DATC phải tiếp nhận nợ DNNN trong 30 ngày

Nguyễn Phượng/TBTC

(Tài chính) Đây là một trong những nội dung tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 38/2006/TT-BTC đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Theo Bộ Tài chính, quy định trên nhằm tạo điều kiện cho DN sắp xếp, chuyển đổi xử lý nhanh nợ và tài sản loại trừ và sớm xử lý thu hồi nợ, tài sản cho Nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, về cơ bản, dự thảo Thông tư kế thừa các nội dung tại Thông tư số 38/2006/TT-BTC ngày 10/5/2006 của Bộ Tài chính quy định về hoạt động bàn giao, tiếp nhận, xử lý nguồn thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, có điều chỉnh một số nội dung để phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn hoạt động bàn giao, tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ của Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) thời gian qua.

Quy định về mua, bán, xử lý nợ tồn đọng không còn phù hợp

Bộ Tài chính cho biết, Thông tư số 38/2006/TT-BTC hướng dẫn 2 nội dung lớn, gồm hoạt động mua, bán nợ và tài sản tồn đọng  với DATC; và hoạt động bàn giao, tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu với DATC.

Trong đó, nội dung thứ nhất được hướng dẫn căn cứ vào Nghị định  69/2002/NĐ-CP  ngày 12/7/2002 của Chính phủ về quản lý và xử lý nợ tồn đọng của công ty nhà nước. Tại Điều 3 Nghị định  69/2002/NĐ-CP quy định phạm vi xử lý nợ tồn đọng (nợ quá hạn, chưa thanh toán được), gồm: nợ tồn đọng đến 31/12/2000 đối với DNNN đang hoạt động và nợ tồn đọng đến thời điểm chuyển đổi đối với DNNN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu.

Tuy nhiên đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 206/2013/NĐ-CP ngày 9/12/2013 thay thế Nghị định 69/2002/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định 206/2013/NĐ-CP không còn quy định xử lý nợ tồn đọng tính đến thời điểm 31/12/2000 như Nghị định  69/2002/NĐ-CP trước đây mà tập trung quy định vấn đề quản lý nợ của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Do vậy, nội dung hướng dẫn hoạt động mua, bán, xử lý nợ tồn đọng (đến 31/12/2000) tại TT 38 không còn phù hợp và không có cơ sở pháp lý để quy định vì không còn áp dụng Nghị định  69/2002/NĐ-CP. Đồng thời, Nghị định 206/2013/NĐ-CP không quy định Bộ Tài chính phải hướng dẫn Nghị định này.     

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, khoản 4 Điều 4 Nghị định 206/2013/NĐ-CP quy định theo hướng thực hiện xử lý nợ theo quy định của Nhà nước về sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp. Như vậy, đối với các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu thì thực hiện theo cơ chế xử lý đối với từng hình thức sắp xếp.

Ví dụ như, đối với cổ phần hóa DNNN thực hiện theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn: số 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 hướng dẫn xử lý tài chính, số 194/2013/TT-BTC ngày 17/12/2013 hướng dẫn tái cơ cấu thông qua xử lý nợ với DATC để chuyển thành công ty cổ phần…

Tối đa 30 ngày, DATC phải tiếp nhận nợ

Tại mục quy định về bàn giao, tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ, về nguyên tắc bàn giao tiếp nhận (Điều 3), dự thảo thông tư bổ sung một số nguyên tắc để phù hợp với quy định hiện hành như: nợ tiếp nhận phải có đầy đủ hồ sơ, tài sản phải có hiện vật; nợ và tài sản tiếp nhận được căn cứ vào quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp; khi bàn giao nợ và tài sản, doanh nghiệp thực hiện xử lý tài chính theo quy định đối với từng hình thức sắp xếp, chuyển đổi (đã được quy định cụ thể)…

Nội dung bàn giao, tiếp nhận (Điều 5) cơ bản kế thừa Thông tư số 38/2006/TT-BTC và bỏ nội dung “nợ không có đủ hồ sơ” trong tiêu thức phân loại nợ do đã quy định nợ tiếp nhận phải có đầy đủ hồ sơ.

Đáng chú ý, về trình tự, thủ tục bàn giao tiếp nhận (Điều 6), dự thảo thông tư đã bổ sung quy định cụ thể hơn so với Thông tư số 38/2006/TT-BTC. Theo đó, trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu thông báo bằng văn bản đề nghị DATC tiếp nhận.

Các doanh nghiệp đã có quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa thực hiện bàn giao thì trong thời gian 15 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, đại diện chủ sở hữu đề nghị DATC tiếp nhận.

Đồng thời, DATC phối hợp với đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp để hoàn tất các thủ tục bàn giao, tiếp nhận trong thời gian tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của đại diện chủ sở hữu.

Theo Bộ Tài chính, quy định trên nhằm tạo điều kiện cho DN sắp xếp, chuyển đổi xử lý nhanh nợ và tài sản loại trừ và sớm xử lý thu hồi nợ, tài sản cho Nhà nước.

Bổ sung quy định về xử lý tài sản mất mát, thiếu hụt

Đối với các quy định về xử lý nợ và tài sản tiếp nhận, nội dung  nguyên tắc xử lý nợ và tài sản (Điều 7) đã cơ bản kế thừa Thông tư số 38/2006/TT-BTC và bổ sung thêm một số nguyên tắc.

Cụ thể, dự thảo thông tư yêu cầu DATC thực hiện các hình thức xử lý nợ và tài sản tiếp nhận theo quy định tại Điều lệ và Quy chế tài chính của Công ty (ví dụ như: bán nợ và tài sản; cơ cấu lại nợ; sử dụng tài sản để góp vốn cổ phần….).

Đồng thời bổ sung quy định phù hợp với Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về quản lý tài chính đối với DN do NN nắm giữ 100% vốn điều lệ khi thực hiện bán tài sản (đối với tài sản (bao gồm cả tài sản đảm bảo khoản nợ) có giá trị còn lại trên sổ sách kế toán dưới 100 triệu đồng, DATC lựa chọn bán đấu giá hoặc thỏa thuận theo giá không thấp hơn giá trị trường. Trường hợp tài sản không có giao dịch trên thị trường, DATC tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá để làm cơ sở bán tài sản.

Bên cạnh đó, một nội dung hoàn toàn mới so với Thông tư số 38/2006/TT-BTC được bổ sung tại dự thảo thông tư thay thế, là quy định về xử lý tài sản mất mát, thiếu hụt do thực tế thời gian qua đã phát sinh nhiều trường hợp này.

Theo đó, dự thảo Thông tư quy định theo hướng: Trường hợp do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì doanh nghiệp giữ hộ tài sản không phải bồi thường.

Trường hợp do nguyên nhân chủ quan, doanh nghiệp phải thực hiện bồi thường sau khi làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc mất mát, thiếu hụt tài sản.