Công ty Mua bán nợ Việt Nam: Ghi nhiều dấu ấn vượt khó

PV.

(Tài chính) Năm 2012 thực sự là khoảng thời gian khó khăn cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, Công ty Mua bán nợ Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh chung đó. Tuy nhiên, bằng sự chủ động, thống nhất, sát sao trong chỉ đạo điều hành cùng tinh thần vươn lên vượt khó của tập thể cán bộ, nhân viên Công ty, DATC đã hoàn thành một năm với nhiều kết quả khả quan…

Tổng giám đốc Phạm Thanh Quang phát biểu tại Hội nghị tổng kết DATC năm 2012
Tổng giám đốc Phạm Thanh Quang phát biểu tại Hội nghị tổng kết DATC năm 2012

Ghi nhận nhiều kết quả khả quan

Ngay từ khi bước vào thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm 2012, đã có nhiều dự báo khó khăn tiếp tục thử thách cả cộng đồng doanh nghiệp (DN), tuy nhiên, cũng là năm để khẳng định “sức bền” của mỗi DN, trong đó có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Thực tế cho thấy, dù cơ chế chính sách về hoạt động của thị trường mau bán nợ nói chung và của riêng DATC đã từng bước được sửa đổi, bổ sung theo hướng  hoàn thiện hơn, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại nhiều vướng mắc do chưa có sự đồng bộ. Cùngvới đó là thị trường hoạt động mua bán nợ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, cạnh tranh không lành mạnh, thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản diễn biến khó lường và sụt giảm… Các yếu tố này đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của DATC trong năm qua. Tuy nhiên, bằng những giải pháp kinh doanh phù hợp, cùng bề dày kinh nghiệm được tích lũy gần 10 năm và sự hỗ trợ hợp tác từ các cấp, các ngành đã tạo động lực quan trọng để DATC hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của DATC năm 2012 đã ghi nhận nhiều điểm sáng, trong đó nổi bật là tổng doanh thu năm 2012 là 491,866 tỷ đồng, đạt 109% so với kế hoạch năm 2012. Trong đó, doanh thu từ hoạt động mua bán nợ là 194,78 tỷ đồng, đạt 68% so với kế hoạch năm 2012; doanh thu từ hoạt động tài chính và doanh thu khác là 278,182 tỷ đồng, đạt 173,9 % so với kế hoạch năm 2012; doanh thu từ xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận là 18,904 tỷ đồng, đạt 126% so với kế hoạch năm 2012. Với kết quả này đã đưa chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của Công ty ước đạt 183,5 tỷ đồng, đạt 122% so với kế hoạch năm 2012.

Trong hoạt động mua bán nợ, năm qua, Công ty đã ký được 17 hợp đồng mua bán nợ, giá trị các khoản nợ là 704,644 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 159,137 tỷ đồng, tỷ lệ mua nợ bình quân là 22,6%. Doanh thu từ hoạt động mua bán nợ là 194,78 tỷ đồng, đạt 68% so với kế hoạch năm 2012. Đồng thời với kết quả hoạt động mua bán nợ như trên, trong năm 2012, Công ty đã triển khai hàng loạt các phương án mua bán nợ, tập trung chủ yếu vào việc đàm phán với các Ngân hàng thương mại để mua nợ xấu, xử lý tài chính để tái cơ cấu DN khách nợ, đó là các DN: Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam; Công ty thực phẩm Miền Bắc; Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu Thanh Hà; Công ty Thủy tinh Cam Ranh; Công ty Nhựa Tân Hóa và một số DN khác....

Theo đó, lũy kế từ năm 2004 đến năm 2012, DATC đã thực hiện 128 phương án mua bán nợ theo theo hình thức thỏa thuận và chỉ định của Thủ tướng Chính phủ để xử lý tài chính tái cơ cấu DN và thu hồi nợ. Giá trị sổ sách của các khoản nợ là 8.579,617 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 2.506,635 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 29,2%), đã thu hồi được 2.670,258 tỷ đồng (Bao gồm cả chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại 54 DN tái cơ cấu là 519,562 tỷ đồng ), đạt tỷ lệ thu hồi là 106,5 %, được thực hiện bằng các hình thức sau đây.

