Đấu trường xây dựng:

Cuộc so găng giữa thầu nội - ngoại

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Taichinh) - Câu chuyện các doanh nghiệp (DN) xây dựng nội có chen chân vào được các công trình xây dựng trọng điểm khi Việt Nam mở rộng thị trường cho các nhà thầu ngoại, một lần nữa lại trở thành tâm điểm bàn luận tại Hội thảo "Cơ hội và thách thức của ngành xây dựng khi hội nhập ASEAN" do Hiệp hội nhà thầu chủ trì cuối tuần qua.

Cuộc so găng giữa thầu nội - ngoại khi Việt Nam mở rộng thị trường. Nguồn: internet
Cuộc so găng giữa thầu nội - ngoại khi Việt Nam mở rộng thị trường. Nguồn: internet

Mục tiêu phát triển ngành Xây dựng giai đoạn 2014 - 2020 là đưa giá trị sản xuất của toàn ngành tăng trưởng bình quân từ 9 - 14%/năm. Các DN xây dựng có đủ năng lực mở rộng, tiến tới chiếm lĩnh và chi phối thị trường xây dựng trong nước. Tuy nhiên, mục tiêu khiêm tốn này không dễ dàng thực hiện khi ngành xây dựng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt do Hiệp định ASEAN sẽ có hiệu lực vào ngày 31/12 năm nay.

Vì sao nên nỗi

Ông Phạm Văn Chắt, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết nguyên nhân là do việc cắt giảm thuế quan theo cam kết khi cộng đồng AEC được hình thành vào cuối năm 2015 sẽ tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các DN trong nước.

Cụ thể, với các mặt hàng vật liệu xây dựng chủ chốt như clinke, xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng, mức thuế giảm chỉ còn 5% trong ASEAN. Mặc dù nhiều DN đã sản xuất được sản phẩm theo chuẩn quốc tế nhưng giá bán trên thị trường Việt Nam vẫn đắt hơn sản phẩm NK của khu vực.

Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn đang phải chứng kiến sự "đổ bộ" rầm rộ của các mặt hàng vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, máy móc công trình đến từ EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và thậm chí là Trung Quốc. "Đây là một thách thức rất lớn đối với các DN sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam trong cạnh tranh giữa sản phẩm của Việt Nam với sản phẩm ngoại nhập", ông Chắt phân tích.

Điều đáng nói là trong nhiều dự án lớn, các nhà thầu nội đang phải ngậm ngùi nhường "sân nhà" cho nhà thầu ngoại. Không phải DN xây dựng trong nước không có năng lực. Xin dẫn chứng một vài trường hợp cụ thể: giới nhà thầu trong nước đã từng nức lòng khi một nhà thầu Việt là Conteccons đã vượt qua hơn chục công ty xây dựng nổi tiếng nước ngoài để làm tổng thầu dự án Hồ Tràm Strip (Bà Rịa - Vũng Tàu), với tổng giá trị khoảng 3.200 tỷ đồng; hay công ty Hòa Bình (HBC) đã trúng gói thầu chính xây dựng phần hầm và khối đế của dự án Saigon Center (quận 1, Tp.HCM) trị giá hơn 1.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số những DN như vậy không nhiều. So với các nước trong khu vực và thế giới, các nhà thầu xây dựng Việt Nam vẫn còn "đội sổ" ở nhiều bảng xếp hạng. Trình độ quản lý yếu, đặc biệt là hiểu biết thông lệ quốc tế, năng lực tài chính còn hạn chế, sự hợp tác giữa các nhà thầu trong nước chưa chặt chẽ… Chưa kể, lao động có trình độ của ngành xây dựng trong nước đang rất khan hiếm.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, cơ cấu nguồn nhân lực của ngành (tỷ lệ cơ cấu kỹ sư, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân học nghề) là 1:1, 3:3; trong khi đó, với các nước trên thế giới, tỷ lệ này là 1:4:10. Với tỷ lệ này, ngành xây dựng đang tồn tại tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Vì thế, tại nhiều công trình lớn đang diễn ra cảnh lao động là người chưa qua đào tạo, lao động nông nhàn làm việc thay cho công nhân kỹ thuật.

Bên cạnh đó, AEC sẽ cho phép tự do di chuyển lao động có tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và lao động có tay nghề của ASEAN tham gia vào hoạt động liên quan đến thương mại và đầu tư qua biên giới Việt Nam. Do vậy, ông Chắt cảnh báo: "Các DN xây dựng thường sử dụng lượng lớn lao động phổ thông sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức".

Sức mạnh "bó đũa"

Xét trên thực tế, năng lực tài chính nhà thầu nội thường có hạn. Đơn cử như công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) là nhà thầu có tiếng khắp cả nước với doanh thu mỗi năm hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng phần lớn nguồn vốn vẫn phải phụ thuộc vào ngân hàng. Khi tham gia một dự án lớn, do tài chính yếu nên Hòa Bình rất khó thắng thầu mà phải nhường cho nhà thầu nước ngoài và phải chấp nhận làm thuê cho chủ đầu tư này.

