Công ty chứng khoán lớn nói không với M&A

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Công ty chứng khoán (CTCK) lành mạnh có sẵn lòng và mong muốn hợp nhất, sáp nhập, mua lại (M&A) các CTCK yếu kém hay không? Câu trả lời mà chúng tôi nhận được là KHÔNG.

Công ty chứng khoán lớn nói không với M&A
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngày 6/12/2012, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Quyết định số 1826/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) và doanh nghiệp (DN) bảo hiểm. Đề án đã chỉ đạo những bước đi tổng thể trong quá trình tái cấu trúc TTCK, nhưng cũng không ít chỉ đạo rất chi tiết, sát thực, hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc ngành, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế.

Cần miễn, giảm thuế thu nhập DN cho các CTCK sau hợp nhất, sáp nhập

Là giải pháp đầu tiên trong khối các giải pháp thúc đẩy các tổ chức kinh doanh chứng khoán tái cấu trúc, Thủ tướng chỉ đạo cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách, quy định về miễn, giảm thuế thu nhập DN cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán sau khi hợp nhất, sáp nhập, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước, theo cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

1 năm thực hiện tái cấu trúc TTCK vừa qua, TTCK Việt Nam thực hiện thương vụ hợp nhất 2 CTCK đầu tiên giữa MBS và VIT để tạo thành một MBS mới, với dự kiến UBCK sẽ chính thức ra quyết định hợp nhất vào ngày 6/12 tới.

Bản chất của thương vụ này là giúp 2 CTCK đều mắc lỗ lũy kế có điều kiện xóa sạch lỗ lũy kế, giảm vốn điều lệ, để trở về điểm cân bằng, làm mới hình ảnh và vươn lên. Xét theo tình hình thực tế của thương vụ, nếu có giải pháp hỗ trợ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng là miễn, giảm thuế cho các CTCK hình thành sau hợp nhất, sáp nhập, sẽ tạo điều kiện để MBS tích tụ vốn, sớm vươn lên.

Đó là việc cần thiết và ý nghĩa với DN, với thị trường, nhưng điều ý nghĩa hơn của giải pháp này nếu được thực thi là sẽ thúc đẩy các CTCK lớn, khỏe mạnh, tham gia tái cấu trúc TTCK.

Cũng trong chỉ đạo của Thủ tướng có nêu rõ, các CTCK lớn, hoạt động lành mạnh, ngoài việc tự thân phải duy trì ổn định, nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh… thì nhà quản lý cần tạo điều kiện cho các tổ chức này hợp nhất, sáp nhập, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện nhằm tích tụ vốn.

Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo, “cần khuyến khích các tổ chức này tham gia xử lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt”.

Thực tế, các CTCK lành mạnh có sẵn lòng và mong muốn hợp nhất, sáp nhập, mua lại các CTCK yếu kém hay không? Phóng viên đã đặt ra câu hỏi này với người đứng đầu CTCK lớn và lành mạnh hiện nay là SSI, nhưng câu trả lời của ông Nguyễn Duy Hưng là không, bởi bản thân các CTCK yếu kém không mang lại thêm giá trị gì cho đối tác cũng là CTCK (hoạt động cùng nghiệp vụ) khi mua lại.

Tổng giám đốc một CTCK lớn khác là Bảo Việt, ông Nhữ Đình Hòa thì cho biết, một vài CTCK nhỏ đã đặt vấn đề bán lại, hoặc xin sáp nhập vào BVSC, nhưng sau khi xem xét, ông đã từ chối, bởi ông không thấy có giá trị gia tăng từ các CTCK yếu kém này.

Vậy điều gì sẽ khuyến khích các CTCK lành mạnh tham gia xử lý các CTCK yếu kém? Miễn, giảm thuế có lẽ là giải pháp mạnh mẽ nhất và cũng là giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, nhưng dường như ngành chứng khoán chưa dùng đến.

Giả sử CTCK A là lành mạnh, có mức lợi nhuận trước thuế hàng năm vài trăm tỷ đồng, nếu tham gia mua lại CTCK B đang thuộc diện bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt với giá rẻ, nhằm “xóa sổ” CTCK B, để đổi lại, được hưởng chính sách giảm 50% hay 100% thuế thu nhập DN trong 3 năm, kể từ khi mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập, liệu CTCK A có làm không? Chắc chắn khi có chính sách ưu đãi này, ông chủ của CTCK A sẽ cân nhắc, chứ không thẳng thừng trả lời KHÔNG như hiện nay.