Trong hoạt động mua bán nợ và tài sản, Công ty đã mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu thành công 9 DN, trong đó mua nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu chuyển đổi thành công được 5 DNNN thành công ty cổ phần và tái cơ cấu lại được 4 DN cổ phần, là những DN được cổ phần hóa từ DNNN, vẫn còn gặp khó khăn về tài chính, nhưng có tiềm năng phát triển trên thị trường. Có thể nói, trong bối cảnh, năm 2012 cả nước sắp xếp được 21 DN, trong đó cổ phần hóa được 13 DNNN thì con số DATC làm được là hết sức ấn tượng. Bằng những kết quả đó đã đưa lũy kế từ năm 2007 đến năm 2012 lên 54 DN được DATC thực hiện mua nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu thành công. Tổng giá trị các khoản nợ và tài sản theo sổ sách kế toán là 4.795,653 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 1.308,452 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 27,3%), đã thu hồi được 1.529,658 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nợ thành vốn góp cổ phần là 519,652 tỷ đồng), đạt tỷ lệ thu hồi là 115,9 %.

Việc tái cơ cấu thành công 54 DN này đã mang lại “thắng lợi kép” không chỉ là hồi sinh DN, mang lại lợi nhuận mà đã góp phần giải quyết được việc làm cho hàng chục ngàn lao động, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội tại một số vùng, miền… Một số DN được DATC mua nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu thông qua chuyển nợ thành vốn góp đã phát triển tốt, kinh doanh có hiệu quả, các chỉ tiêu doanh thu, cổ tức, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động năm sau cao hơn năm trước. Nhiều DN có lãi và đã thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông, một số DN đã chia cổ tức ở mức cao như CTCP đường Kon Tum, CTCP Sadico Cần Thơ, CTCP Mía đường Sơn La... đồng thời góp phần giải quyết được việc nợ đọng thuế từ nhiều năm của Nhà nước với số tiền gần 200 tỷ đồng và nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 30 tỷ đồng. Đây là cơ sở tạo động lực tạo sự vững tin vào sự thành công để DATC tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phương án mua bán nợ tái cơ cấu tiếp theo. Với nghiệp vụ này, hiện DATC đang thực hiện tại 25 DN (gồm 12 DNNN và 13 DN cổ phần và các DN khác), với giá trị các khoản nợ và tài sản theo sổ sách kế toán là 2.226,687 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 454,002 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 20,4%), đã thu hồi được 262,655 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi đạt 57,9%.

Trong công tác tiếp nhận, xử lý tài sản và thu hồi nợ tồn đọng đã loại trừ ra khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa DNNN, năm 2012, Công ty đã ký biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản và nợ loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa DNNN của 62 DN (trong đó, gồm 41 DN Trung ương và 21 DN của địa phương), với giá trị tiếp nhận là 97,380 tỷ đồng, trong đó: Tài sản là 38,609 tỷ đồng và nợ là 58,771 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2004 dến 31/12/2012, DATC đã tiếp nhận tài sản và nợ loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa DNNN của 2.410 DN (Trong đó, gồm 976 DN của Trung ương và 1.434 DN của địa phương), với giá trị tiếp nhận là 3.378,581 tỷ đồng; trong đó, tài sản là 1.895,351 tỷ đồng và nợ là 1.483,230 tỷ đồng (bao gồm cả số tiền mà DN tự xử lý trước khi bàn giao cho DATC là 117,479 tỷ đồng). Đến nay, DATC đã tiếp nhận gần hết số tài sản và nợ tồn đọng loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa DNNN..

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư cũng là lĩnh vực mang lại khá nhiều thành công cho Công ty trong năm 2012. Tổng trị giá đầu tư năm 2012 là 72,87 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm 2012; trong đó, đầu tư thông qua hoạt động mua bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại 9 DN tái cơ cấu là 66,44 tỷ đồng, đạt 55% so với kế hoạch năm 2012 và đầu tư bằng hình thức góp vốn trực tiếp là 6,43 tỷ đồng, đạt 64% so với kế hoạch năm 2012. Theo đó, lũy kế từ năm 2004 đến năm 2012, DATC đã góp vốn đầu tư tại 66 DN, với số tiền là 794,5 tỷ đồng. Trong đó: Góp vốn đầu tư trực tiếp tại 12 DN, với số tiền là 275 tỷ đồng và đầu tư thông qua hoạt động mua bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại 54 DN tái cơ cấu, với số tiền là 519,5 tỷ đồng.                             

