Đại gia nước ngoài dần thâu tóm thị trường bán lẻ

Theo laodong.com.vn

Con số 1.735 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam đang khiến không ít người giật mình thảng thốt. Sau các thương vụ mua bán sáp nhập của các “ông lớn” Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc, thị trường lại tiếp tục biến động với sự xuất hiện của các “đại gia” mới từ nước láng giềng Trung Quốc.

Hàng Việt đang loay hoay trước những “luật chơi” mới do doanh nghiệp ngoại áp đặt.
Hàng Việt đang loay hoay trước những “luật chơi” mới do doanh nghiệp ngoại áp đặt.

Đối thủ ngoại liên tục xuất hiện

Bắt đầu từ năm 2015, lĩnh vực bán lẻ đã trở thành “tâm điểm” khi hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn đã thành công, với sự đổ bộ của nhiều tập đoàn lớn ngành bán lẻ nước ngoài. Đơn cử như Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% của Citimart.

Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn để sở hữu Big C Việt Nam. Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan cũng đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Metro (Đức) tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry VN.

Ngoài ra, BJC cũng mua lại Family Mart và đặt mục tiêu mở rộng lên đến 300 cửa hàng vào năm 2018, Central Group mua lại 49% cổ phần của Trung tâm điện máy Nguyễn Kim. Mới đây nhất, việc chuỗi 22 cửa hàng của Thế Giới Di Động bị “hất cẳng” ra khỏi Big C một lần nữa khiến nhiều người lo ngại nhà bán lẻ ngoại đang dồn doanh nghiệp Việt vào chân tường.

Dẫu vậy, công cuộc “tổng tấn công” vẫn chưa “hạ nhiệt” khi mới đây nhất, các đại gia trẻ Trung Quốc đã “nhảy” vào thị trường Việt theo con đường bài bản hơn.

Cụ thể, lấy mác “đại gia bán lẻ Nhật Bản”, thương hiệu Miniso của Trung Quốc sau khi khai trương 3 cửa hàng tại Hà Nội vào tháng 9, dự kiến sẽ mở thêm 12 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ... từ nay đến cuối năm.

Từ tháng 4/2016, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Alibaba của tỉ phú Trung Quốc Jack Ma cũng đã mua lại Lazada với giá 1 tỉ USD để thâm nhập nhanh vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Như vậy, giờ đây trên sân nhà, hàng Việt đang bị “o ép” bởi hàng loạt “gọng kìm” của các “đại gia” tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.

Theo báo cáo của Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến cuối năm 2015, cả nước có 1.735 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy.

Tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,6 tỉ USD, đứng trong 6 ngành nghề thu hút vốn FDI lớn nhất. Các doanh nghiệp bán lẻ có vốn FDI chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ nhưng lại có doanh thu và hiệu quả lớn hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Thống kê cho thấy, doanh số bán lẻ của khối FDI chỉ chiếm khoảng 4% nhưng doanh số bán ra tại một điểm bán lẻ của khối FDI cao gấp 3-4 lần, thậm chí gấp… 7-8 lần so với doanh số một siêu thị nội!

Tiến thoái lưỡng nan

Trong khi, doanh nghiệp Việt hiện vẫn đang loay hoay, chưa tìm được lối đi cho mình bởi những “luật chơi” nghiệt ngã do doanh nghiệp ngoại áp đặt. Đơn cử như Công ty TNHH Minh Long 1 từng tuyên bố rút toàn bộ hàng ra khỏi hệ thống Metro vì bị tăng chiết khấu, mặc dù tổng doanh thu của Minh Long 1 từ hệ thống này trong một năm hơn 30 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn phải trả các loại phí như phí trưng bày, phí mở mã hàng, phí thuê quầy kệ, quảng cáo... ở mức rất cao và luôn điều chỉnh một cách tùy tiện.

Ông Trương Phú Chiến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica - cho biết, năm 2014 công ty ông phải trả chi phí thuê quầy kệ cho một siêu thị là 1,2 tỉ đồng. Đến năm 2015, công ty được thông báo mức phí này tăng lên 2,2 tỉ đồng mà không nêu bất kỳ lý do nào, Bibica đành phải rút lui.

Nhận định về nguyên nhân trực tiếp khiến siêu thị nội khó cạnh tranh và bị “xâu xé” bởi các nhà đầu tư nước ngoài, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - cho rằng, do giá bán cao một cách vô lý, khâu phân phối và quy hoạch đều có vấn đề. “Giá bán một chai dầu 5 lít tại một siêu thị nội đang cao hơn siêu thị ngoại 20.000đ/chai.

Đây là hình ảnh xấu, khiến khách hàng dần bỏ đi. Không chỉ ngoại mà ngay cả siêu thị nội cũng ra sức “ép” doanh nghiệp với hàng loạt loại phí, từ phí tạo mã tới phí thường niên...

Chúng ta tự hại chúng ta đến 70%, trong khi sức ép từ doanh nghiệp ngoại chỉ có 30%. Hay như Hapro - một doanh nghiệp bán lẻ có vốn nhà nước, mặc dù có chương trình bình ổn giá tốn hàng trăm tỉ đồng nhưng giá vẫn cứ cao” - ông Phú nói.

Theo đó, chuyên gia này dự báo, sức ép cạnh tranh cho các nhà bán lẻ và sản xuất VN sẽ ngày càng nặng gánh hơn. Nếu mất đi hệ thống phân phối, trong đó có cả kênh thương mại điện tử, thì không cẩn thận sẽ mất cả sản xuất và phải đi làm thuê.

“Điều mấu chốt doanh nghiệp Việt cần phải làm ngay là từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư khu công nghiệp, có chính sách rõ ràng, hiệu quả, tổ chức tốt hệ thống phân phối và cùng nhau liên kết tạo sức mạnh trước ngưỡng cửa hội nhập” - ông Phú khẳng định.