Công nghiệp hỗ trợ hướng tới thị trường châu Âu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Liên minh châu Âu vừa tài trợ hơn 412.000 euro cho Việt Nam để triển khai dự án Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu. Đây là sự tiếp sức cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để đạt giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi sản xuất, tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký kết trong thời gian tới.

Công nghiệp hỗ trợ hướng tới thị trường châu Âu
Xét riêng lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng thì tính đến năm 2013, Việt Nam có gần 1.400 doanh nghiệp. Nguồn: internet
Xét riêng lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng thì tính đến năm 2013, Việt Nam có gần 1.400 doanh nghiệp. Giá trị xuất khẩu của lĩnh vực này đạt hơn 11 tỷ USD, chiếm 0,22% trong tổng giá trị nhập khẩu gần 430 tỷ USD của EU.

Nhu cầu về sản phẩm của thị trường EU rất lớn và có sự tăng trưởng hàng năm. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu linh kiện phụ tùng sang EU, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là các quốc gia trong khu vực đã có ngành công nghiệp hỗ trợ khá phát triển, xuất khẩu số lượng lớn vào EU. Sản phẩm xuất khẩu sang EU yêu cầu chất lượng và tiêu chuẩn rất cao.

Mạng lưới sản xuất toàn cầu cơ bản đã hình thành, muốn gia nhập các chuỗi cung ứng, xuất khẩu sang thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hệ thống các doanh nghiệp thế giới. Thị trường EU còn khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất linh kiện gặp khó khăn về thông tin thị trường, đối tác, nhu cầu sản phẩm... Doanh nghiệp cũng thiếu chiến lược tiếp cận và phương thức kết nối, tìm kiếm khách hàng ở thị trường EU.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá những tồn tại, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam, Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công thương - đối tác thực hiện dự án Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu đã thiết kế dự án gồm 3 hợp phần chính là đào tạo nâng cao năng lực; kết nối thông tin thị trường và hoàn thiện chính sách để trợ giúp hiệu quả cho doanh nghiệp. Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Phạm Anh Tuấn cho rằng, có dự án này doanh nghiệp sẽ hiểu biết hơn về thị trường châu Âu và có điều kiện tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp châu Âu.

Các địa phương có doanh nghiệp tham gia dự án gồm các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương. Dự án sẽ tập trung vào một số chương trình cụ thể như xây dựng chương trình đào tạo và hỗ trợ sau đào tạo về quản lý chất lượng và sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ kiện để phù hợp với yêu cầu của châu Âu. Nghiên cứu và thành lập cổng thông tin về thương mại châu Âu, kết nối người mua châu Âu và nhà sản xuất trong nước.

 Các nhà sản xuất Việt Nam sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí để tham gia hội chợ thương mại châu Âu về linh kiện phụ tùng, tham gia triển lãm công nghiệp hỗ trợ quốc tế hàng năm tại Việt Nam. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp đã cung ứng được linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, để họ có thể xuất khẩu sang thị trường EU. Giai đoạn tiếp theo, dự án sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp ở trình độ thấp hơn. Trên thực tế, với những doanh nghiệp đã đủ năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thì khó khăn chính đối với họ là nguồn vốn và thông tin thị trường.

Theo nhiều doanh nghiệp, năng lực của doanh nghiệp trong nước có thể hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của khách hàng châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, tuy nhiên khó khăn là vốn, nguồn việc và thông tin về sản phẩm.  Do đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ cung cấp thông tin các dự án đầu tư vào Việt Nam để doanh nghiệp tiếp cận và triển khai… Song, mong muốn này của doanh nghiệp vượt quá phạm vi hỗ trợ của dự án. Sắp tới, khi dự thảo Nghị định về công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ phê duyệt, sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, trong đó có nội dung xây dựng một số Trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm. Hiện tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang rất mong chờ vào chính sách mới.

Trong khuôn khổ dự án Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu, với nguồn vốn tài trợ có hạn, mục tiêu đặt ra là có ít nhất 20 chuyên gia trong nước được đào tạo về các yêu cầu và tiêu chuẩn EU để có thể đào tạo tại chỗ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc Liên minh châu Âu quan tâm đến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chứng tỏ sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sắp được ký kết.