Hệ thống ngân hàng Việt Nam:

Cơ hội và thách thức khi thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP

PV.

Việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bên cạnh những cơ hội phát triển đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng có không ít những thách thức khi thực thi các cam kết trong Hiệp định.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Hệ thống ngân hàng Việt Nam với việc thực thi Hiệp định CPTPP” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Hà Nội ngày 24/8 vừa qua.

Tại Hội thảo, ông Đào Minh Phúc - Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng cho biết, Hiệp định CPTPP đã được các nước ký kết vào ngày 9/3/2018 tại Thủ đô Santiago (Chile). Đây là một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP là một bước cụ thể hóa chiến lược về đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác; là minh chứng cho việc quyết tâm, nhất quán thực thi chủ trương và chiến lược của Đảng, của Nhà nước trong hội nhập quốc tế.

Cùng với sự hội nhập sâu rộng trên toàn cầu, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực quan trọng làm cầu nối cho sự phát triển chung của các nền kinh tế. Trong số các Hiệp định thương mại tự do tham gia đàm phán/ký kết gần đây, CPTPP là Hiệp định đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này xác lập khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại một Chương riêng biệt.

Vì vậy, “Hội thảo “Hệ thống Ngân hàng Việt Nam với việc thực thi Hiệp định CPTPP” được tổ chức nhằm giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam nắm bắt kịp thời và đầy đủ nội dung cốt lõi của CPTTP; những tác động của Hiệp định này tới hệ thống ngân hàng Việt Nam; các cơ hội phát triển và những thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam khi thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP”, ông Đào Minh Phúc nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu và chuyên gia trong và ngoài ngành Ngân hàng đều đồng thuận quan điểm, việc tham gia Hiệp định CPTPP là cơ hội để các ngân hàng Việt Nam mở rộng, phát triển thị trường ra nước ngoài; Nhận được sự hỗ trợ về tư vấn, đào tạo bồi dưỡng kiến thức mới từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính nước ngoài; Tham gia vào một “sân chơi” kinh doanh bình đẳng và mang tính chuyên nghiệp cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP. Đó là, sự cạnh tranh của hệ thống ngân hàng ngày càng gay gắt; Các ngân hàng thương mại trong nước phải đối mặt với xu hướng gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài; Áp lực cho cơ quan quản lý có những thay đổi trong phương thức quản lý để hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và điều hành chính sách tiền tệ ổn định theo đúng định hướng của Chính phủ; Áp lực cho các ngân hàng nâng cao chất lượng và dịch chuyển nguồn nhân lực tài chính ngân hàng chất lượng cao sang các tổ chức, ngân hàng nước ngoài…