Cuộc so kè giữa VNA và VietJetAir

Theo Báo Đầu tư

Nguy cơ dư thừa cung tải khiến cuộc cạnh tranh giành khách tại thị trường hàng không nội địa năm 2013 được dự báo là hết sức căng thẳng.

“Dò” độ khắc nghiệt của thị trường 2013

Đến thời điểm này, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là đơn vị duy nhất trong số 5 hãng hàng không đang hoạt động trong lĩnh vực vận tải khách tuyến nội địa công bố kết quả kinh doanh năm 2012. Với việc nắm tới gần 70% thị phần vận chuyển hành khách, kết quả kinh doanh của VNA có thể coi là một hàn thử biểu cho cả thị trường hàng không nội địa năm 2012.

Theo đánh giá của VNA, tình hình thị trường hàng không nội địa năm nay còn “tối” hơn cả dự báo, với việc lần đầu tiên sau nhiều năm, tổng sản lượng vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa cả nước không đạt tốc độ tăng trưởng.

Trong bối cảnh đó, việc VietJetAir liên tục tăng tải và duy trì mức giá thấp từ tháng 5/2012, đã tạo ra cuộc chạy đua giành khách khốc liệt trên các đường bay “vàng” như Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh; Hà Nội/TP.Hồ Chí Minh - Đà Nẵng; Hà Nội - Nha Trang.

Báo cáo của VNA cho thấy, đến giữa tháng 12/2012, VNA chỉ còn kiểm soát được 69,7% thị phần nội địa, giảm 4,47% so năm 2011. Trên thực tế, nếu không linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cộng với tiết kiệm tối đa chi phí và được bù đắp từ tăng trưởng hành khách trên các tuyến quốc tế, VNA chắc chắn không thể đạt tổng doanh thu 50.891 tỷ đồng, tăng 6,3%; lợi nhuận đạt 69,8 tỷ đồng, tăng 239% so với năm 2011.

Tình hình kinh doanh của Jetstar Pacific (JP) - hãng hàng không đứng thứ ba về thị phần vận chuyển hành khách nội địa cũng không khá hơn là bao. Mặc dù trong năm 2012, JPA đã tiến hành thay đổi đội tàu bay từ B737 sang A321, nhưng do lo ngại thừa cung tải dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, Hãng đã phải giảm đội bay từ 7 xuống còn 5 chiếc.

Bên cạnh đó, việc JP mở thêm 2 đường bay quốc tế cho thấy, hãng này bắt đầu có sự chuyển hướng trong chiến lược khai thác, khi sẽ cắt giảm tần suất khai thác đường bay nội địa trong bối cảnh hành khách sụt giảm.

Theo một chuyên gia, ngoài việc là hãng hàng không duy nhất trong nước đang khai thác các đường bay quốc tế  - thị trường vẫn duy trì mức tăng trưởng trên 11,8% so với cùng kỳ, VNA còn có lợi thế rất lớn từ việc sở hữu các dịch vụ hậu cần hoàn chỉnh với nhiều lĩnh vực đang mang lại lợi nhuận cao. Nếu VNA còn than khó, thì áp lực thị trường giảm sút đối các hãng hàng không còn lại còn lớn hơn rất nhiều lần.

Hành không “giật” khách của đường sắt

Đây là nhận định của ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNA về viễn cảnh thị trường hàng không nội địa năm 2013. Theo ông Thanh, việc kinh tế trong nước chưa có dấu hiệu phục hồi, ít nhất là trong nửa đầu năm 2013 sẽ khiến nhu cầu đi lại bị ảnh hưởng, không có khả năng tăng trưởng cao.

“Dự kiến, thị trường hàng không nội địa sẽ chỉ tăng trưởng 4-5%, chủ yếu do các hãng hàng không chi phí thấp giảm giá, thu hút một số khách đang đi bằng đường sắt và đường bộ”, ông Thanh nhận định.

Đại diện VNA cho rằng, việc VietJetAir theo đuổi kế hoạch bổ sung 2 - 8 máy bay A320 trong năm nay sẽ làm dư tải cung ứng nghiêm trọng, có thể dẫn tới nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường nội địa, ngay cả khi VNA chủ động lùi lịch nhận 3 tàu bay A321.

Trong khi đó, VietJetAir - hãng hàng không đứng thứ hai về thị phần vận chuyển khách lại bày tỏ sự hứng khởi với thị trường hàng không nội địa, khi cho rằng, dù kinh tế có suy giảm, nhưng do lượng khách quốc tế vẫn tăng, nhu cầu du lịch, giao thương bằng đường hàng không của người dân vẫn cần phải được đáp ứng, nhất là ở các tuyến nội địa kết nối giữa các tỉnh, thành phố lớn.

“Trong năm 2013, tùy theo diễn biến thị trường, VietJetAir sẽ linh hoạt phát triển đội tàu bay mới, hiện đại, để mang đến cho hành khách nhiều lựa chọn về giờ bay và mạng bay”, ông Desmond Lin, Giám đốc phát triển kinh doanh của VietJetAir khẳng định.

Theo nhận định của một chuyên gia, nhiều khả năng, thị trường vận chuyển hàng không nội địa sẽ chứng kiến một cuộc so kè quyết liệt giành khách giữa VNA và VietJetAir. Với lợi thế về giá vé thấp, chất lượng tàu bay và dịch vụ khá tốt, chắc chắn VietjetAir sẽ không thỏa mãn với con số 1 triệu lượt khách vận chuyển được trong năm 2012. “Người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc cạnh tranh thú vị này”, vị chuyên gia đánh giá.