DATC: Sáng tạo trong xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp

PV.

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) với cách thức xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp được xem là khá sáng tạo và cũng chỉ có DATC đã thực hiện thành công hoạt động này ở Việt Nam. Với những sáng tạo này công thêm sự "bắt tay" với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đang mở ra kỳ vọng mới cho thị trường mua bán nợ Việt Nam.

Điểm danh trên thị trường hiện nay, ngoài VAMC và khoảng 20 công ty mua bán nợ tư nhân (AMC) trực thuộc các ngân hàng thương mại chuyên xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng còn có công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) chuyên xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước.

DATC với cách thức xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp được xem là khá sáng tạo và cũng chỉ có DATC đã thực hiện thành công hoạt động này ở Việt Nam.

Cụ thể: Sau khi mua nợ từ các chủ nợ, DATC đã đàm phán với chủ sở hữu, cổ đông khác của doanh nghiệp để chuyển nợ thành vốn góp. Sau khi trở thành cổ đông, DATC thực hiện các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp như: xoá một phần nợ và lãi, hoãn trả nợ, thay đổi thời gian trả nợ, hỗ trợ về thị trường, quản trị, hỗ trợ về tài chính… nhằm phục hồi từ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán thành doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi, chính hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ tạo nguồn trả nợ cho DATC.

Lũy kế từ năm 2007 - 2013, DATC đã tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu cho 63 doanh nghiệp với giá trị vốn đầu tư hình thành từ chuyển nợ thành vốn là 709,292 tỷ đồng, trong đó đã loại trừ số vốn đã thoái tại một số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã và đang được DATC tái cơ cấu như: Vinacafe, Vinataba, Tổng công ty xây dựng Thăng Long, Tổng công ty xây dựng miền Trung…

Tính đến thời điểm hiện tại có thể nhận thấy, cách thức xử lý nợ của DATC so với VAMC mang tính bền vững hơn, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu để thu hồi nợ, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn cao.

Trong khi đó, cách thức xử lý nợ của VAMC chủ yếu làm đẹp bảng cân đối kế toán, kéo dài thời gian dự phòng, nợ xấu luôn có nguy cơ quay lại bất cứ lúc nào.

Để giải quyết vấn đề nợ xấu trong thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy nhanh hình thành thị trường mua bán nợ, cải thiện hành lang pháp lý, mở rộng cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia… có như vậy mới bán được nợ và nợ xấu được xử lý trọn vẹn.

Mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm nay của Ngân hàng Nhà nước đã nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, hơn 40% tổng số nợ xấu của hệ thống đang nằm ở Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và có nhiều ý kiến lo ngại kể cả VAMC được mua bán nợ theo giá thị trường thì khối nợ này vẫn khó xử lý.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được và từng bước xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng. Các tổ chức tín dụng tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính, đổi mới quản trị ngân hàng; sở hữu chéo, đầu tư chéo đã được xử lý một bước quan trọng; sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng diễn ra mạnh mẽ...

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép.

Từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012).

Trong đó xử lý nợ xấu qua VAMC chiếm 41,3%, còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau như đôn đốc khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản đảm bảo, chuyển nợ thành vốn góp… đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức rất cao ở những năm trước đây về mức 3,21% tháng 8/2015. Dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm nay sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Nhận xét về quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu thời gian qua, TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng nhìn toàn bộ tổng thể quá trình tái cấu trúc ngân hàng đã đạt thành công lớn. Xử lý sở hữu chéo và lũng đoạn hệ thống ngân hàng đã có tiến bộ.

Áp dụng chuẩn mực quản trị, quản lý rủi ro, chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính, chỉ tiêu an toàn hệ thống tiệm cận với hệ thống quốc tế. Tuy nhiên, đối với tổng số nợ xấu hơn 40% đang nằm ở kho VAMC lại rất đáng lo ngại. Bởi với hành lang pháp lý hiện tại thì kể cả khi đơn vị được mua bán nợ theo giá thị trường thì khối nợ này vẫn rất khó xử lý.

Thực tế cho thấy, các ngân hàng thương mại một mặt buộc phải bán nợ xấu cho VAMC, mặt khác vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro cho chính những khoản nợ xấu đã bán gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Sau 5 năm, các ngân hàng có thể phải lấy lại nợ xấu, trong khi không bắt buộc VAMC phải tìm giải pháp thanh lý nợ xấu.

Tính lũy kế từ năm 2013 đến ngày 15/9/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu đạt 204.228 tỷ đồng tổng giá trị dư nợ gốc nội bảng, 177.722 tỷ đồng giá mua nợ; thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo đạt 13.320 tỷ đồng; giúp các tổ chức tín dụng giảm được dư nợ xấu hơn 210.717 tỷ đồng.

Thừa nhận thực tế trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho biết, kết quả đạt được mới là khởi đầu còn xử lý khối nợ hơn 200.000 tỷ đồng mua về mới là thách thức phía trước.

Ông Hùng cho biết sang năm 2016, VAMC sẽ tập trung toàn lực để xử lý nợ xấu và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu mới phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt. Thời gian qua, đã có nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC bày tỏ mong muốn mua nợ.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam liên quan đến mua bán và xử lý nợ, các nhà đầu tư mới tiếp cận để tìm hiểu bước đầu chứ chưa chính thức đặt vấn đề. Một vấn đề khác là một loạt vướng mắc về hành lang pháp lý xử lý nợ xấu vẫn còn rất lớn.

Ví dụ như: việc tiến hành thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm của khách hàng vay đúng trình tự nhưng khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản, không có mặt theo thời gian, địa điểm thu giữ...

Trường hợp thu giữ được thì việc bán đấu giá gặp phải khó khăn như: bên bảo đảm không hợp tác trong vấn đề thỏa thuận giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức định giá... dẫn đến VAMC, tổ chức tín dụng không thể xử lý để thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, để giải quyết nhanh và triệt để số nợ xấu tích tụ trong hệ thống ngân hàng thì với nỗ lực riêng của ngành ngân hàng là chưa đủ, cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đồng thời, cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước.

DATC và VAMC đang kỳ vọng Chính phủ cũng sẽ sớm có các quy định cụ thể về loại hình kinh doanh mua bán nợ cũng như bàn luận để dẫn dắt thị trường mua bán nợ trong tương lai.

DATC là Công ty có kinh nghiệm hàng chục năm về tái cơ cấu doanh nghiệp, những khoản nợ đã mua. Sự hợp tác này tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm xử lý nợ xấu sao cho tốt hơn thông qua việc bán nợ, xử lý cơ cấu nợ và bản thân VAMC cũng cần cơ cấu nợ và tiến tới năm 2016 mua bán nợ theo giá thị trường.

Để hình thành thị trường mua bán nợ, công khai và minh bạch, theo tôi hai bên cần phối hợp chặt chẽ để xử lý nợ xấu cũng như đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng sắp tới sẽ thành lập Hiệp hội mua bán nợ sau khi đã có thị trường…