Cổ phần hóa DNNN: Linh hoạt để bảo toàn vốn!

Theo Kinh tế & Dự báo

Tinh thần chung của việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn là khẩn trương, nhưng phải chặt chẽ, không quá nóng vội để vừa đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu lại doanh nghiệp, vừa không thất thoát tài sản của nhà nước. Do vậy, tiến độ cần linh hoạt, chứ không áp đặt.

Cổ phần hóa DNNN: Linh hoạt để bảo toàn vốn!
Thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn hết sức khẩn trương, nhưng phải chặt chẽ, không quá nóng vội. Nguồn: Internet

Tại cuộc Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm về hoàn thiện tiêu chí danh mục, phân loại doanh nghiệp nhà nước" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, Cục Phát triển doanh nghiệp đã công bố một một báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Quyết định 14/2011/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Đánh giá chung mà báo cáo đưa ra là tiến độ triển khai thực hiện việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước khá chậm chạp.

Cả năm 2012 và trong 3 tháng đầu năm 2013, cả nước mới sắp xếp được 27 doanh nghiệp, cụ thể: cổ phần hóa 16 doanh nghiệp, sát nhập 5 doanh nghiệp, bán 3 doanh nghiệp và chuyển đổi 3 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Một điểm đáng chú ý của báo cáo là qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc 23 bộ, địa phương, tập đoàn và tổng công ty, có đến 76 doanh nghiệp muốn lùi cổ phần hóa sau năm 2015, mặc dù đã nằm trong diện phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2012-2015. Trong số này, 61 doanh nghiệp nhà nước của các địa phương, 12 doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty.

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương có nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện sắp xếp lại sau năm 2015 nhất. Điển hình như Công ty TNHH một thành viên Haprosimex dù nằm trong diện cổ phần hóa giai đoạn 2012-2015 theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng vẫn được UBND Thành phố Hà Nội chuyển sang giai đoạn sau năm 2015.

Đánh giá vấn đề này, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, một số doanh nghiệp xin lùi thời hạn bởi trong lúc tình hình kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp có nhiều khó khăn, thì việc cổ phần hóa làm một cách vội vàng sẽ không phải tối ưu. Nếu chúng ta kiên quyết áp đúng tiến độ như đã định, thì dẫn tới tình trạng giá bán ra của tài sản doanh nghiệp nhà nước, tức tài sản của nhà nước, sẽ bị thua thiệt.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, việc cổ phần hóa ngoài mục tiêu để đổi mới doanh nghiệp, thì cũng có mục tiêu không kém phần quan trọng là tránh thất thoát tài sản của nhà nước. Cho nên, Chính phủ chỉ đạo trên tinh thần chung là thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn hết sức khẩn trương, nhưng phải chặt chẽ, không quá nóng vội để vừa đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu lại được doanh nghiệp, vừa không thất thoát tài sản của nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, có một số doanh nghiệp, một số lĩnh vực mặc dù thị trường đang khó khăn, nếu bán ngay bây giờ thì sẽ không được giá, nhưng chúng ta vẫn cần thiết phải bán. Bởi, nếu càng để càng mất giá nên dù bán lỗ cũng chỉ lỗ ít, còn hơn càng để càng lỗ nhiều. Bộ trưởng khẳng định, việc này cần phải làm hết sức linh hoạt, chứ không áp đặt một cách cứng nhắc đồng loạt với tất cả các doanh nghiệp.

Theo bản báo cáo mà Cục Phát triển doanh nghiệp đưa ra, cơ quan này cũng cho rằng, một trong những lý do khiến tiến độ triển khai thực hiện việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước chậm chạp là khủng hoảng kinh tế và khó khăn của thị trường chứng khoán khiến cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó còn do cơ chế chính sách, các văn bản về cổ phần hóa đã được ban hành đầy đủ nhưng chưa kịp thời xử lý hết các vướng mắc, đặc biệt là về xử lý đất đai và tài chính làm quá trình cổ phần hóa chậm.../.