phú Thái đến nay đã rót hàng chục tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam và "bao vây" thị trường tiêu dùng, nắm giữ hệ thống phân phối và bán lẻ rộng khắp. Trước SAB, thương vụ lớn nhất cũng do Fraser&Neave thực hiện đã nâng cổ phần tại Vinamilk (VNM) lên gần 19%, nắm giữ 277 triệu cổ phiếu Vinamilk có trị giá gần 54.000 tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ USD).

Với 2 công ty lớn nhất trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, TTC Holdings tại Việt Nam dễ dàng kết hợp chặt chẽ giữa các mảng hàng hóa, bán lẻ, sản xuất và bất động sản.

Bổ sung cho vị thế của họ tại SAB hay VNM còn có vị trí quan trọng của Berli Jucker (BJC) - một nhánh kinh doanh đa ngành trong hệ thống TTC. BJC có mặt tại Việt Nam từ rất sớm và hiện đang thống lĩnh sản xuất lon nhôm và chai thủy tinh phục vụ ngành đồ uống ở các công ty thành viên như BJC Glass Vietnam, Malaya Vietnam Glass, TBC-Ball Vietnam... Hiện nay những thương hiệu hàng hóa từ BJC hiện diện khắp các siêu thị Việt Nam như giấy vệ sinh Cellox, đậu phụ Ichiban.

Những bước đi của tỷ phú Thái là sự kết hợp thành công với những tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam khi từ năm 2010, họ kết hợp với Owen Illinois (Mỹ) - một thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất bao bì - trong thương vụ thâu tóm Công ty CP Fraser&Neave chuyên sản xuất thực phẩm và nước giải khát tại Singapore và trở thành đối tác của Sabeco trong Công ty Bao bì thủy tinh Malaya Việt Nam (MVG). Bước tiếp theo là cùng với Tập đoàn Ball - một nhà sản xuất vỏ lon hàng đầu thế giới thành lập Công ty TNHH Lon nước giải khát TBC-Ball Việt Nam với công suất thiết kế đến 750 triệu lon/năm.

Thông qua TCC Land, TCC Holdings cũng hoàn tất mua hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với giá trị tương đương 710 triệu USD và đổi tên thành MM Mega Market Vietnam. Hệ phân phối bán lẻ được khép chặt khi trước đó BJC cũng đã mua lại Phú Thái Group để phát triển Bs Mart, đẩy chuỗi cửa hàng tiện lợi này lên gần 200 cửa hàng hiện nay.

Thông qua công ty con SAS Trading, TTC Land cũng chi phối những khách sạn như Melia (Hà Nội), Mê Linh Point Tower (TP. Hồ Chí Minh), bắt tay với An Dương Thảo Điền (HAR) triển khai các công trình bất động sản hay chi phối 90% cổ phần tại Ghomes để thực hiện một khu phức hợp nhà ở và thương mại tại TP. Hồ Chí Minh.

Chiến lược thâu tóm của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi được các nhà phân tích đánh giá nhanh chóng "bao vây thị trường", sự chiếm lĩnh sản phẩm tương đồng với các nhà kinh doanh lớn trong và ngoài nước đang hiện diện tại Việt Nam như Aeon, Lotte, Vingroup, Masan...