“Cuộc chiến” giành “ngôi vương” trên thị trường bán lẻ

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Năm 2013, kinh tế còn khó khăn, sức mua trên thị trường điện máy giảm mạnh, thì Việt Nam có hai doanh nghiệp (DN) lọt vào Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do Tạp chí bán lẻ Châu Á (Retail Asia) bình chọn. Nguyễn Kim là DN bán lẻ điện máy tổng hợp Việt Nam lọt Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực này trong suốt 5 năm qua, nay xuất hiện thêm tên mới: Pico.

“Cuộc chiến” giành “ngôi vương” trên thị trường bán lẻ
Top 3 nhà bán lẻ điện máy tổng hợp lớn dẫn đầu thị trường hiện đã có 2 là Nguyễn Kim và Pico, người ta đang chờ đợi tên thứ 3 xuất hiện. Nguồn: Internet
Phân chia thứ hạng

Sau một thời gian dài cạnh tranh khốc liệt, đến nay thị trường điện máy Việt Nam đã xuất hiện thêm "đại gia", đúng với quy luật mà Boston Consulting Group (Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu và cố vấn hàng đầu thế giới về chiến lược kinh doanh) rút ra, đó là trong lĩnh vực kinh doanh có lợi thế về quy mô thì bố cục cạnh tranh sẽ về số 3. Trong đó, 3 DN lớn nhất sẽ chiếm 70% thị phần, còn lại thuộc về các DN khác. Top 3 nhà bán lẻ điện máy tổng hợp lớn dẫn đầu thị trường hiện đã có 2 là Nguyễn Kim và Pico, người ta đang chờ đợi tên thứ 3 xuất hiện.

Để lọt vào Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, các DN phải đạt được những tiêu chí khắt khe do nhà bình chọn đưa ra về doanh thu bán lẻ, diện tích dành cho kinh doanh bán lẻ, hiệu quả/m2, số lượng cửa hàng, chất lượng dịch vụ và thương hiệu. Thời gian qua, mặc dù nhiều DN trong lĩnh vực điện máy tổng hợp gặp khó khăn, nhưng hai DN bán lẻ là Nguyễn Kim và Pico vẫn phát triển mạnh.

Đến nay, Nguyễn Kim đã có 21 siêu thị điện máy trên cả nước. Từ cuối 2007 đến nay, Pico đã liên tục "công phá" thị trường khi lần lượt đưa các siêu thị bán hàng rộng hàng nghìn mét vuông tại 76-Nguyễn Trãi, 324-Tây Sơn, 35-Hai Bà Trưng, 173-Xuân Thủy (Hà Nội ) đi vào hoạt động. Pico đã "Nam tiến" với trung tâm kinh doanh lớn đầu tiên, đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, tại 20-đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến, trong tháng 10-2013 sẽ mở thêm một trung tâm mới tại quận Ba Đình (Hà Nội), diện tích 2.000m2 theo đúng kế hoạch đặt ra.

Không chỉ phát triển các trung tâm mua sắm diện tích lớn, mà doanh số bán hàng của các DN này cũng được duy trì tốt. Mặc dù sức mua có giảm, song tính bình quân/m2 thì hiệu quả kinh doanh vẫn khá cao. Chẳng hạn, để vận hành một siêu thị điện máy có diện tích 1.500m2 trở lên, theo tính toán thì chi phí 2-3 tỷ đồng/tháng, 36 tỷ đồng/năm. Để hòa vốn, các DN phải đạt doanh số 15 tỷ đồng/tháng, tính ra mỗi ngày phải bán được 500 triệu đồng, dưới mức này coi như lỗ. Đại diện Pico cho biết, doanh số bán hàng năm 2012 của DN này đạt 3.000 tỷ đồng (tức bình quân gần 1,7 tỷ đồng/ngày/siêu thị),

lọt vào Top 500 DN lớn nhất Việt Nam, Top 1.000 DN đóng thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam. Dự kiến năm 2013, Pico sẽ đạt doanh số 3.500 tỷ đồng. Pico luôn được các nhà cung cấp lớn như Sony, Samsung, Panasonic, LG... coi là đối tác hàng đầu, giỏi nghề, khả năng quay vòng vốn nhanh, có tính chuyên nghiệp cao, sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Đẳng cấp nhà phân phối bán lẻ

Để trở thành DN điện máy lớn, đứng trong Top 500, ông Phạm Hoài Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Pico cho biết, DN đã có kế hoạch đầu tư bài bản ngay từ đầu cho hệ thống quản lý-điều hành và chất lượng dịch vụ. Muốn phát triển bền vững, cần có hệ thống quản lý nguồn lực tối ưu. Các DN lớn như Pico, Nguyễn Kim đều sử dụng hệ quản trị DN tích hợp ERP. Đây là bộ giải pháp công nghệ thông tin có khả năng tích hợp toàn bộ ứng dụng quản lý sản xuất, kinh doanh vào một hệ thống duy nhất, có thể tự động hóa các quy trình quản lý.

Mọi hoạt động của DN, từ quản trị nguồn nhân lực, quản lý dây chuyền sản xuất và cung ứng vật tư, quản lý tài chính nội bộ đến việc bán hàng, tiếp thị sản phẩm, trao đổi với các đối tác, với khách hàng đều được thực hiện trên cùng hệ thống. Hệ thống này của các hãng tên tuổi như Oracle, SAP có giá khá đắt, tới hàng triệu USD, vì vậy không phải DN bán lẻ nào cũng có thể đầu tư. Nhưng khi đã đầu tư phần mềm này thì toàn bộ các hoạt động kinh doanh được tích hợp, giúp cho việc cập nhật thông tin được liên tục, thông suốt, giúp người quản lý có thể xem xét mọi hoạt động bất kỳ lúc nào, lấy số liệu phân tích và quyết định. Nếu không có ERP sẽ khó quản lý, vì không biết sản phẩm nào đang có lãi, sản phẩm nào lỗ, tồn kho...

Thời gian qua, Pico liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi cũng bởi được hỗ trợ từ hệ thống này. Bất kể lúc nào người quản lý cũng có thể nắm được tình hình hoạt động của DN mình rõ nhất, biết DN đang có lãi ra sao, từ sản phẩm nào... trên cơ sở đó đưa ra quyết định có lợi cho hoạt động kinh doanh mà không phải chờ báo cáo định kỳ. Pico cũng xác định luôn nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. "Mở rộng hoạt động phải đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp, Pico đã đề ra chiến lược kinh doanh lấy quyền lợi của khách hàng làm trung tâm, đem lại cho khách hàng những sự trải nghiệm thú vị khi mua sắm và sử dụng dịch vụ tại Pico…" - ông Sơn nhấn mạnh.

Tình hình kinh tế vẫn chưa lạc quan, thị trường điện máy vẫn trầm lắng, sắp tới có thể sẽ có thêm nhà bán lẻ ngừng hoạt động, phá sản. Theo các chuyên gia, có một công thức dành cho 3 DN dẫn đầu thị trường bán lẻ là 4-2-1, trong đó DN lớn nhất chiếm 4 phần, DN thứ 2 chiếm 2 phần và DN thứ 3 chiếm 1 phần thị trường. Nguyễn Kim đang giữ ngôi đầu, tiếp theo là Pico và "cuộc chiến" tranh giành "ngôi vương" trên thị trường bán lẻ điện máy vẫn còn khốc liệt.