Cộng đồng doanh nghiệp: Đã bớt dần lay lắt

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Trong hai tháng đầu năm, cả nước có khoảng 10.900 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, con số này tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, số DN giải thể và ngừng hoạt động cũng lên tới 13.000 DN. Điều này cho thấy, cho dù đã có ít nhiều dấu hiệu hồi phục nền kinh tế, song hoạt động sản xuất và kinh doanh của cộng đồng DN vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cộng đồng doanh nghiệp: Đã bớt dần lay lắt
Trong hai tháng đầu năm, cả nước có khoảng 10.900 DN thành lập mới. Nguồn: internet
Nhà quản lý lạc quan

Theo thông tin từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 10.900 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 62.900 tỉ đồng, tăng 13% về số lượng DN và tăng 28,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, cũng trong 2 tháng đầu năm, có khoảng 13.100 DN giải thể và ngừng hoạt động, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2013. 

Nhìn hai con số nói trên, rõ ràng, số DN sinh ra vẫn ít hơn số DN ngưng hoạt động, chứng tỏ khó khăn chung của nền kinh tế vẫn còn đeo bám cộng đồng DN. Nhiều chuyên gia cho rằng: Sức mua yếu là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết DN.

Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của bức tranh hoạt động khối DN nhỏ và vừa là chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao. Nhiều chủ DN cho biết: Để giảm tồn kho, các DN đã buộc phải giảm sản xuất để đẩy mạnh tiêu thụ, song do sức mua trên thị trường yếu nên tồn kho vẫn cao. Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho biết: Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/2/2014 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng thời điểm năm 2013. Đặc biệt, chỉ số tồn kho cao rơi vào nhiều mặt hàng thiết yếu với đời sống, như sản phẩm chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa (tồn kho tăng 24,9%), sản xuất đường (tăng 50,7%), sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản (tăng 34,8%), sản xuất sợi (tăng 26,3%), sản xuất giày, dép (tăng 36,8%)… 

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn khá lạc quan khi đưa ra những con số tăng trưởng của tổng cầu trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), 2 tháng đầu năm 2014 sức mua được cải thiện một cách rõ rệt khi tăng 6,2% so với năm 2013. Trong khi đó, cũng thời điểm tháng 1 và 2/2013, sức mua chỉ tăng 4,7% so với năm 2012. "Đây là mức tăng thực và không hề "hạn chế” như nhiều ý kiến nhận định” - ông Quyền khẳng định. Dù vậy, nếu so với mục tiêu là sức mua phải tăng trên 10%, thì đây là con số chưa được như kỳ vọng. Do đó, dư luận không thấy rõ được nét cải thiện trong sức mua những tháng đầu năm.

Điều này chứng tỏ, các nhà quản lý vẫn đang khá lạc quan với những tín hiệu hồi phục của nền kinh tế. Đặc biệt, đối lập với nhận định của nhiều DN rằng mức tiêu thụ hàng chậm, thì chỉ số về sức mua được đại diện Bộ Công Thương đưa ra cho thấy nhu cầu tiêu dùng không đến nỗi quá ỳ trệ.

DN vẫn lo lắng

Tuy nhiên, nếu nhìn lại có thể thấy, sức mua tăng chủ yếu dồn vào hai tháng Tết, đúng thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Còn ngay sau Tết, nhu cầu mua sắm của người dân dường như lại trùng xuống. Và điều mong mỏi hiện nay của cộng đồng DN không chỉ đơn thuần là vấn đề về tiếp cận nguồn vốn, mà còn phải làm sao để có thể kích cầu sức mua.

Ông Vũ Quốc Tuấn - Giám đốc một DN trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi cho hay: "Hiện nay lãi suất không còn là vấn đề chính trong khó khăn của cộng đồng DN vì nó đã giảm khá sâu so với thời điểm trước. Cái khó là hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được nên kể cả có vốn chúng tôi cũng không dám sản xuất”. Ông Tuấn đề xuất: Bên cạnh việc đưa ra những giải pháp hỗ trợ DN như thời gian qua của Nhà nước, rất cần có các cơ chế nhằm kích cầu tiêu dùng trong dân chúng để cải thiện sức mua.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Để giải phóng hàng tồn kho, ngoài những nỗ lực của DN trong việc đưa ra các giải pháp thu hút nhu cầu mua sắm của người dân cũng như tập trung tái cấu trúc hoạt động của DN, thì cũng rất cần sự quan tâm của Nhà nước đối với cộng đồng DN. Theo đó, bên cạnh việc hạ lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa để DN có thể tiếp cận nguồn vốn, còn cần phải tạo những cú hích để DN có niềm tin vào nền kinh tế, mạnh dạn đầu tư phát triển.