Năm qua, DATC đã phối hợp với Ban đổi mới DN các đơn vị tiến hành Đại hội đồng cổ đông thành lập các Công ty cổ phần, với sự tham gia góp vốn của DATC bằng hình thức chuyển nợ thành góp vốn cổ phần tại 9 DN mà DATC đã tái cơ cấu thành công trong năm 2012. Đồng thời, tổ chức bán thoái vốn đầu tư của DATC tại Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ; Công ty cổ phần Đường Kon Tum; Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 134; Ngân hàng TMCP Quân Đội và tổ chức bán quyền mua cổ phần của DATC tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La khi tăng vốn điều lệ, đồng thời phối hợp với các đơn vị, đối tác có liên quan tổ chức niêm yết thành công cổ phiếu của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La với mã cổ phiếu SLS trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Triển khai các phương án bán nợ và thoái vốn của DATC tại Công ty cổ phần Xây dựng và sản xuất vật liệu số 7; Tổng Công ty Cà Phê Việt Nam; Công ty cổ phần Xây dựng Bạch Đằng 201; Công ty cổ phần Nông lâm sản xuất khẩu Prao; Công ty cổ phần Giao thông Ninh Thuận; Công ty cổ phần Vật tư kỷ thuật Hưng Yên và một số DN cổ phần khác.

Bằng nỗ lực để tạo dựng những thành quả trên, trong năm 2012 DATC tiếp tục được nằm trong bảng xếp hạng Top 1000 DN đóng thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2012, DATC được xếp vị trí 236. Ngoài ra, Công ty cổ phần Mía đường Kon Tum và Công ty cổ phần Đường Sơn La là 02 DN được DATC tái cơ cấu cũng được xếp vị trí lần lượt là 750 và 890.

Bên cạnh những kết quả khả quan trên, tập thể lãnh đạo DATC cũng đã thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể, tiến độ triển khai thực hiện Quyết định số 1494/QĐ-BTC ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi Công ty Mua bán nợ (DNNN) thành Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam và thực hiện Thông tư số 79/2011/TT-BTC ngày 8/6/2011 của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty Mua bán nợ Việt Nam còn rất chậm, nhất là trong việc trình Bộ Tài chính bổ nhiệm Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc; Kiểm soát viên… và kiện toàn lại tổ chức bộ máy hoạt động kinh doanh của DATC. Đến nay, vẫn chưa xử lý được số nợ loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa DNNN mà DATC đã tiếp nhận, được tạm thời phân loại vào nợ nhóm 2 (Lũy kế từ năm 2004 đến năm 2012, gồm 26.656 khoản nợ, với giá trị là 844,8 tỷ đồng, là những khoản nợ không đủ hồ sơ, khách nợ không còn tồn tại, chi phí bị xuất toán, các khoản chi âm quỹ phúc lợi… được loại trừ như khoản nợ không có khả năng thu hồi). Cơ chế xử lý đền bù, bồi thường tài sản loại trừ bị mất mát, thiếu hụt trong quá trình DN bảo quản, giữ hộ còn nhiều bất cập, vướng mắc nên phần lớn chưa xử lý được.

Lạc quan trong năm 2013

Những kết quả đã đạt được trong năm 2012 sẽ là hành trang quan trọng để DATC tiếp tục đặt ra các mục tiêu, kế hoạch hành động cao hơn, nặng nề hơn cho năm 2013.  Theo đó, kế hoạch tổng doanh thu năm 2013 phấn đấu đạt khoảng 500 – 550 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ hoạt động mua bán nợ phấn đấu đạt khoảng 270 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động tài chính và doanh thu khác phấn đấu đạt khoảng 220 - 230 tỷ đồng, trong đó, thoái vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng; doanh thu từ xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận phấn đấu đạt khoảng 10 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2013 không thấp hơn năm 2012.

Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch trên, ngay từ đầu năm 2013, tập thể lãnh đạo DATC cũng đề ra các giải pháp và phương hướng hành động cụ thể: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 79/2011/TT-BTC ngày 8/6/2011 của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty Mua bán nợ Việt Nam; Tiếp tục hoàn chỉnh để báo cáo Bộ phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu Công ty Mua bán nợ Việt Nam”; Tích cực, chủ động phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước để hợp tác, hỗ trợ, tư vấn cơ chế, chính sách xử lý nợ xấu tại Việt Nam.

Chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ngân hàng thương mại để đàm phán mua bán nợ xấu của hệ thống Ngân hàng; Tích cực làm việc với các DN khách nợ để tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá lại toàn bộ các phương án mua nợ đã và đang xử lý chưa xong còn tồn lại 31/12/2012, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, tìm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp phù hợp để xử lý, thu hồi nợ. Đồng thời, tích cực triển khai các phương án mua bán nợ mới, với phương châm là lựa chọn những phương án mua bán nợ có tính thanh khoản cao để triển khai thực hiện; Tập trung rút ngắn thời gian đàm phán cũng như thời gian thẩm định, phê duyệt các phương án mua bán nợ. Cần thực hiện linh hoạt, đa dạng hóa các phương thức xử lý nợ như: Mua nợ, xử lý tài chính, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần để tái cơ cấu DN khách nợ; Mua nợ thu hồi nợ; Mua nợ để bán nợ; Xử lý bán tài sản đảm bảo nợ; Mua nợ đối trừ nợ; Tiếp nhận tài sản cấn trừ nợ; Thực hiện thu nợ có chiết khấu… Tập trung thu hồi nợ của các phương án mua nợ để thu hồi nợ, đồng thời tổ chức bán nợ thuộc các phương án mua nợ để tái cơ cấu DN nhưng không có khả năng tái cơ cấu để thu hồi nợ đã mua; Tích cực thu hồi nợ cho vay còn lại tại Công ty cho thuê tài chính II – Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; Công ty xây dựng công trình 675 và các DN khách nợ khác.

Trong năm 2013, tập trung xử lý tài chính để tái cơ cấu các DN khách nợ đã và đang triển khai thực hiện chưa xong còn lại đến 31/12/2012, đồng thời mua nợ, xử lý tài chính để tái cơ cấu các DN khách nợ mới phát sinh trong năm 2013. Phấn đấu năm 2013 tái cơ cấu thành công từ 10 – 15 DN khách nợ.

Ban hành mới và sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy chế quản lý người đại diện và quy chế trả thù lao cho người đại diện phần vốn góp của DATC tại DN khác; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động kinh doanh thông qua người đại diện, người được cử vào Ban kiểm soát các DN khác; Tiếp tục hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục để triển khai việc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch Chứng khoán của các công ty CP mà DATC đã tái cơ cấu thành công, chuyển nợ thành vốn góp và góp vốn đầu tư, trên cơ sở đó để từng bước thoái vốn đầu tư; Tiếp tục triển khai các phương án bán nợ và thoái vốn của DATC đã đầu tư tại các DN tái cơ cấu theo quy định của Thông tư số 79/2011/TT-BTC ngày 8/6/2011 của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Trước mắt tập trung triển khai các phương án bán nợ và thoái vốn của DATC tại Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu số 7; Tổng Công ty Cà Phê Việt Nam; Công ty CP Xây dựng Bạch Đằng 201; Công ty CP Nông lâm sản xuất khẩu Prao; Công ty CP Giao thông Ninh Thuận; Công ty CP Vật tư kỹ thuật Hưng Yên và một số DN cổ phần khác…

Để tháo gỡ những tồn tại đang gặp phải trong quá trình thực hiện, DATC cũng đưa ra kiến nghị, kiện toàn lại tổ chức bộ máy của Công ty, trước mắt sớm bổ nhiệm Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc và Kiểm soát viên Công ty Mua bán nợ Việt Nam để hoàn thành công tác chuyển đổi từ Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DNNN) thành Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam; Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 79/2011/TT-BTC ngày 8/6/2011 của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC cho phù hợp với tình hình hoạt động mua bán nợ xấu hiện nay; Đề nghị Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế mua nợ xấu của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB); Ban hành cơ chế, chính sách thay thế Thông tư số 38/2006/TT-BTC ngày 10/5/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục và xử lý tài chính đối với hoạt động mua, bán, bàn giao, tiếp nhận, xử lý nợ tồn đọng cho phù hợp với quy định của Điều lệ tổ chức và Quy chế quản lý tài chính của Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Đặc biệt, cần sớm xem xét phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu Công ty Mua bán nợ Việt Nam”.