DATC: Tháo “nút thắt”, “tiếp máu” cho doanh nghiệp

DATC

(Tài chính) Rõ ràng nguồn tiền đối với các doanh nghiệp đã “chết lâm sàng” sau khi được Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tái cơ cấu rất quan trọng. Thế nhưng, những cơ chế để DATC hỗ trợ tài chính cho những doanh nghiệp này đang tạo ra “nút thắt” cần sớm được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu tại các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Thủy sản Bình An đã trở lại hoạt động ngay sau khi được DATC phối hợp với các đối tác vào cuộc "giải cứu". Ảnh: Internet
Thủy sản Bình An đã trở lại hoạt động ngay sau khi được DATC phối hợp với các đối tác vào cuộc "giải cứu". Ảnh: Internet

Thông thường, khi nền kinh tế đang khó khăn, doanh nghiệp cũng sẽ rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải cơ cấu lại do thua lỗ. Doanh nghiệp không những cần có nguồn tiền mới vào tiếp sức mà cần được điều chỉnh lãi suất các khoản nợ cho phù hợp với thị trường, nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Thế nhưng, thực tế ở những doanh nghiệp do DATC tái cơ cấu đang là nghịch lý.

Mức lãi suất 11,4% có hợp lý?

Trong khi nhiều doanh nghiệp hiện nay vay ngân hàng với mức lãi suất 9,6 - 10%/năm, thì theo Thông tư 79/2011/TT-BTC ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC thì từ ngày 4/6/2013, các doanh nghiệp được DATC tái cơ cấu đang có khoản nợ DATC sẽ phải chịu lãi suất không được thấp hơn 11,4% đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển sang cổ phần, còn đối với công ty cổ phần thì cộng thêm 1% nữa là 12,4%. Doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, rất “khát” vốn, nhất là nguồn vốn rẻ. Thế nhưng, với mức lãi suất phải áp dụng theo các quy định của thông tư này thì liệu doanh nghiệp có chịu được? Một nghịch lý khác, trong khi doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao hơn giá thị trường, thì DATC phải gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất 7% trong 3 tháng.

Một lãnh đạo của DATC cho biết, những doanh nghiệp mà DATC tái cơ cấu hầu hết đã lâm vào tình trạng phá sản. Có doanh nghiệp thì ngừng hẳn hoạt động, có doanh nghiệp thì đang cầm cự giống một người bệnh nặng. Nếu như người bệnh nặng cần được xử lý trước mắt là bằng kháng sinh, cơ thể quá yếu cần được truyền máu, sau đó cần có thời gian bồi dưỡng cơ thể để phục hồi khỏe lên, thì việc tiếp tục hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để kinh doanh và với mức lãi suất hợp lý với sức khỏe của doanh nghiệp là rất quan trọng, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Trong quá trình điều trị, nếu người bệnh quá yếu không được truyền máu hoạc vừa truyền chưa kịp hồi phục đã rút ống truyền ra thì người bệnh cũng chết luôn. Chúng tôi cho rằng, việc ngân hàng không cho doanh nghiệp vay, DATC cũng không có quyền hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp tái cơ cấu giống như người bệnh đang cấp cứu bị nguy kịch không được truyền máu vậy.

Nhu cầu được hỗ trợ tài chính của doanh nghiệp

Doanh nghiệp vừa bắt đầu quá trình tái cơ cấu, DATC cũng vừa phải mua lại nợ xấu của doanh nghiệp từ ngân hàng nên sẽ có rất ít ngân hàng quyết định cho doanh nghiệp vay tiền ngay tại thời điểm này. Vậy thì, nguồn tiền nào giúp cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh? Đây chính là nút thắt cần được tháo gỡ không chỉ cho doanh nghiệp mà cho chính cả DATC. Doanh nghiệp thì khát vốn, DATC phải gửi tiền ngân hàng với mức lãi suất thấp. Ở đây, chúng ta cần hiểu DATC chỉ hỗ trợ vốn ban đầu cho doanh nghiệp, việc hỗ trợ này cũng phải thu lại với tỷ lệ lãi suất hợp lý (ít nhất cũng phải bằng tiền gửi có kỳ hạn cộng với một tỷ lệ phần trăm phí nhất định).

Trong Luật doanh nghiệp hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước có quyền được làm việc đó, nhất là đối với các tổng công ty với các đơn vị thành viên. Việc bảo lãnh cho doanh nghiệp cấp dưới đi đấu thầu các dự án, công trình hay những hợp đồng có giá trị lớn là việc bình thường. Hầu hết các tổng công ty đều phải bảo lãnh cho các đơn vị thành viên thì họ mới đủ năng lực để làm.

Nếu như DATC là một doanh nghiệp nhà nước, chưa nói đến việc DATC là một doanh nghiệp đặc thù chuyên mua bán nợ, thì phải được thực hiện quyền của doanh nghiệp nhà nước. Nhưng điều này cũng không được áp dụng đối với DATC mà lại phải thực hiện theo quy chế tài chính áp dụng riêng cho DATC.

Hoạt động mua bán nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC, hỗ trợ vốn cho chính doanh nghiệp mà DATC đang tái cơ cấu lại là một chuỗi logic. Khi tái cơ cấu xong rồi, doanh nghiệp phải có trách nhiệm trả nợ cho DATC. Đó là lúc DATC thoái vốn, hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình này, DATC đã tạo điều kiện giải quyết công việc cho người lao động, đóng góp ngân sách cho Nhà nước, giải quyết các tồn tại về nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, công đoàn... Doanh nghiệp được vực dậy sẽ trả hết nợ chứ không được miễn giảm. Thu ngân sách từ việc vực dậy doanh nghiệp cũng rất là lớn. Muốn có được nguồn thu ngân sách này thì phải tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động trở lại.