Đào tạo nhân lực công nghệ cao: Nghịch lý

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Một tập đoàn công nghệ thông tin của Nhật Bản đã làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và ngỏ ý cần khoảng 200 lao động trong lĩnh vực thiết kế bo mạch điện tử, nhưng chúng ta không thể đáp ứng. Khi đối tác tổ chức sát hạch các kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản thì tỷ lệ đạt của các ứng viên chỉ dưới 10%...

Đào tạo nhân lực công nghệ cao: Nghịch lý
Nhân lực công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh sẽ thiếu trầm trọng trong thời gian tới. Nguồn: internet
Những bất cập trong khâu đào tạo, định hướng nghề nghiệp đang khiến nguồn nhân lực công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh chưa đáp ứng được nhu cầu. Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2013, Khu công nghệ cao TP đã thu hút đầu tư thêm 5 dự án công nghệ cao với tổng vốn 120 triệu USD.

Như vậy, tính tổng sau 11 năm xây dựng và phát triển, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh có 58 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,1 tỷ USD. Trong đó, 29 dự án trong nước với 357 triệu USD vốn đăng ký và 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký hơn 1,743 tỷ USD. Tuy nhiên, nhân lực để đáp ứng cho các dự án này đang là vấn đề nan giải.

Nhìn từ lĩnh vực vi mạch

Ví dụ từ lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch – một ngành mang lại giá trị gia tăng rất cao, theo tính toán của ông Ngô Đức Chí, Tổng Giám đốc công ty Global Cybersoft: Hiện cứ một chuyên viên làm phần mềm Việt Nam mang lại khoảng 1.500 - 2.000 USD/tháng, nhân viên xuất sắc thì kiếm được cho Việt Nam 3.000 USD/tháng.

Thế nhưng với chuyên viên thiết kế vi mạch thì dễ dàng kiếm được 3.000 - 6.000 USD/tháng, chuyên viên giỏi có thể kiếm được 10.000 USD/tháng. Như vậy theo cách tính này, nếu chỉ làm phần mềm thuần túy và để đem lại doanh thu cho Việt Nam 1 tỷ USD, cả nước cần phải có khoảng 500.000 chuyên viên phần mềm, nhưng thiết kế vi mạch chỉ cần 200.000 chuyên viên…

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Tổng Thư ký Hội Vi mạch bán dẫn TP. Hồ Chí Minh (HSIA), hiện nhu cầu sử dụng nhân lực vi mạch của các công ty có mặt tại TP. Hồ Chí Minh tăng cao, như Renesas cần 200 người/năm, Esilicon 100 người/năm, Applied Micro 100 người/năm… 

Trong khi đó, hiện tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) mới đào tạo tầm 105 người cho ngành này, trong đó chọn ra 5 người để tiếp tục đào tạo các kỹ năng mềm phục vụ cho quản lý. Tính ra từ năm 2013 đến 2020, trung tâm này cũng chỉ có thể đào tạo được 700 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35 quản lý.  “Một sự thiếu hụt trầm trọng trong thời gian tới” -  ông Hoàng khẳng định.

Cũng cần nói thêm, theo ông Hoàng, trong đào tạo nhân lực vi mạch, các trường đại học đang đứng “ngoài cuộc chơi” vì thực tế ICDREC đã liên kết với một số trường bằng những chương trình cụ thể nhưng kết quả không như mong đợi vì các trường chưa thực sự quan tâm.

Mô hình đào tạo “bắc cầu”

Thực tế, mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 55.000 – 60.000 sinh viên đại học và cao đẳng ra trường. Tuy nhiên, sinh viên thuộc lĩnh vực công nghệ lại chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế - quản lý - khoa học xã hội.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn: Thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh đang tồn tại một nghịch lý: rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực có trình độ cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển.

Nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) tuyển dụng lao động lại không tuyển được nhân lực, nhất là ở các ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

Theo các chuyên gia, trong tình trạng các trường đại học trong nước gần như không gắn mình vào “nhịp đập” ngành công nghệ cao thì đào tạo “bắc cầu” là một giải pháp thiết thực. Theo đó, Bộ GD - ĐT cần đầu tư xây dựng và quy chế hóa cho các trường đại học nghiên cứu để phát triển hệ thống nghiên cứu khoa học theo cơ chế viện - trường - DN; xây dựng nền văn hóa nghiên cứu trong các trường đại học, các đô thị khoa học hay tòa nhà khoa học.

Ngoài ra, một trong các biện pháp thúc đẩy chất lượng trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao là hình thành các nhóm, các tập thể nghiên cứu khoa học mạnh, qua đó tạo dựng các thủ lĩnh khoa học, và họ chính là những hạt nhân trong các tập thể nguồn nhân lực công nghệ cao.

Một đại diện của công ty Intel Việt Nam cho rằng: Vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ ảnh hưởng một vài DN hay một vài lĩnh vực kinh tế nhất định mà đang là vấn đề xã hội. "Vấn đề này cần được nhìn nhận từ góc độ vĩ mô - đó là giáo dục đào tạo".

Intel đang nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thông qua nhiều hoạt động hợp tác với Bộ Giáo dục và Ðào tạo và các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam. công ty đã dành nhiều suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập và nghiên cứu, sau khi tốt nghiệp còn có sự bảo đảm về việc làm.

Theo đại diện này, sở dĩ, công ty Intel đầu tư như vậy là để đào tạo nguồn kỹ sư giỏi cho việc phát triển nguồn nhân lực cho Nhà máy Intel tại Việt Nam. công ty cũng tin rằng với sự hợp tác tốt giữa DN và nhà trường thì vấn đề "khát" nguồn nhân lực công ty sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất.