Còn nhiều lúng túng khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp (DNNN) vẫn chưa thể đẩy nhanh khi cơ quan hoạch định chính sách vẫn còn lúng túng trong việc xác định tiêu chí phân loại DN.

Còn nhiều lúng túng khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tốc độ cổ phần hóa DNNN vẫn chưa thể đẩy nhanh khi cơ quan hoạch định chính sách vẫn còn lúng túng trong việc xác định tiêu chí phân loại DN.

Vốn không phải là người thích xuất hiện, song Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex Nguyễn Ngọc Bảo gần như trở thành người đối thoại chính trong hội thảo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới về việc sửa đổi tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.

Bởi theo phân tích của ông, cách phân loại theo dự thảo quyết định thay thế Quyết định 14/1022/QĐ -TTg về nội dung này, hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi, có thể sẽ cản trở tốc độ cổ phần hóa DNNN, vốn diễn ra hết sức chậm chạp.

“Cách phân loại theo ngành đang gây khó cho những DN muốn thoái vốn khỏi các ngành không cần nắm giữ. Ví dụ như chúng tôi muốn thoái vốn khỏi DN vận tải viễn dương, nhưng sẽ là khó nếu ngành này lại có tên trong danh mục nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần”, ông Bảo nói.

Hơn thế, ông Bảo tỏ ra vô cùng suốt ruột khi khuyến nghị rằng, với DN không muốn thoái vốn, sự phân chia này sẽ cho họ lý do để lừng khừng. “Đáng ra mục tiêu của việc phân loại này là để kết thúc quá trình cổ phần hóa từ lâu rồi chứ không phải là tiếp tục cổ phần hóa như lâu nay vẫn nói nữa”, ông Bảo nói.

Mọi việc có vẻ đang chuyển sang một hướng rất khác. Lâu nay, theo Quyết định 14/2011 QĐ – TTg được ban hành ngày 4/3/2011, danh mục ban hành kèm theo được chia thành hai nhóm lớn, gồm các ngành, lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại DN và những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần.

Hình thức này gần như được giữ nguyên tại dự thảo quyết định thay thế Quyết định 14, chỉ khác đầu mục phân chia được tăng thêm thành 4 nhóm. Ngoài các ngành, lĩnh vực Nhà nước giữ 100%, phần nắm giữ của Nhà nước được phân chia cụ thể hơn, trên 75%, trên 65% đến 75% và trên 50% đến 65%.

Tất nhiên, về lĩnh vực, dự thảo quyết định mới thu hẹp những ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc vốn góp chi phối, để đảm bảo nguyên tắc DNNN sẽ có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt…

Một số ngành, lĩnh vực như sản xuất thuốc lá điếu, quản lý khai thác cảng hàng không, cảng biển, quản lý, duy tu công trình đê điều, phân lũ và phòng chống thiên tai… đã không còn trong danh mục các ngành, lĩnh vực do Nhà nước nắm giữ 100% vốn.

Vấn đề là theo chính người trong cuộc như ông Bảo, với tư duy này, các DN, nhất là các tập đoàn lớn, sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiến hành thoái vốn Nhà nước tại các DN không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính.

Trở lại chính ví dụ mà ông Bảo nhắc tới, khi DN vận tải viễn dương không thuộc ngành kinh doanh chính của tập đoàn, họ sẽ muốn thoái hết hoặc chỉ giữ lại một phần vốn không chi phối. Tuy nhiên, quy định này sẽ khiến kế hoạch thoái vốn không thực hiện được.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra ở những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khi tiến hành thoái vốn khỏi những DN hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề được xác định là đầu tư ngoài ngành.

“Nên xác định mục tiêu của việc phân loại này là nhằm thúc đẩy cổ phần hóa. Hiện tại đang có sự nhầm lẫn rằng, đây là những lĩnh vực Nhà nước nắm giữ cổ phần… Như vậy, thay vì các quy định chung chung, cần quy định cụ thể cho từng tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Với các DN khác, có lẽ phải bổ sung quy mô để xác định DNNN cần nắm giữ”, ông Bảo đề xuất khi nhắc tới những DN quy mô nhỏ, rất nhỏ, có vốn điều lệ khoảng vài tỷ đồng, đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh mà dự thảo quyết định đang đưa vào nhóm Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

“Với những lĩnh vực này, chỉ cần xây dựng cơ chế cho đầu tư vào hoạt động công ích một cách rõ ràng thì DN tư nhân sẽ tham gia vào. Cơ chế này sẽ chấm dứt tình trạng lâu nay một DNNN vừa phải kinh doanh theo cơ chế thị trường, vừa phải hoạt động công ích theo nhiệm vụ được giao”, ông Bảo đặt vấn đề.

Có lẽ không có ví dụ nào sinh động bằng chính hoạt động của Petrolimex khi ông Bảo thẳng thắn thừa nhận mục tiêu chiếm hơn 30% thị phần tại thị trường xăng đầu khu vực TP. Hồ Chí Minh của DN ông là “vô cùng khó”, vì cạnh tranh mạnh mẽ.

“Trong khi đó, ở khu vực phía Bắc, Petrolimex không lo cạnh tranh, nhưng lại phải gánh toàn bộ sức ép từ thị trường khi giá cả biến động…”, ông Bảo phân trần.

Thực ra, nếu giải quyết được cơ chế cho các hoạt động công ích theo hướng tăng cường sự tham gia của các DN ngoài Nhà nước, theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì không những câu chuyện nhập nhằng trong hoạt động kinh doanh – công ích của các DN nhà nước được giải tỏa, mà quan trọng hơn, sẽ tạo sức ép buộc các DNNN phải cạnh tranh, phải cổ phần hóa…

“Cần phải có cơ chế để tạo thị trường cho lĩnh vực kinh doanh mang tính công ích, không thể giữ mãi tư duy kiểu không ai tham gia nên Nhà nước phải làm”, ông Đông thừa nhận.

Liên quan đến quy định về lĩnh vực, ngành nghề được xác định là sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích, các ngành đặc biệt khác, ông Nguyễn Đình Tài, Giám đốc Viện Phát triển kinh tế, xã hội và quản lý DN cho rằng: rất khó xác định rõ nội hàm của bưu chính công ích, DN đảm bảo cân đối lớn, đảm bảo hàng hải hay bán buôn thuốc, bán buôn xăng dầu…

“Sẽ khó thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa DNNN như mục tiêu của ban soạn thảo với các quy định chung chung như vậy”, ông Tài cảnh báo.