Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Chất lượng thay vì số lượng

Theo chinhphu.vn

Các chuyên gia của ngân hàng HSBC nhận định, việc chú trọng chất lượng hơn số lượng trong nỗ lực cải tổ doanh nghiệp Nhà nước là một bước đi đúng hướng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2015, các chuyên gia của ngân hàng này nhận định, tháng 10/2015 là một tháng tốt đối với các cuộc cải cách của Việt Nam với đầy ắp những sự kiện lớn.

Cụ thể, vào đầu tháng 10/2015, Việt Nam và 11 nước khác bao gồm Mỹ và Nhật đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) lịch sử. Các thành viên trong TPP đã tăng sức hấp dẫn của Việt Nam như là một trung tâm sản xuất, thúc đẩy hoạt động đầu tư của nước ngoài.

Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng trong vài năm qua nhằm đón đầu Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do khác. Nguồn vốn giải ngân FDI hằng năm vẫn đang theo đúng kế hoạch khi đã thu hút 14 tỉ USD trong năm nay so với mức 12,5 tỉ USD trong năm 2014.

Các chuyên gia kỳ vọng, đến năm 2020, Việt Nam sẽ giải ngân vượt mức 20 tỉ USD nguồn vốn FDI. Đặc biệt hơn, Hiệp định TPP còn mang ý nghĩa thỏa thuận hỗ trợ các hoạt động cải cách cần thiết trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

Bên cạnh đó, trong năm 2015, Chính phủ đã lên kế hoạch cổ phần hóa 289 doanh nghiệp Nhà nước nhưng đến nay chỉ mới 94 doanh nghiệp được thực hiện. Báo cáo của HSBC nhìn nhận, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp đang được thực hiện chậm chạp do tập trung vào số lượng thay vì chất lượng.

Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã thông báo về việc thoái vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn, trong đó bao gồm các doanh nghiệp đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán như Vinamilk và FPT...

Mặc dù thời hạn cho việc thoái vốn này chưa được chỉ rõ, các chuyên gia HSBC nhận định, việc chú trọng chất lượng hơn số lượng trong nỗ lực cải tổ doanh nghiệp Nhà nước là một bước đi đúng hướng.

Ngoài ra, quyết định đẩy nhanh tiến độ thoái vốn này có thể mang đến những tín hiệu tích cực đối với ngân sách Nhà nước. Theo dự báo, việc thoái vốn ở 10 doanh nghiệp Nhà nước trên ước tính sẽ mang về khoảng 4 tỉ USD cho ngân sách Nhà nước.

Nguồn vốn này được kỳ vọng sử dụng cho các dự án đầu tư quan trọng như xây dựng một số bệnh viện Trung ương, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho chương trình chống ngập lụt tại TPHCM.