Theo thống kê của UBCK, hiện ngành vẫn còn tới 100 CTCK, trong đó mới có 3 công ty đang làm thủ tục rút giấy phép hoạt động (mà chưa biết bao giờ CTCK mới làm xong, vì phải tuân thủ cả Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán) và 2 CTCK phải tạm dừng hoạt động.

Trong khi đó, có tới 70 CTCK (70%) tính đến hết quý III năm nay vẫn còn lỗ lũy kế, chỉ có 30% là có lãi. Thực tế này cho thấy, công tác tái cấu trúc khối CTCK trong 1 năm qua, tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng gian nan vẫn ở phía trước.

Làm thế nào để khép lại những CTCK yếu kém một cách nhẹ nhàng nhất, nhanh chóng nhất, an toàn nhất? Rõ ràng, nếu động viên các CTCK lành mạnh “giúp” các CTCK yếu kém bằng lợi ích kinh tế (miễn, giảm thuế vài năm chẳng hạn), biết đâu sẽ tạo ra một phong trào tái cấu trúc tự nguyện, giúp ngành chứng khoán giảm nhanh số lượng CTCK hiện có, “làm sạch” các CTCK yếu kém?

Tại sao không, khi Thủ tướng Chính phủ đã mở ra định hướng này, trong Quyết định tái cấu trúc ngành, được ban hành 1 năm trước đây?

Và các giải pháp khác

Còn nhiều giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ đề cập trong Quyết định tái cấu trúc ngành chứng khoán, cần được sớm cụ thể hóa để đạt được mục tiêu tổng thể đã đặt ra.

Chẳng hạn, cũng liên quan đến khối CTCK, Thủ tướng chỉ đạo, cần chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào dòng vốn từ khu vực ngân hàng, chủ động thu hút các nguồn vốn trung và dài hạn từ các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước, tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức kinh doanh chứng khoán mở rộng địa bàn hoạt động, cung cấp dịch vụ chứng khoán trong khu vực và trên các thị trường quốc tế.

Hiện nay, hoạt động của khối CTCK phụ thuộc vào 2 nguồn vốn chính: vốn tự có và vốn vay ngân hàng. Hiện thực hóa chỉ đạo trên của Thủ tướng, nhiều ý kiến cho rằng, nhà quản lý ngành cần sớm xem xét, xây dựng cơ chế mới, mở rộng nghiệp vụ hoạt động cho khối CTCK, nhất là CTCK lớn, được chủ động thu hút nguồn vốn trung và dài hạn của nhà đầu tư và hoạt động theo mô hình của một ngân hàng đầu tư thực thụ.

Một giải pháp không trực diện, nhưng cũng không nên bỏ ngỏ như hiện nay, là việc cần xây dựng bộ đạo đức nghề nghiệp theo thông lệ quốc tế. Nếu nói bộ đạo đức nghề nghiệp ngành chứng khoán chưa có thì không phải, bởi năm 2008, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán đã xây dựng một bộ như vậy, nhưng tính thực tiễn và chế tài để người hành nghề tuân thủ đạo đức nghề nghiệp theo bộ quy tắc của VASB còn hạn chế và đến nay đã lạc hậu.

Thủ tướng đã chỉ đạo việc này từ 1 năm trước, hy vọng ngành chứng khoán năm sau sẽ có một bộ quy tắc này, để các thành viên thị trường chấp nhận và tuân thủ trong thời gian ngắn tới.

Còn nhiều việc cần làm để hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng trong Quyết định tái cấu trúc ngành liên quan đến việc tái cấu trúc hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, thị trường trái phiếu… đã và đang dần được hiện thực hóa để áp dụng trên thị trường.

Sau năm đầu tiên này, hy vọng cứ đến dịp “sinh nhật” Quyết định 1826/QĐ-TTg, cơ quan quản lý ngành cũng như các thành viên thị trường sẽ cùng nhìn lại những việc đã làm và chưa làm được, để có hướng đi hiệu quả hơn, thiết thực hơn của quá trình tái cấu trúc ngành trong tổng thể tái cấu trúc chung của nền kinh tế.