"Nguồn vốn có hạn và lãi suất quá cao khiến nhà thầu trong nước rất thiệt thòi dù có năng lực. Nhiều dự án lớn ở Tp.HCM treo biển do nhà thầu nước ngoài thực hiện nhưng trong đó có tới 70 - 80% lượng công việc do nhà thầu trong nước làm", ông Võ Đắc Khôi, Giám đốc điều hành HBC nói.

Hiện một số chính sách thuế, tín dụng của Việt Nam chưa ưu đãi đối với chủ đầu tư và nhà thầu trong nước, trong khi một số nhà thầu nước ngoài được hưởng ưu đãi, điển hình như Trung Quốc. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho truyền thông biết rằng: "Chính phủ Trung Quốc có hẳn một chương trình hậu thuẫn rất mạnh mẽ cho các nhà thầu đi ra nước ngoài nhận thầu. Họ quy định rõ ràng, nếu vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị Trung Quốc đưa vào dự án bằng 15% tổng giá trị dự án đó trở lên, thì các nhà thầu được vay vốn với lãi suất rất thấp và được giảm nhiều thứ thuế, thậm chí có loại còn được miễn thuế".

Năng lực tài chính yếu, lại thêm sự hợp tác chưa chặt chẽ, thiếu sự tin tưởng lẫn nhau đã không tạo sức mạnh "bó đũa" cho các nhà thầu trong nước. Chính vì vậy, Ts. Liêm khuyến nghị các DN: "Vốn" đã ít, các nhà thầu cần liên kết với nhau thành một đơn vị có vốn lớn mới đủ lực mà cạnh tranh".

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận sự chuyển biến tích cực là những năm gần đây nhiều nhà thầu trong nước đã lớn mạnh, so với nhà thầu nước ngoài gần như không thua kém về trình độ. Những công trình lớn, phức tạp đã được các nhà thầu trong nước làm rất tốt như thi công những công trình 60 tầng; hầm đường bộ Hải Vân, một số cầu dây văng: Mỹ Thuận, Cần Thơ, Nhật Tân… "Trong tương lai, nhà thầu Việt Nam sẽ còn trưởng thành lên nhiều nếu khắc phục tốt hơn nữa các hạn chế về vốn, kinh nghiệm, nguồn nhân lực", Ts. Liêm đánh giá.

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch công ty CP Xây dựng Cotec (Coteccons), cũng rất lạc quan về trình độ của các nhà thầu tư nhân lớn trong nước khi Việt Nam mở rộng cửa thị trường. Ông Dương tự tin cho biết sau khi trúng thầu dự án Hồ Tràm Strip, công ty của ông đã thuê lại 30 nhà thầu Nhật, Trung Quốc, Singapore... để cùng thực hiện dự án.

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho ngưỡng cửa hội nhập sắp tới, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HBC cho rằng các nhà thầu trong nước nên chịu khó học hỏi kỹ thuật, phương thức quản lý của ngành xây dựng không chỉ ở các nước tiên tiến, mà ngay trong khu vực. Ông Hải dẫn chứng trường hợp tại Malaysia: "Một công trình chung cư cỡ 1.000 căn hộ ở Malaysia chỉ có khoảng 30 người quản lý công trường, ít hơn rất nhiều so với công trình tương tự ở Việt Nam. Công nhân xây dựng của họ cũng ít hơn vì năng suất lao động cao hơn ở nước ta".

Từ kinh nghiệm đấu thầu với nhiều nhà thầu ngoại, ông Nguyễn Bá Dương cho rằng: "Trước đây, chúng ta ngại nhất là kỹ thuật, nhưng bây giờ ngang ngửa rồi, nếu đấu thầu sòng phẳng, có tính điểm đàng hoàng thì không ngại. Trong khi chúng ta là người Việt nên hiểu văn hóa, thổ nhưỡng, thói quen của người Việt, có đầy đủ thiết bị, nhân lực nên giá thành của mình thấp hơn. Đây là một lợi thế rất lớn".

Ts. Vũ Gia Quỳnh - Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam


"Năng lực các nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh với những đơn vị ngoại. Tuy nhiên, chính cách đánh giá về năng lực chưa thống nhất lại khiến cho nhà thầu nội "lép vế" và thường thua trên sân nhà. Cụ thể, ở nhiều nước, nhà thầu có quyền đi thuê máy móc, hoặc sử dụng tất cả các mối quan hệ để tham gia đấu thầu. Trong khi tại Việt Nam, các nhà thầu bị giới hạn bởi quy định về máy móc, số lượng công nhân nên nhiều trường hợp, không thể tham gia đấu thầu những dự án lớn".